Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 3550
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học tự nhiên

Khủng hoảng khí hậu khiến cho những cánh rừng của thế giới thu hẹp và ‘trẻ’ hơn đáng kể (10/06/2020)

              Các nhà khoa học cho biết nhiệt độ gia tăng, thiên tai và nạn phá rừng gây ra các thiệt hại nặng nề.

Ảnh minh họa

Một phân tích cho thấy, những biến đổi nghiêm trọng và có hại của khí hậu và việc chặt cây hàng loạt đã khiến các khu rừng trên thế giới bị thu hẹp và ‘trẻ’ hơn đáng kể.

Các nhà khoa học cho biết, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên cùng với những hậu quả đáng lo ngại đối với khả năng lưu trữ carbon, giảm thiểu tình trạng khẩn cấp khí hậu của rừng và tình trạng các động vật hoang dã đang bị đe dọa do phải sống phụ thuộc vào các khu rừng lâu đời, cổ xưa, có hệ sinh thái phong phú.

Các nhà nghiên cứu cho biết, phân tích hơn 150 công trình nghiên cứu trước đây cho thấy, tỷ lệ cây chết tăng mạnh, tăng gấp đôi ở Bắc Mỹ và tăng đáng kể ở Amazon. Các tác động của việc phá rừng đã cắt giảm diện tích rừng già xuống một phần ba kể từ năm 1900.

Nhiệt độ tăng do sự ấm lên toàn cầu cũng làm giảm sự tăng trưởng của cây và làm tăng cây bị chết do bị hạn chế quang hợp và căng thẳng. Hơn nữa, nhiệt độ cao, tình trạng hạn hán, gió bão, sâu bệnh và dịch bệnh ảnh hưởng đến các cây già nhiều hơn.

Tom Pugh, nhà khoa học tại Trường Đại học Birmingham, Vương quốc Anh, cho biết: Nghiên cứu đánh giá bằng chứng của chúng tôi cho thấy biến đổi khí hậu đang đẩy nhanh tốc độ chết của cây, ngày càng đẩy các khu rừng trên thế giới về phía bị non hơn và thu hẹp hơn.

Các khu rừng đã trở nên thu nhỏ hơn và non hơn trong thế kỷ qua chủ yếu là do ảnh hưởng của sự thay đổi cách sử dụng đất của con người, và các phát sinh như cháy rừng và nạn côn trùng hoành hành và hạn hán. Đây là những vấn đề ngày càng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng.

Người đứng đầu phân tích, Nate McDowell, phòng thí nghiệm năng lượng Tây Bắc Thái Bình Dương (Hoa Kỳ), cho biết, trong một trăm năm qua, chúng ta đã mất đi rất nhiều cánh rừng già. Chúng đã được thay thế một phần bởi những khu rừng không còn phải là rừng nữa và một phần là những khu rừng ‘trẻ’. Điều này gây hậu quả lớn đối với sự đa dạng sinh học, giảm thiểu khí hậu và ngành lâm nghiệp.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science, bao gồm cả phân tích dữ liệu vệ tinh về sự thay đổi sử dụng đất, ước tính rằng việc chặt cây của con người đã cắt giảm tổng diện tích rừng 12% kể từ năm 1900. Tỷ lệ rừng già, hơn 140 năm tuổi, đã giảm từ 89% xuống 66% trong thời gian đó. Các nhà nghiên cứu không thể đưa ra ước tính chính xác về việc các khu rừng bị thu hẹp hơn bao nhiêu lần do thiếu dữ liệu.

Mức độ tăng carbon dioxide trong khí quyển có thể tăng sự phát triển của cây nhưng các nhà nghiên cứu cho biết điều này dường như chỉ xảy ra ở những khu rừng trẻ hơn có nguồn dinh dưỡng và nước dồi dào. Tuy nhiên, hầu hết các khu rừng đều có chất dinh dưỡng và nước bị hạn chế, điều này làm giảm đáng kể lợi ích carbon dioxide cho cây.

Pugh cho biết phần lớn các khu rừng ở Anh và Châu Âu là những ví dụ về các rừng cây bị trẻ hóa và non nớt bất thường. Chúng không còn có tầm vóc như vốn có ban đầu sau khi bị con người thay đổi những căn bản của chúng như khai thác đều đặn, trồng các loài mới, độc canh.

Giáo sư Tom Crowther, Trường Đại học ETH Zurich, Thụy Sĩ, và không phải thành viên của nhóm phân tích cho biết, nghiên cứu này cực kỳ quan trọng bởi từ lâu các nhà khoa học đã dự đoán rằng CO2 tăng cao và sự ấm lên toàn cầu sẽ làm tăng lưu trữ carbon trong rừng sẽ giúp bù đắp khí hậu thay đổi. Nhưng nghiên cứu này thêm vào một mối lo ngại ngày càng tăng rằng các yếu tố này, cùng với sự xáo trộn của con người, trên thực tế có thể làm giảm lượng carbon được lưu trữ trong các hệ sinh thái này.

Tuy nhiên, nó cũng gợi ý rằng, nếu chúng ta có thể bảo vệ những khu rừng mà chúng ta đã có và cho phép chúng phát triển đến khi trưởng thành, sẽ có một tiềm năng rất lớn để chúng thu được rất nhiều carbon, ông nói.

Rừng nhiệt đới nguyên sinh và rừng phương bắc trên thế giới đều rất quan trọng trên toàn cầu, giống như các bể chứa carbon. Các khu rừng trên thế giới hiện đang làm chậm quá trình biến đổi khí hậu trong khi xu hướng tử vong trong tương lai có thể đảo ngược điều này, các ý tưởng trong báo cáo mới không thay đổi những gì thế giới cần làm là phải ổn định khí hậu bằng cách nhanh chóng đẩy lượng khí thải hóa thạch về số không và bảo vệ các khu rừng của thế giới.

Pugh cho biết việc phân tích các tình trạng thay đổi trên toàn thế giới cũng có ý nghĩa đối với việc bảo vệ rừng.

Nguồn: P.T.T/vista.gov.vn

Ngày cập nhật: 08/06/2020

http://vista.gov.vn/news/cac-linh-vuc-khoa-hoc-va-cong-nghe/khung-hoang-khi-hau-khien-cho-nhung-canh-rung-cua-the-gioi-thu-hep-va-tre-hon-dang-ke-2552.html