Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2853
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Gần 300 nhà khoa học và các đại biểu tham quan thực tế tại Bãi cọc Cao Quỳ (30/09/2020)

Trong khuôn khổ Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc năm 2020 diễn ra tại Hải Phòng, chiều ngày 28/9, gần 300 đại biểu là các nhà khoa học, khảo cổ học, quản lý văn hóa đã tham quan thực tế tại Bãi cọc Cao Quỳ và Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang tại huyện Thủy Nguyên.

Toàn cảnh Bãi cọc Cao Quỳ.

Tại đây, các đại biểu được giới thiệu về quá trình phát hiện, khai quật và xây dựng khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Kết quả khai quật đã phát hiện được 37 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 22 hố cọc và 4 hố đất đen. Các cọc này xuất lộ ở độ sâu khá tương đồng; được đóng, chôn trong khu vực chứa nhiều bùn cát mịn, mang tính chất địa tầng của trầm tích lòng sông và ven bờ. Khu vực bãi cọc có quy mô khá lớn với các cọc gỗ lớn/nhỏ xen kẽ, được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, nhiều lớp. Các cọc có kích thước không đều nhau, loại nhỏ từ 10-18cm, loại lớn từ 28-32cm, đặc biệt có cọc đường kính từ 37-40cm chủ yếu làm bằng gỗ sến nhựa và lim.

Từ kết quả trên, GS.TSKH Vũ Minh Giang và nhà sử học Lê Văn Lan đánh giá: Đây là những dấu tích rất quan trọng đối với ngành khảo cổ và lịch sử Việt Nam. Những phát hiện quý này giúp các nhà khoa học mở thêm nhiều nghiên cứu mới về chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng thời nhà Trần, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc đối với các thế hệ mai sau. Các chuyên gia khoa học cũng đồng thời kiến nghị, thời gian tới cần tiếp tục khảo sát và xây dựng kế hoạch nghiên cứu mở rộng, bởi đây là phát hiện có ý nghĩa lớn với lịch sử thành phố, là niềm tự hào của nhân dân cả nước nói chung và thành phố nói riêng, là nơi tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt trong mạch nguồn lịch sử của dân tộc ta.

Vũ Thành