Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 21915
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Khoa học công nghệ góp phần nuôi trồng thủy sản sạch (03/12/2013)

Sáng 28/11, Sở KH&CN tổ chức Hội thảo "Giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản sạch”. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở  KH&CN, Sở NN&PTNT, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, Ngân hàng Chính sách xã hội, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư thành phố, UBND các quận, huyện, UBND các xã ven biển, các HTX, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, doanh nghiệp kinh doanh thiết vị vật tư nông nghiệp – ngư nghiệp.

Giới thiệu công nghệ ozone trong nuôi trồng thủy sản sạch

Hội thảo được nghe ông Đỗ Đức Trung – Phó trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT) trình bày thực trạng và định hướng phát triển ngành nuôi trồng thủy sản tại Hải Phòng. Theo ông, nhiều năm gần đây, nuôi trồng thuỷ sản thành phố đã từng bước phát triển thành một nghề sản xuất quy mô hàng hóa. Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản thành phố tuy giảm so với những năm trước đây nhưng năng suất, sản lượng và giá trị sản lượng không ngừng tăng lên. Năm 2005, tổng sản lượng là hơn 34.900 tấn, năng suất bình quân đạt 2,6 tấn/ha. Đến năm 2012, tổng sản lượng đạt trên 49.800 tấn với năng suất 3,8 tấn/ha, đạt giá trị gần 749 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dịch bệnh tại các vùng nuôi trồng thủy sản đang diễn biến phức tạp. Bệnh xuất hiện ở các giai đoạn phát triển từ con giống đến nuôi thương phẩm và bắt gặp ở tất cả các phương thức nuôi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc phát triển tự phát, chưa có quy hoạch, người nuôi chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi, lạm dụng hóa chất và chế phẩm xử lý môi trường, chất lượng con giống chưa đảm bảo...

Đồng tình với ý kiến trên, ThS. Lê Xuân Sinh (Viện Tài nguyên và Môi trường Biển) cũng cho rằng: việc nuôi trồng thủy sản ở đầm nước lợ khu vực ven biển Hải Phòng diễn ra mạnh mẽ khắp các huyện; tuy nhiên, nghề nuôi trồng thủy sản hiện nay ở các vùng tập trung đang gặp những thách thức do môi trường bị ô nhiễm, nhiều loại dịch bệnh mới khó phát hiện và bùng phát nhanh.

Để giải quyết tình trạng đó, một trong những giải pháp mà Hội thảo nhất trí đưa ra là đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản sạch. Theo đó, cần tăng cường công tác nghiên cứu khoa học; tập trung ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến sản xuất các loại giống thủy sản sạch bệnh, có chất lượng, nâng cao năng suất nuôi trồng; ng dụng kỹ thuật xử lý chất thải trong nuôi trồng và chế biến thuỷ sản; đổi mới và ứng dụng KH&CN trong khai thác thủy sản, bảo quản sản phẩm để giảm tổn thất sau thu hoạch.

Hội thảo cũng giới thiệu nhiều thiết bị, công nghệ mới phục vụ cho việc xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản như mô hình xử lý nước bằng hệ thống lọc sinh học hoàn lưu cho sản xuất giống tôm biển trên vùng cửa sông nước lợ (Viện Tài nguyên và Môi trường Biển), công nghệ vi sinh xử lý nước trong ao nuôi trồng thủy sản (Công ty CP VITACO – Hà Nội), công nghệ ozone (Công ty CP Phát triển Công nghệ Sinh Phú – Hà Nội)…

Hân Minh