Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 34144
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học nông nghiệp

Hiệu quả từ nuôi thâm canh lươn đồng theo công nghệ tuần hoàn nước (01/06/2021)

Điểm mạnh của mô hình là áp dụng các giải pháp kỹ thuật và sinh học, tự làm sạch, tái sử dụng nguồn nước, gia tăng mật độ nuôi lươn tối đa có thể lên đến 600 con/m2 và tăng năng suất lên 25kg lươn/m2.

Lươn nuôi theo mô hình mới.

Lươn nuôi theo mô hình mới.

Các nông hộ trên địa bàn thành phố Cần Thơ đang rất phấn khởi vì nuôi thâm canh lươn đồng theo công nghệ tuần hoàn nước đã giúp họ ổn định sinh kế, vươn lên làm giàu với sản vật đặc trưng.

Đây là thành tựu nghiên cứu được triển khai vào thực tế của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Cần Thơ.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thanh Liêm, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt, Trường Đại học Cần Thơ, Chủ nhiệm đề tài, chia sẻ xuất phát từ thực tế các hộ nuôi lươn tại Cần Thơ đang triển khai hai hình thức nuôi, có đất và nuôi không đất với giá thể thực vật hoặc vỉ tre/nylon đều có những giới hạn. Bởi, đối với mô hình nuôi có đất, con giống thả nuôi có kích thước lớn, thường sử dụng con giống tự nhiên, thức ăn sử dụng là cá tạp hay thức ăn tự chế, mật độ nuôi thấp, lươn ẩn nấp trong bùn nên trở ngại trong việc quản lý thức ăn và sức khỏe lươn nuôi.

Trong mô hình nuôi không đất, nếu là lươn giống thu từ tự nhiên thì tăng trưởng và năng suất thấp hơn mô hình nuôi đất. Nhịp thay nước trong cả 2 hình thức nuôi dao động từ 1-1,3 lần/ngày với 100% nước mới.

Cả hai hình thức trên đều cho năng suất nuôi lươn thấp dưới 10kg/m2. Nếu gia tăng mật độ nuôi thì tỷ lệ thay nước tăng và làm tăng rủi ro dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và an toàn thực phẩm.

Từ năm 2018, nhóm nghiên cứu triển khai mô hình nuôi thâm canh lươn đồng theo công nghệ tuần hoàn nước. Đây là mô hình đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, trong khi vẫn duy trì chất lượng môi trường và bảo vệ được các nguồn tài nguyên tự nhiên.

Điểm mạnh của mô hình là việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật và sinh học, tự làm sạch và tái sử dụng nguồn nước, gia tăng mật độ nuôi lươn tối đa có thể lên đến 600 con/m2 và tăng năng suất lên 25kg lươn thương phẩm/m2. Năng suất lươn nuôi cũng tăng từ 2,5-4 lần so với mô hình nuôi thông thường; hiệu suất lợi nhuận đạt từ 36,5-60,2%.

Các hộ nuôi lươn theo mô hình mới đảm bảo được quá trình vận hành an toàn, kiểm soát mầm bệnh, sức khỏe và chất lượng sản phẩm lươn nuôi; giảm tối đa tỷ lệ thay nước, tăng sản lượng lươn nuôi; cải thiện và làm gia tăng tốc độ tăng trưởng, chất lượng lươn và hiệu quả sản xuất; cho phép xử lý nước ô nhiễm và giúp kiểm soát quá trình xả thải.

Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường; hình thành và phát triển công nghệ nuôi tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay, mô hình đang bắt đầu được chuyển giao và triển khai ở một số điểm nuôi lươn giống và lươn thương phẩm trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Anh Nguyễn Thành Tân, Chủ trại nuôi Bình Thủy, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy đã triển khai mô hình nuôi lươn theo hình thức tuần hoàn nước từ năm 2019, trên diện tích thử nghiệm 30m2, gồm 5 bể, mỗi bể 6m2.

Bể nuôi được thiết kế kết nối với hệ thống tuần hoàn nước gồm một bể lọc sinh học, một bể lắng chất thải rắn và bể chứa nước. Lưu lượng nước qua bể nuôi được điều chỉnh từ 0,5-0,8 lít/phút.

Dây nylon màu đen được cột thành chùm với chiều dài từ 20-30 cm, sử dụng cho lươn trú ẩn. Dây này được vệ sinh hàng ngày và được thay mới 1 lần/tháng.

Mô hình bể nuôi lươn theo công nghệ tuần hoàn nước.

Mô hình bể nuôi lươn theo công nghệ tuần hoàn nước.

Lươn giống được ươm tạo trong 90 ngày, kích cỡ từ 1,4-3,2g/con. Thức ăn cho lươn là viên công nghiệp, có hàm lượng đạm 41%.

Thay vì phải thay nước hàng ngày như mô hình cũ, ở mô hình tuần hoàn nước từ 2-3 tuần mới thay nước một lần.

Điều này giúp nông hộ giảm chi phí nhân công, chi phí nước, cũng như giúp ổn định chất lượng nước bể nuôi, lươn khỏe mạnh và mau lớn hơn.

Sau từ 8-9 tháng, lươn thương phẩm có thể đạt tới 400gr/con, nông hộ thu lợi nhuận tăng gấp đôi so với mô hình cũ.

"Trong tổ hợp tác nuôi lươn thương phẩm của quận Bình Thủy, hiện có hơn 10 hộ trong tổng số 40 thành viên đã chuyển sang nuôi lươn theo công nghệ tuần hoàn nước. Nhìn chung mô hình khá dễ dàng lắp đặt, chi phí ban đầu không cao. Các thành viên ý thức hỗ trợ nhau về kỹ thuật nuôi cũng như đầu ra cho sản phẩm. Do đó, hầu hết các hộ nuôi đều cho phản hồi khá tích cực," anh Tân cho hay.

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thanh Liêm, trong thời gian tới, mô hình sẽ được nhân rộng ra địa bàn quận Ninh Kiều và Phong Điền. Mục đích nhằm hỗ trợ nông dân gia tăng hàm lượng công nghệ trong canh tác, nuôi trồng nông sản./.

Nguồn: Ánh Tuyết/vietnamplus.vn

Ngày cập nhật: 30/5/2021

https://www.vietnamplus.vn/hieu-qua-tu-nuoi-tham-canh-luon-dong-theo-cong-nghe-tuan-hoan-nuoc/716363.vnp