Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 53603 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học và sản xuất
Kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây thiên lý (05/07/2019)
1. Thời vụ và giống
- Thời điểm trồng hoa thiên lý có thể áp dụng quanh năm nhưng thích hợp nhất vẫn là mùa hè.
- Chọn cây giống thiên lý già, sạch bệnh, mập, lá xanh, cũng có thể nhân giống bằng cách cắt đoạn dài khoảng 30cm để ươm bầu hoặc cắt đoạn dài 80 - 100cm để khoanh tròn ươm trong chậu hoặc trồng ngay lên hố đã chuẩn bị sẵn.
Lưu ý: Sau khi cắt, cần chấm tro để chống chảy nhựa, mất nước và sát khuẩn rồi mới ươm trồng và để đầu thò lên mặt đất 10cm. Cắm que cho cây leo, chỉ để 2 mầm thành dây leo lên giàn.
2. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
Nên lựa chọn đất tơi xốp, ẩm và thoát nước tốt. Thiên lý là cây dây leo, nên việc làm giàn cũng khá quan trọng. Cần chọn nơi không có cây to hoặc không sát nhà cao tường che nắng. Tối thiểu cũng phải có ánh nắng chiếu trực tiếp được 4 - 6 giờ mỗi ngày. Làm giàn hơi nghiêng vào góc có nắng chiếu.
-Tưới nước: Hoa thiên lý cần được tưới nhiều nước để phát triển, tuy nhiên không được để tình trạng đất bị ngập nước gây thối rễ và cũng không được để đất quá khô khiến cây bị còi cọc. Vào mùa mưa, cần chú ý vun luống cho cây để tránh bị ngập úng.
Trong 1 tuần sau khi trồng, cần phải tưới nước cho cây mỗi ngày 2 lần. Sau đó có thể tưới nước cách 2 - 3 ngày một lần, nhưng vẫn phải đảm bảo giữ độ ẩm cho đất để cây phát triển tốt, đặc biệt là vào giai đoạn cây sắp ra hoa.
- Bón phân
+ Giai đoạn 1: Sau khi trồng thiên lý được 2 tuần, tiến hành bón cho cây bằng phân bón phức hợp DAP pha nước tưới cách gốc 50cm để giúp bộ rễ cây sinh trưởng và bám đất tốt hơn.
+ Giai đoạn 2: Khoảng 1 tháng sau trồng, tiến hành bón thúc lần 1 với phân đạm + ure pha loãng với nước tưới vào gốc và phun sương cho cây.
+ Giai đoạn 3: Sau khi bón thúc lần 1, tiếp tục bón thúc các lần tiếp theo với 200g phân NPK cho mỗi gốc cây với quy trình mỗi lần cách nhau 10 - 12 ngày.
+ Giai đoạn cây ra hoa: Ở thời điểm cây bò kín giàn và chuẩn bị có nụ ra hoa, cần bón phân định kỳ cho cây hàng tháng bằng phân chuồng ủ hoai hoặc phân NPK bón trực tiếp vào gốc cây.
+ Giai đoạn sắp thu hoạch: Ở thời điểm khi cây sắp cho đợt thu hoạch hoa, trước khoảng 15 ngày cần tăng cường bón thêm lân và kali.
+ Giai đoạn sau thu hoạch: Sau mỗi đợt thu hoạch bông thiên lý, cần phải bón thúc thêm phân chuồng ủ hoai, rơm rạ, mùn mục hoặc tro trấu vào xung quanh khu vực gốc cây với lượng phân chuồng từ 15 - 25kg/1 gốc cây. Nếu bón phân NPK, mỗi gốc cần phải bón 300g phân vào gốc rồi tưới nước để cây tiếp tục phát triển.
- Cắt tỉa
Ở giai đoạn khi các nhánh dây thiên lý bắt đầu mọc tỏa ra khắp giàn, lúc này cần chủ động dẫn nhánh trải đều trên mặt giàn để tránh các dây leo chồng chéo lên nhau. Kiểm tra cắt tỉa bớt các lá già, cành rậm rạp để hạn chế sâu bệnh và rầy rệp gây hại.
3. Phòng trị sâu bệnh
Trồng hoa thiên lý cần chú ý đến một số loại sâu bệnh gây hại như rầy, rệp và bọ trĩ, đặc biệt là vào thời tiết nắng nóng. Để phòng trị bệnh hại này, cần phải chú ý lượng nước tưới cho cây đầy đủ, tránh để cây bị thiếu nước. Nếu phát hiện rầy, rệp hay bọ trĩ gây hại, cần phải bắt giết ngay; hoặc nếu mật độ nặng, có thể sử dụng thuốc Supracide để phun.
Một số loại nấm bệnh cũng thường gây hại cho cây thiên lý khiến cây bị thối gốc, thối rễ, hoa bị teo khiến năng suất và chất lượng giảm đáng kể, đặc biệt là vào mùa mưa. Để khắc phục bệnh hại này, cần phải chú ý kỹ ở khâu làm đất, vun gốc, chú ý nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng, thường xuyên cắt tỉa bớt các lá già và cành để giàn hoa thiên lý thông thoáng. Nếu mật độ bệnh hại nặng, có thể luân phiên sử dụng các loại thuốc trừ nấm như Aliettel, Benlat C, Ridomil,... để phun trên mặt lá và tưới vào gốc bị bệnh.
4. Thu hoạch
Cây thiên lý sau khi trồng trong thời gian 3 tháng sẽ cho thu hoạch đợt hoa đầu tiên, chú ý nên ngắt hái chùm hoa và lá non vào buổi sáng. Nếu chăm sóc tốt, cây thiên lý ra lá non và hoa mới và cho thu hoạch liên tục trong mỗi tháng.
Cây hoa thiên lý mỗi vụ trồng có thể cho thu hoạch từ 4 - 6 năm mới phải trồng lại. Tuy nhiên cần chú ý mỗi năm phải cắt bỏ toàn bộ những cành lá và nhánh phụ, chỉ giữ lại hệ thống thân cây và nhánh chính, sau đó vun xới gốc và bón thêm phân chuồng ủ hoại hoặc phân NPK để cây tiếp tục sinh trưởng và tiếp tục phát triển qua các vụ mới.
- Nguồn: Khuyến nông Hà Nội
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh (09/12/2024)
- Phòng bệnh ký sinh trùng trên cá bớp (25/11/2024)
- Tôm bị mềm vỏ sau mưa: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả (12/11/2024)
- Môi trường mang thai của heo nái hậu bị ảnh hưởng tới sự phát triển trí não ở heo (30/10/2024)
- Bệnh lưỡi xanh: Cơ chế lây truyền và các biện pháp phòng ngừa (15/10/2024)
- Một số kỹ thuật úm gà con (01/10/2024)