Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 11258
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học nông nghiệp

Hiệu quả vượt trội từ kỹ thuật trồng nhãn chín sớm ở Sông Mã (16/06/2022)

Không chỉ cho năng suất cao, nhãn chín sớm ở Sông Mã còn có chất lượng thơm ngon, mẫu mã đẹp, được nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh đặt mua.

Người dân tại xã Chiềng Khương chăm sóc nhãn chín sớm.

Khoảng 2 tháng nữa nhãn chính vụ mới cho thu hoạch, nhưng những ngày này tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, nhiều hộ dân đã bắt đầu thu hoạch nhãn chín sớm và bán ra với mức giá gấp 4-5 lần nhãn chính vụ.

Đây là thành quả của người nông dân, khi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, điều khiển nhãn ra hoa, đậu quả trước thời vụ.

Gia đình chị Phạm Thị Thanh là một trong 17 thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, huyện Sông Mã. Trước đây, như nhiều hộ dân khác, gia đình chị sản xuất, canh tác giống nhãn địa phương trên diện tích hơn 1ha.

Sau một thời gian, thấy nhiều thành viên trong hợp tác xã chuyển sang trồng nhãn chín sớm gia đình chị đã học hỏi và làm theo.

Từ những cây nhãn có tuổi đời hàng chục năm, gia đình chị đã cắt, ghép với giống nhãn chín sớm T6 - do Viện Nghiên cứu rau quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cung ứng.

Chị Phạm Thị Thanh chia sẻ, dù gần 2 tháng nữa nhãn chính vụ mới được thu hoạch, tuy nhiên đến nay gia đình chị đã xuất bán được nhiều đợt, giá trị nhãn chín sớm cao gấp 4-5 lần so với nhãn chính vụ.

Giá nhãn thời điểm cao nhất lúc đầu mùa là 60.000 đồng/kg, đến hiện tại giá còn 40.000-45.000 đồng/kg. Dự kiến, với sản lượng nhãn chín sớm trên 6 tấn, vụ năm nay gia đình chị có nguồn thu khoảng 350 triệu đồng.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc là một trong những cơ sở đi đầu tại huyện Sông Mã trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đến nay, các thành viên của hợp tác xã đã chuyển đổi gần 10ha nhãn địa phương sang ghép giống nhãn chín sớm T6, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc cho biết, từ năm 2018 giống nhãn chín sớm T6 bắt đầu được một số hộ gia đình đưa về trồng nhưng do nhưng không áp dụng khoa học, kỹ thuật nên không hiệu quả.

Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc kiểm tra chất lượng quả nhãn sau khi thu hái.

Đến năm 2020, các thành viên của hợp tác xã đã đi tham quan, học học kinh nghiệm ở miền Nam và áp dụng công nghệ thì mới bắt đầu thấy hiệu quả.

Từ đó, hợp tác xã đã mạnh dạn vận động thành viên chuyển đổi sang nhãn chín sớm. Dự kiến trong những năm tiếp theo hợp tác xã tiếp tục mở rộng diện tích trồng nhãn chín sớm.

Với hiệu quả kinh tế vượt trội, cùng với việc thuận lợi trong tiêu thụ, giống nhãn chín sớm đã được nhiều hộ dân, hợp tác xã tại địa bàn huyện Sông Mã đưa vào sản xuất.

Gia đình anh Lò Văn Phong, xã Chiềng Khoong có 3ha trồng nhãn;trong đó khoảng 1ha là nhãn chín sớm. Trước đây, gia đình chủ yếu trồng nhãn thông thường, đến chính vụ thường cho giá thấp, chỉ từ 10.000-15.000 đồng/kg.

Tìm hiểu về nhãn chín sớm, anh đã mạnh dạn mua giống về tự ghép thử nghiệm, thấy hiệu quả nên mở rộng thêm.

So với nhãn chính vụ, để cây nhãn ra hoa, đậu quả sớm thì phải thực hiện kỹ thuật chăm sóc nghiêm ngặt, tốn rất nhiều công và phải đúng thời kỳ, thời điểm.

Từ đầu vụ đến nay gia đình anh đã bán được gần 4 tấn nhãn chín sớm, với mức giá dao động từ 50.000-60.000 đồng/kg.

Huyện Sông Mã hiện có hơn 7.500 ha diện tích trồng nhãn, trong đó có khoảng 300 ha nhãn chín sớm, tập trung ở các xã Chiềng Khoong, Chiềng Khương và Nà Nghịu.

Để đạt mục tiêu đến năm 2030 có gần 1.000 ha nhãn chín sớm, huyện Sông Mã đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện và Ủy ban Nhân dân các xã tích cực phối hợp Viện Nghiên cứu rau quả, tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân ghép các giống nhãn chín sớm để thực hiện rải vụ, nâng cao thu nhập cho người trồng nhãn.

Ngoài ra, để hỗ trợ kỹ thuật các hợp tác xã, hộ gia đình canh tác nhãn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở, hướng dẫn kỹ thuật cắt ghép, đặc biệt là phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sông Mã Nguyễn Văn Phương cho biết, việc nhân rộng diện tích nhãn chín sớm nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là đưa các giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, thực hiện rải vụ, trái vụ nông sản.

Thời vụ thu hoạch giống nhãn chín sớm diễn ra sớm hơn các giống nhãn thông thường từ 1,5-2 tháng. Từ đó, tránh trùng với mùa vụ các địa phương khác trong cả nước, tạo ra sự thuận lợi hơn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.

Qua đó, hình thành hướng đi mới trong việc tiêu thụ nông sản, người nông dân không còn lo lắng vì tình trạng được mùa mất giá như trước đây.

Không chỉ cho năng suất cao, nhãn chín sớm ở Sông Mã còn có chất lượng thơm ngon, mẫu mã đẹp, được nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh đặt mua.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, huyện Sông Mã cũng đã thành lập các đoàn công tác liên ngành, lấy mẫu nhãn chín sớm, test (kiểm tra) dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư.

Đồng thời khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt quy trình kỹ thuật sản xuất nhãn, không sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc, bảo quản; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và phải bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch./.

Nguồn: Hữu Quyết/vietnamplus.vn

Ngày cập nhật: 13/06/2022

https://www.vietnamplus.vn/hieu-qua-vuot-troi-tu-ky-thuat-trong-nhan-chin-som-o-song-ma/797513.vnp