Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 61279
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp (17/02/2023)

Sáng 17/02/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Uỷ ban nhân dân (UBND) thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) các cấp năm 2023 tại Trung tâm Hội nghị thành phố.

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối Nông thôn mới các cấp năm 2023.

Dự Hội nghị có: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam; Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ; cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và đại biểu Văn phòng Điều phối NTM 63 tỉnh, thành phố.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, đến nay, cả nước có 6.001/8.211 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 73,08%), trong đó có 958 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 113 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã. Có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn NTM (chiếm 39,6%), 18 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có 100% xã đạt chuẩn NTM.

Có 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước tiến hành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt kết quả nổi bật với 8.867 sản phẩm của hơn 4.586 chủ thể OCOP đạt 3 sao trở lên. Đặc biệt, sản phẩm OCOP đang từng bước khơi dậy tiềm năng, lợi thế về đất đai, sản vật, cùng các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, góp phần chuyển dịch từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Về kết quả huy động nguồn lực thực hiện Chương trình năm 2022, đến tháng 12/2022, cả nước huy động được khoảng 621.324 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình (tăng 1,3 lần so với năm 2021), trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí trực tiếp cho Chương trình khoảng 77.397,8 tỷ đồng. Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 11.000 tỷ đồng, chiếm 1,8% (vốn đầu tư: 9.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 2.000 tỷ đồng); vốn đối ứng từ ngân sách địa phương đã bố trí thực hiện Chương trình khoảng 66.397,8 tỷ đồng (chiếm 10,7%); lồng ghép từ các Chương trình, Dự án khác là 49.967 tỷ đồng (chiếm 8%); tín dụng: 436.738 tỷ đồng (chiếm 70,3%); doanh nghiệp: 35.503 tỷ đồng (chiếm 5,7%); cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp: 21.848 tỷ đồng (chiếm 3,5%).

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cùng các đại biểu tham quan các gian hàng OCOP bên lề Hội nghị.

Hệ thống Văn phòng Điều phối NTM các cấp đã được kiện toàn đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương. Đến hết tháng 2/2023, đã có 50/63 tỉnh, thành phố ban hành Quyết định kiện toàn Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Nhận thấy tầm quan trọng của công tác tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh quản lý, điều hành, triển khai Chương trình ở cơ sở, một số địa phương đã chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Tỉnh uỷ/UBND kiện toàn Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương, đánh dấu bước chuyển về chất trong thực hiện chương trình NTM giai đoạn này.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Chương trình MTQG xây dựng NTM đã được tổng kết, đánh giá có kết quả rõ rệt. Đặc biệt, diện mạo nông thôn đã có sự thay đổi rất lớn, nhất là hạ tầng, kinh tế, đời sống và thu nhập của người dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, Chương trình MTQG xây dựng NTM cũng tồn tại một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ: Hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ở cả Trung ương và một số địa phương còn chậm; một số địa phương còn lúng túng thực hiện cơ chế lồng ghép nội dung, nguồn lực của 02 Chương trình MTQG (Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và Giảm nghèo bền vững); chưa chủ động thực hiện công tác rà soát, xây dựng nhu cầu vốn đầu tư, cũng như các thủ tục từ đầu năm; kết quả đạt chuẩn xã NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách, chênh lệch lớn; chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí về môi trường, thu nhập, an ninh trật tự... Nhiều địa phương thụ động, trông chờ vào tư vấn, trong khi số lượng đơn vị tư vấn triển khai Chương trình OCOP chưa nhiều.

Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Ngô Trường Sơn chia sẻ tại Hội nghị: Một số địa phương chưa chủ động thực hiện công tác rà soát, xây dựng nhu cầu vốn đầu tư và chuẩn bị các thủ tục chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm nên mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư theo quy định. Do vậy, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao năm 2022.

Đại diện cho địa phương chủ trì Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết: Quá trình xây dựng NTM ở Hải Phòng đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đến nay, thành phố đã có 5/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 02 huyện được Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ, 137/137 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 42 xã được đạt chuẩn NTM nâng cao, và 22 xã hoàn thành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, thành phố xác định mục tiêu đến năm 2025 có 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí NTM.  Kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã thực sự làm thay đổi da thịt cho khu vực nông thôn của thành phố, đời sống vật chất nâng cao rõ rệt.

Từ kết quả đã đạt được, chương trình MTQG xây dựng NTM cũng đã  đặt ra mục tiêu phấn đấu năm 2023: Cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 25% số xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu; có ít nhất 270 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, có 7 đến 8 tỉnh, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; khoảng 9.500 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.

Tại Hội nghị, các ngành, địa phương đã thảo luận, bổ sung nội dung, mục tiêu định hướng cho Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; đồng thời, đặt ra những vấn đề khó khăn cần tháo gỡ. Trong đó, Chương trình sẽ tập trung vào một số giải pháp: Tập trung hoàn thành nhiệm vụ tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo các cấp từ Trung ương tới địa phương; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị …

Để đạt được mục tiêu trên, kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chỉ ra một số nội dung mà Văn phòng Điều phối NTM các cấp cần triển khai trong thời gian tới: Lấy sự năng động đổi mới sáng tạo ở cơ sở để làm động lực phát triển, khắc phục sự “đồng phục hóa” ở các địa phương trên khắp 63 tỉnh thành; các địa phương cần kết nối với nhau để giao lưu, tương tác cũng như cùng nhau chia sẻ thông tin, bài học, cách làm hay; cần nhìn lại cách tiếp cận nông thôn mới; đánh giá cao các sáng kiến và hồi sinh sức sống cộng đồng; chương trình OCOP phải tạo ra không gian kinh tế nông thôn (mỗi sản phẩm là một câu chuyện), tạo ra nhiều việc làm cho người dân nông thôn, phải tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn nữa.

Minh Nhật