Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 49536 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Tin KH & CN Hải Phòng
Kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội Điện tử và Tin học Hải Phòng (20-9-1989 - 20-9-2024) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực điện tử, công nghệ thông tin phục vụ phát triển Hải Phòng (01/10/2024)
Trong bối cảnh Hải Phòng đang bước vào giai đoạn phát triển bứt phá, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực then chốt như: Công nghệ kỹ thuật điện-điện tử, công nghệ thông tin trở thành nhiệm vụ quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa thành phố. Từ khi thành lập đến nay, 35 năm qua, các chi hội trực thuộc Hội Điện tử và tin học Hải Phòng ngày càng khẳng định vai trò tiên phong trong đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển thành phố.
ThS. Bùi Xuân Tuấn, Chủ tịch Hội Điện tử và Tin học Hải Phòng trao tặng kỷ niệm chương cho các chi hội, hội viên, đơn vị.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, đến năm 2025, Hải Phòng cần thu hút khoảng 10 tỷ USD vốn FDI, trong đó, cứ 1 tỷ USD vốn FDI được thu hút cần khoảng 10.000 lao động. Vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực cao của Hải Phòng rất lớn. Cùng với đó, nhân lực tại các khu công nghiệp, khu kinh tế thành phố cần đáp ứng các yêu cầu về: Trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công việc theo nhiều cấp độ khác nhau, kỹ năng làm việc nhóm, tính tuân thủ, kỷ luật, biết ngoại ngữ và am hiểu công nghệ thông tin…
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian ngắn tại Hải Phòng, thành phố cần tận dụng nền tảng sẵn có của các cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên, nhân lực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông... Đồng thời, thành phố cần hỗ trợ xây dựng và hình thành các trung tâm, khoa, viện, phòng nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và công nghệ của Hải Phòng. Hiện, tại Hải Phòng, các trường đại học có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực chất lượng cao về điện tự động công nghiệp, điện tử-truyền thông, công nghệ thông tin, Internet vạn vật (IoT), công nghệ bán dẫn gồm: Trường đại học Hàng hải Việt Nam, Trường đại học Hải Phòng và Trường đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng… Tại các trường đều thành lập các chi hội trực thuộc Hội Điện tử và tin học Hải Phòng với hàng trăm hội viên là các cán bộ, giảng viên có trình độ cao và giàu kinh nghiệm.
Tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, các Chi Hội Khoa Công nghệ thông tin, khoa Điện – Điện tử hiện đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao các chuyên ngành công nghệ có liên quan. Nhà trường đã đào tạo hàng ngàn kỹ sư điện- điện tử và công nghệ thông tin; các kỹ sư, chuyên gia do Nhà trường đào tạo hiện chiếm đến hơn 80% lực lượng cán bộ kỹ thuật của các tập đoàn, doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh tế biển của đất nước. Bên cạnh đó thông qua các hoạt động hợp tác, Nhà trường đã chủ động xây dựng các chương trình liên kết đào tạo (cấp độ Thạc sĩ khoa học, Tiến sĩ chuyên ngành, Tiến sĩ khoa học).
Với chi hội Khoa Điện-Điện tử Trường đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng đã và đang tiên phong trong đào tạo nhân lực ngành công nghệ kỹ thuật điện-điện tử. Với đội ngũ 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, giàu kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu, mỗi năm, khoa đào tạo được hàng trăm sinh viên thuộc 3 chuyên ngành trọng điểm gồm: Điện tự động công nghiệp, Điện tử- Truyền thông, Công nghệ Internet vạn vật (IoT). Chương trình học được thiết kế theo hướng cân bằng giữa lý thuyết và thực hành, giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực tế. Khoa luôn chú trọng đến việc cập nhật những công nghệ tiên tiến nhất, kết hợp giữa các bài giảng lý thuyết và thực hành tại công ty đối tác với các phòng thí nghiệm hiện đại, cùng nhiều dự án hợp tác khác với doanh nghiệp. Sinh viên không chỉ được tiếp cận với các công nghệ mới nhất mà còn được tạo điều kiện tham gia các dự án thực tế, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp ngay từ khi còn học tại trường. Nhiều thế hệ sinh viên tốt nghiệp từ khoa có nhiều đóng góp quan trọng trong các dự án công nghiệp và công nghệ của thành phố, như các dự án xây dựng hệ thống tự động hóa tại nhà máy, hệ thống viễn thông, các công trình hạ tầng công nghệ thông tin. Thời gian tới, chi hội Khoa Điện- Điện tử tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng phòng thí nghiệm và nâng cao chất lượng giảng dạy, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để bảo đảm sinh viên có nhiều cơ hội nghiên cứu, thực tập, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.
