Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 51729
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Đoàn giám sát Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng (07/07/2023)

Chiều 6/7/2023, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Đoàn giám sát Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hải Phòng về kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) giai đoạn 2020-2022. Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Trưởng đoàn chủ trì buổi làm việc. Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách; Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Thiếu tướng Huỳnh Thới An, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an…

Về phía UBND thành phố Hải Phòng, tham dự buổi làm việc có đồng chí Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố; đồng chí Lã Thanh Tân, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố; đại diện lãnh đạo Công an thành phố và các sở, ban, ngành liên quan.

 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường phát biểu tại buổi làm việc.

Giai đoạn 2020-2022, thành phố nghiêm túc triển khai Nghị quyết số 99/2019/QH14 với việc tham mưu cho Hội đồng nhân dân thành phố ban hành 01 Nghị quyết và trực tiếp ban hành 34 văn bản chỉ đạo về công tác PCCC&CNCH trên địa bàn. Trong đó UBND thành phố đã thường xuyên chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, đúng tinh thần nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC&CNCH. Chỉ đạo các đơn vị chức năng tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản của Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác này. Đồng thời, thành phố cũng triển khai nhiều biện pháp để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác PCCC; xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; tăng cường tuyên truyền, giáo dục và nâng cao ý thức của nhân dân; thực hiện kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời các vi phạm; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và địa phương trong công tác PCCC&CNCH. Cụ thể, Công an thành phố, UBND cấp quận, huyện tăng cường ứng dụng App “Báo cháy 114” và Zalo phục vụ tuyên truyền về PCCC&CNCH.

Bên cạnh đó, UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện thường xuyên, liên tục công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC&CNCH; xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác này. Với những biện pháp trên, số vụ cháy nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra đã giảm đáng kể, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội (ANTT&ATXH) trên địa bàn thành phố. Cụ thể, từ ngày 01/01/2020 đến hết tháng 12 năm 2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 245 vụ cháy làm chết 03 người, bị thương 16 người, thiệt hại về tài sản khoảng 78,5 tỷ đồng và 25,78 ha thảm thực bì rừng. So với cùng kỳ giai đoạn 2017-2019, số vụ cháy giảm 82 vụ, số người chết giảm 04 người, số người bị thương giảm 11 người, thiệt hại về tài sản giảm 87,8 tỷ đồng và giảm 12,96 ha thảm thực bì rừng.

Mặc dù vậy, thông qua ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, có thể thấy trong quá trình triển khai Nghị quyết số 99/2019/QH14, thành phố Hải Phòng vẫn còn gặp một số hạn chế, bất cập, cụ thể: Số trụ nước chữa cháy đô thị chưa lắp đặt đủ số lượng; một số cơ sở thuộc diện phải trang bị, lắp đặt hệ thống phương tiện phòng cháy, chữa cháy theo quy định chưa tiến hành lắp đặt hoặc lắp đặt chưa đầy đủ; cần làm rõ nguyên nhân, lộ trình khắc phục, xử lý đối với các công trình đã được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực nhưng hiện không đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy; cần làm rõ hiệu quả tham gia PCCC của lực lượng dân phòng khi phần lớn đối tượng này là người cao tuổi; cần phân tích các nguyên nhân chủ quan, khách quan gây ra các vụ cháy, những bất cập về mức xử phạt; hạn chế trong việc hiểu và áp dụng chính sách pháp luật tại địa phương; việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCCC&CNCH có nhiều nội dung chưa được thành phố đề cập trong báo cáo(như: còn thiếu nội dung báo cáo thực hiện từ năm 2020 và những năm tiếp theo về việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến phòng cháy, chữa cháy,đặc biệt là quy chuẩn kỹ thuật đối với những loại hình cơ sở mới với quy mô lớn theo lời phát biểu của Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa họcCông nghệ và Môi trường Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn. Đây là nhiệm vụ thành phố giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành).

 

 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa họcCông nghệ và Môi trường Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Sau khi nghe ý kiến của các sở, ngành, đơn vị liên quan, nhất là trước tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp trong cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng trong thời gian gần đây, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị UBND thành phố tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn; bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng ngành, đơn vị liên quan. Đoàn giám sát cũng yêu cầu, báo cáo của UBND Thành phố cần đánh giá rõ việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; bổ sung những tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện các thông tư, nghị định và văn bản quy phạm pháp luật, trong đó ghi cụ thể còn vướng ở điều, khoản của văn bản nào. Bên cạnh đó, cập nhật nhóm công trình hiện đang sử dụng ngân sách nhà nước nhưng chưa tuân thủ về quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy hoặc chưa được nghiệm thu vào báo cáo; đánh giá thêm hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy của lực lượng dân phòng.

 

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường ghi nhận và tiếp thu ý kiến đóng góp của Đoàn giám sát, mong muốn Đoàn tổng hợp các kiến nghị, đề xuất, tham mưu cho Quốc hội tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp để việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn. Đồng chí Phó Chủ tịch thay mặt thành phố kiến nghị Đoàn giám sát có ý kiến với các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật trong lĩnh vực PCCC phù hợp với thực tiễn, cắt giảm thủ tục hành chính, có cơ chế đãi ngộ tốt hơn đối với lực lượng tham gia PCCC&CNCH.

Kết luận buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật về PCCC&CNCH của thành phố Hải Phòng thông qua những con số cụ thể. Trưởng Đoàn giám sát đề nghị UBND thành phố tiếp thu ý kiến đóng góp các thành viên trong đoàn, bổ sung, hoàn thiện sớm báo cáo gửi Đoàn giám sát, trong đó các sở, ban, ngành của thành phố cũng cần tham gia báo cáo chi tiết, cụ thể theo lĩnh vực được giao./. 

Chiêu Minh