Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1631
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Thế giới

Giải Nobel Vật lý 2016 về tay bộ ba nhà khoa học (05/10/2016)

Giải Nobel Vật lý 2016 vừa được quyết định trao cho ba nhà khoa học David Thouless, Duncan Haldane và Michael Kosterlitz.

Theo thông tin vừa mới công bố, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm đã chọn lựa người thắng giải Nobel Vật lý 2016 là ba nhà khoa học David Thouless, Duncan Haldane và Michael Kosterlitz vì những phát hiện lý thuyết về sự chuyển pha tôpô học và các pha tôpô của vật chất.

Sự chuyển pha diễn ra khi các pha của vật chất chuyển đổi qua lại lẫn nhau, ví dụ như khi nước đá tan chảy thành nước.

Các pha phổ biến nhất của vật chất là khí, lỏng, và rắn. Trong điều kiện nhiệt độ cực nóng hay cực lạnh, vật chất chuyển sang các thể hiếm gặp hơn.

Bộ ba nhà khoa học thắng giải Nobel Vật lý 2016 - (Ảnh: NobelPrize.org).

Ông Duncan Haldane đã nghiên cứu vật chất tạo thành các sợi mảnh đến mức có thể được xem như chỉ có một chiều.

Còn hai ông Kosterlitz và Thouless đã nghiên cứu các hiện tượng trên bề mặt hoặc bên trong các lớp cực mỏng có thể được xem như vật thể hai chiều.

Theo Wikipedia, tôpô hay tôpô học có gốc từ trong tiếng Hy Lạp là topologia (tiếng Hy Lạp: τοπολογία) gồm topos (nghĩa là "nơi chốn") và logos (nghiên cứu), là một ngành toán học nghiên cứu các đặc tính còn được bảo toàn qua các sự biến dạng, sự xoắn, và sự kéo giãn nhưng ngoại trừ việc xé rách và việc dán dính.

Do đó, tôpô còn được mệnh danh là "hình học của màng cao su". Các đặc tính đó gọi là các bất biến tôpô. Khi ngành học này lần đầu tiên tìm ra trong những năm đầu của thế kỉ 20 thì nó vẫn được gọi bằng tiếng Latinh là geometria situs (hình học của nơi chốn) và analysis situs (giải tích nơi chốn). Từ khoảng 1925 đến 1975 nó đã trở thành lãnh vực lớn mạnh quan trọng bậc nhất của toán học.

Phần thưởng tài chính cho mỗi giải Nobel là 8 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 930.000 USD). Nếu nhiều người cùng đoạt giải thì số tiền sẽ được chia đều. Giải Nobel Văn chương thường không bị chia sẻ.

Nguồn: khoahoc.tv (Theo Tuổi trẻ)