Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 3257
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học tự nhiên

Động vật có vú có thể thở bằng ruột (28/05/2021)

Nghiên cứu “Mammalian enteral ventilation ameliorates respiratory failure” được công bố trên tạp chí Med cho thấy động vật gặm nhấm và lợn khi bị suy hô hấp vẫn có thể hấp thụ oxy qua mô trong trực tràng để hồi phục sức khỏe. Các tác giả cho rằng một ngày nào đó, việc hấp thụ oxy qua trực tràng có thể giúp cứu sống con người nếu các phương pháp thông khí thông thường không khả dụng.

Sean Colgan, một chuyên gia về tiêu hóa ở Đại học Colorado tại Boulder (Hoa Kỳ), người không tham gia vào nghiên cứu, nhận xét: “Ý tưởng này có vẻ điên rồ. Nhưng nếu nhìn vào dữ liệu, đó thực sự là một câu chuyện rất thuyết phục”.

Hầu hết các loài động vật có vú đều thở bằng miệng và mũi, đưa oxy vào cơ thể qua phổi. Một số loài động vật sống dưới nước như hải sâm và cá da trơn có thể thở bằng ruột. Con người có thể dễ dàng hấp thụ dược phẩm qua mô ruột. Tuy nhiên, không ai biết ở động vật có vú, oxy có thể đi vào máu thông qua ruột hay không.

Động vật có vú có thể hấp thụ oxy qua ruột.

Động vật có vú có thể hấp thụ oxy qua ruột.

Để tìm hiểu về vấn đề này, Takanori Takebe, một nhà nghiên cứu về tiêu hóa ở bệnh viện Nhi Cincinnati (Hoa Kỳ) và các cộng sự đã thử nghiệm một số phương pháp thông khí qua đường ruột cho chuột và lợn bị thiếu oxy trong thời gian ngắn. Trong nhóm thứ nhất gồm 11 con chuột, họ đã rửa ruột bốn con để làm mỏng lớp niêm mạc và cải thiện khả năng hấp thụ oxy. Sau đó, họ tiêm oxy tinh khiết cao áp vào đại tràng của những con đã rửa ruột và bốn con khác trong số bảy con không được rửa ruột.

Tiếp theo, họ rút oxy khỏi chuột, khiến chúng bị giảm oxy máu động mạch (hypoxic). Ba con không được rửa ruột, không được tiếp oxy qua đường ruột chỉ sống được khoảng 11 phút. Những con không được rửa ruột được thêm oxy qua hậu môn sống được khoảng 18 phút. Chỉ có những con chuột được rửa ruột và thông khí mới sống qua một tiếng đồng hồ, với tỉ lệ sống sót là 75%.

Tuy nhiên, Takebe và các cộng sự muốn loại bỏ quá trình rửa ruột khó khăn và nguy hiểm. Bởi vậy, họ thay thế oxy cao áp bằng chất lỏng perfluorocarbon có thể vận chuyển lượng lớn khí oxy, thường dùng thay thế cho máu trong quá trình phẫu thuật. Do perfluorocarbon có tỉ trọng cao nên chúng có thể hỗ trợ loại bỏ dịch nhầy trong ruột. Các nhà nghiên cứu bơm oxy giàu perfluorocarbon vào hậu môn của ba con chuột và bảy con lợn bị rút oxy. Để đối chứng, họ bơm nước muối sinh lý vào ruột của hai con chuột và năm con lợn bị thiếu oxy.

Trong khi nồng độ oxy trong máu của các nhóm đối chứng giảm mạnh, nồng độ oxy của những con chuột được thông khí ổn định vẫn ở mức bình thường. Với những con lợn được tiếp oxy, mức oxy bão hòa trong máu tăng khoảng 15%, làm giảm các triệu chứng thiếu oxy của chúng. Trong vài phút, làn da và tứ chi của con vật đã có màu sắc và độ ấm trở lại.

Takabe cho biết, hai kết quả trên chứng minh rằng động vật có vú có thể hấp thụ khí oxy qua ruột – và “cách tiếp cận kì lạ” mới này an toàn. Phương pháp mới sẽ cần kiểm tra an toàn trên người, nhưng Takebe cho biết ông có thể hình dung việc tiếp chất lỏng chứa oxy qua hậu môn để cứu sống tính mạng con người nếu không có sẵn các phương pháp thông khí chuẩn như trong bối cảnh đại dịch COVID-19 này.

Tuy nhiên, Markus Bosmann, nhà nghiên cứu phổi ở Trường Y thuộc Đại học Boston, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết ngay cả khi được chứng minh tính an toàn, phương pháp thông khí qua hậu môn cũng có thể không mang lại nhiều hiệu quả. Ông muốn các nhà khoa học so sánh kỹ thuật này với các phương pháp điều trị hô hấp thông thường như thở máy. Colgan tán thành, cần phải thử nghiệm nhiều hơn, và nhấn mạnh rằng nếu phương pháp thông khí hậu môn được sử dụng với bệnh nhân thì cũng chỉ sử dụng trong thời gian ngắn. Bởi lẽ, việc đưa oxy vào trong ruột có thể giết chế nhiều loại vi sinh vật tham gia vào quá trình tiêu hóa.

Dù vậy, Caleb Kelly, một nhà nghiên cứu về tiêu hóa ở Trường Y, Đại học Yale, người đã tham gia xét duyệt bài báo cho biết, về mặt lý thuyết, việc thông khí qua đường ruột sẽ không gây ra ảnh hưởng lâu dài. Dĩ nhiên, điều này cần được chứng minh bằng các thí nghiệm thực tiễn, nhưng “họ có thể cho thấy nó sẽ mang lại hiệu quả trong điều kiện thiết kế thích hợp”, Kelly nói.

Nguồn: Thanh An/tiasang.com.vn

Ngày cập nhật: 24/5/2021

https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Dong-vat-co-vu-co-the-tho-bang-ruot-28152