Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 14298
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Để chiến thắng Bạch Đằng không phai mờ trong ký ức dân tộc (18/07/2014)

Có thể khẳng định, chiến thắng Bạch Đằng (năm 1288) là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung và của Hải Phòng - một trong những nơi trực tiếp diễn ra trận đánh oanh liệt hào hùng năm xưa - nói riêng. Chiến thắng Bạch Đằng vượt qua một sự kiện quan trọng, trở thành “ký ức dân tộc” (Lời  GS.TSKH Vũ Minh Giang PCT Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia), ai cũng cần phải biết, phải hiểu. Sự kiện cần nhiều hình thức ghi nhớ mà việc tổ chức lễ hội là một hình thức phổ biến. Đây cũng là nội dung của đề tài “Nghiên cứu luận cứ khoa học phục vụ tổ chức lễ hội kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 trên địa bàn huyện Thủy Nguyên” do Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thủy Nguyên chủ nhiệm. Đề tài vừa được Sở KH&CN tổ chức Hội nghị đánh giá.

Ca trù Đông Môn (Hòa Bình – Thủy Nguyên) - một trong những nét văn hóa của Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng

Với quan điểm kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế xã hội và du lịch bền vững; nhóm nghiên cứu đã đề xuất những nội dung, giải pháp… tổ chức lễ hội.

Về phần lễ sẽ tuân theo những nghi lễ truyền thống: tổ chức dâng hương, tế ở các di tích thờ, vị tướng gắn liền với chiến thắng lịch sử; thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng như thả thuyền, thả tù binh, vàng mã trên sông Bạch Đằng, sông Giá…Chương trình nghệ thuật của phần Hội, nhóm tác giả đề tài chỉ ra rằng nên diễn tích chèo phỏng trận đánh trên sông Bạch Đằng, tránh những mô típ trùng lặp (lịch sử vùng đất, truyền thống lịch sử, triển vọng phát triển…); bên cạnh đó các trò chơi dân gian của địa phương cũng sẽ “góp mặt”  cho phần Hội thêm đa dạng phong phú.

Ngoài ra, ban chủ nhiệm đề tài cũng đề ra giải pháp thực hiện tổ chức lễ hội: thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức lễ hội các cấp; đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế và thực hiện xã hội hóa các hoạt động lễ hội.

Thay mặt Hội đồng, GS.TSKH Vũ Minh Giang đánh giá cao ý nghĩa lịch sử của đề tài, khả năng tiếp cận cũng như cách định hướng có đổi mới, đồng thời nhấn mạnh cần bổ sung kinh nghiệm tổ chức lễ hội của các tỉnh bạn và gia cố thêm những luận chứng để làm cơ sở xây dựng lễ hội sau này.

Nguyễn Lưu