Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 8667 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học nông nghiệp
Hiệu quả cao khi ứng dụng công nghệ laser san phẳng mặt ruộng (20/12/2012)
Thời gian gần đây, tại Long An, công nghệ laser san phẳng mặt ruộng đã được ứng dụng đại trà trong sản xuất nông nghiệp. Kỹ thuật hiện đại này giúp giảm các chi phí sản xuất khoảng 2,5 triệu đồng/ha, đồng thời tăng năng suất thu hoạch lúa từ 1.000-1.500 kg/ha…
San phẳng mặt ruộng bằng tia laser giúp nông dân tăng lợi nhuận trong sản xuất |
Hệ thống san phẳng điều khiển bằng laser gồm có: Máy kéo; bộ phát laser được gắn trên trụ cố định, phát chùm tia laser tỏa ra xung quanh, đưa tín hiệu đến máy kéo; bộ nhận laser nhận tín hiệu và xác định độ cao so với mặt chuẩn từ bộ phát và truyền thông tin đến hộp điều khiển. Bộ nhận được lắp vào một trụ trên gàu san sau máy kéo. Ngoài ra còn một bộ nhận lắp trên dụng cụ đo cao độ dùng khi khảo sát mặt ruộng; hộp điều khiển xử lý tín hiệu từ bộ nhận, cho biết vị trí của gàu san so với độ cao muốn có. Khi cài ở chế độ tự động, hộp điều khiển hệ thống thủy lực để nâng hạ gàu san. Hộp được lắp cạnh người lái máy để điều khiển bằng tay khi cần thiết; hệ điều khiển thủy lực nâng hạ gàu san nhờ tín hiệu từ hộp điều khiển; gàu san có thể treo hoặc móc sau máy kéo.
Ông Lê Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Long An chia sẻ trong niềm hứng khởi, vụ lúa hè thu năm 2012, Long An ứng dụng công nghệ laser san phẳng mặt ruộng trên diện tích 200 ha tại 4 xã Khánh Hưng (Vĩnh Hưng), Thạnh Hưng (Mộc Hóa), Hưng Thạnh (Tân Hưng) và Hậu Thạnh Đông (Tân Thạnh) với hơn 90 hộ tham gia. Với công nghệ mới, vụ Hè Thu đã đạt năng suất 8,3 tấn/ha, trong khi bình thường cao nhất chỉ đạt 6,5 tấn/ha.
Khảo sát tại cánh đồng xã Khánh Hưng, nơi có 50 ha đất trồng lúa đã được san phẳng, ông Dũng tận tình cho biết, sử dụng công nghệ mới này giúp mặt ruộng được san phẳng từ mức chênh lệch ban đầu 30-35 cm xuống chỉ còn nhỏ hơn 3cm, đây là điều kiện lý tưởng cho sản xuất lúa nước. Mặt ruộng bằng phẳng giúp giảm các chi phí sản xuất như giảm lượng giống gieo sạ từ 10-30 kg/ha, giảm 5-10% lượng phân bón (khoảng 2 bao/ha); giảm 30-50% thời gian mỗi lần bơm nước. Chẳng hạn trước đây 2 ha ruộng phải mất 10 giờ bơm nước/lần thì bây giờ chỉ cần 5 giờ để bơm (một vụ cần khoảng 7 lần bơm nước). Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong điều kiện khan hiếm nước đầu vụ hè thu, bảo vệ nguồn nước phục vụ nông nghiệp theo hướng bền vững.
Tính bình quân, mặt ruộng bằng phẳng sẽ giúp giảm các chi phí sản xuất khoảng 2,5 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn, ứng dụng công nghệ này sẽ giúp tăng năng suất lúa bình quân từ 1-1,5 tấn/ha. Nếu lần đầu san bằng mặt ruộng bằng công nghệ laser phải đến 5 năm sau mới làm mặt ruộng lại. Ứng dụng công nghệ laser san phẳng mặt ruộng kết hợp cùng các tiến bộ kỹ thuật khác: Kỹ thuật xạ hang, kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp, kỹ thuật sử dụng hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… sẽ là cơ sở giúp cho tỉnh Long An xây dựng thành công 40.000ha lúa chất lượng cao theo quy hoạch trong thời gian tới.
Được biết, năm 2005, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) chuyển giao cho Việt Nam sản phẩm máy san phẳng ruộng lúa điều khiển bằng tia laser để dùng thử nghiệm trong việc san phẳng đồng ruộng. Sau khi tiếp nhận kỹ thuật, các nhà khoa học của Trung tâm Năng lượng và máy nông nghiệp - Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh đã tiến hành nghiên cứu và có những thiết kế để phù hợp với Việt Nam như: Tính toán, thiết kế các loại gàu san phù hợp với các chủng loại máy kéo khác nhau; sáng chế thiết bị giải nhiệt dầu thủy lực hệ thống nâng hạ; sửa chữa, điều chỉnh một số hư hỏng của thiết bị điều khiển...
Hiện nay, toàn quốc mới có 10 bộ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, trong đó Long An đã trang bị 6 bộ.
Nguồn: Báo Kinh tế Việt Nam
- Nghiên cứu đầu tiên về vi khuẩn nước bọt lợn cho thấy sự biến đổi cao (18/11/2024)
- Phân bón lá Nano - REM: kết hợp giữa công nghệ nano và nông nghiệp hữu cơ (12/11/2024)
- Nghiên cứu công nghệ sản xuất naringin và tinh dầu từ vỏ quả bưởi và xây dựng mô... (05/11/2024)
- Chọn tạo giống đậu xanh mới: Kháng bệnh khảm vàng và cho năng suất cao (30/10/2024)
- Ia H’Drai (Kon Tum): Hỗ trợ người dân phát triển mô hình chăn nuôi hươu sao (21/10/2024)
- Mô hình sản xuất lúa giống mới năng suất cao (15/10/2024)