Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 4352
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Hướng dẫn kỹ thuật phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi (19/04/2017)

          Nhằm tiêu diệt mầm bệnh tồn tại trong môi trường, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh gia súc, gia cầm, bà con nên thường xuyên thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi.

Để công tác khử trùng tiêu độc đạt hiệu quả cao, góp phần phòng chống dịch cúm gia cầm, không để dịch bệnh phát sinh và lây lan, người chăn nuôi khi thực hiện phun khử trùng tiêu độc cần theo đúng nguyên tắc, các bước và tần suất sau đây:

1. Nguyên tắc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc:

- Người thực hiện khử trùng, tiêu độc phải sử dụng bảo hộ lao động phù hợp: có quần áo bảo hộ riêng, ủng, găng tay, khẩu trang, kính, mũ.

- Lựa chọn hóa chất sát trùng ít độc hại đối với người, vật nuôi, môi trường; phải phù hợp với đối tượng khử trùng tiêu độc; có tính sát trùng nhanh, mạnh, kéo dài, hoạt phổ rộng, tiêu diệt được nhiều loại mầm bệnh như: Iodine 10%, Benkocid, Virkon, vôi bột, vôi tôi, nước vôi, xà phòng, nước tẩy rửa… Chỉ sử dụng hóa chất sát trùng có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.

- Thực hiện đầy đủ các bước vệ sinh, khử trùng, tiêu độc.

2. Các bước vệ sinh, khử trùng, tiêu độc:

- Bước 1: Vệ sinh cơ giới: để thuốc khử trùng phát huy hiệu quả cao nhất, trước khi phun thuốc khử trùng cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ (quét dọn phân, rác, chất độn chuồng rồi đốt hoặc chôn), cọ rửa máng ăn, máng uống, phương tiện vận chuyển.

- Bước 2: Pha thuốc sát trùng: Pha chế và sử dụng hóa chất sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bảo đảm pha đúng nồng độ.

- Bước 3: Phun thuốc sát trùng: khi phun cần phun từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, phun đúng tỷ lệ trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt, nên phun thuốc thấm đẫm bề mặt chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi rồi để cho bề mặt tự khô để tăng hiệu quả khử trùng.

3. Tần suất thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc:

- Đối với các cơ sở chăn nuôi: định kỳ 1 lần/tuần và theo các đợt phát động của địa phương.

- Đối với các cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm: định kỳ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi đợt ấp nở và theo các đợt phát động của địa phương.

- Đối với phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm: định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc sau mỗi lần vận chuyển.

Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc là một khâu vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong quá trình chăn nuôi; vì vậy, các cơ sở chăn nuôi cần xây dựng thành lịch cụ thể, rõ ràng và thực hiện đúng lịch để phòng ngừa sự phát sinh và lây lan của dịch cúm gia cầm nói riêng và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi.

 

Nguồn: Sở NN&PTNT Phú Thọ