Còn tại Trường đại học Hải Phòng, năm 2024, nhà trường được thành phố lựa chọn là đơn vị đầu tiên của Hải Phòng thực hiện đào tạo nhân lực bán dẫn thông qua thỏa thuận hợp giữa nhà trường với Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Công ty CP giáo dục quốc tế Sun Edu, Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng và Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Hải Phòng. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, đào tạo từ 1.500-3.000 kỹ sư, chuyên gia chuyên sâu về thiết kế vi mạch cho đội ngũ giảng viên, kỹ sư; đào tạo từ 5.000-15.000 lao động có kỹ năng cơ bản về thiết kế mạch điện, PLC, PCBA, PCB đáp ứng nhu cầu nhân lực các doanh nghiệp công nghệ cho người lao động, sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại Hải Phòng và các vùng lân cận. Nhằm cụ thể hóa các nội dung trong thỏa thuận hợp tác, đến nay, Trường đại học Hải Phòng xây dựng kế hoạch đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở vật chất đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn phục vụ phát triển doanh nghiệp tại Hải Phòng. Cụ thể, nhà trường phối hợp Công ty CP giáo dục quốc tế Sun Edu và Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh xây dựng 2 chương trình đào tạo thiết kế vi mạch chuyên sâu cấp độ 1 và xác minh chứng năng thiết kế chuyên sâu cấp độ 1, gửi thông tin khóa học đến các sở, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp KHCN, các trường đại học, cao đẳng trong thành phố và vùng lân cận. Nhà trường đang hoàn thiện thủ tục thành lập Trung tâm nghiên cứu đào tạo công nghệ thông tin, điện tử và bán dẫn (ESC Hải Phòng) thuộc Khoa Công nghệ thông tin, nâng cấp phòng máy, cơ sở vật chất chuẩn bị thực hiện đào tạo, cử giảng viên trẻ đăng ký học thạc sĩ vi mạch bán dẫn tại Đài Loan. Trường làm việc với Tập đoàn AnSys về hợp tác triển khai các khóa đào tạo phần mềm chuyên về kiểm thử hệ thống và thiết kế mạch điện; làm việc với các doanh nghiệp: LG Electronic, LG Display và LG Innoteck khảo sát nhu cầu kỹ năng cần trang bị cho nhân viên tuyển dụng mới, để triển khai xây dựng các khóa đào tạo kỹ năng thiết kế mạch điện, PLC, PCBA, PCB. Trong tháng 9-2024, trường bắt đầu tuyển sinh và đào tạo khóa đầu tiên chương trình đào tạo trình độ đại học chuyên ngành Công nghệ điện tử, vi mạch và bán dẫn chất lượng cao…
Các chi Hội trực thuộc Hội Điện tử và Tin học Hải Phòng sẵn sàng là điểm đến, cầu nối hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư tại thành phố, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực… thực hiện nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển thành phố./.
ThS. BÙI XUÂN TUẤN,
Chủ tịch Hội Điện tử và Tin học Hải Phòng
- Tổ chức truyền thông về chuyển đổi số cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải... (18/12/2024)
- Xây dựng hệ thống không gian ảo dựa trên công nghệ AI nhằm lưu trữ thông tin mẫu... (17/12/2024)
- Đánh giá hiệu quả áp dụng và khả năng nhân rộng thành phốcho các sáng kiến năm 2024 (17/12/2024)
- Nghiên cứu, đề xuất Đề án Xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... (17/12/2024)
- Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất và sử dụng chế phẩm vi sinh cải tạo đất canh... (17/12/2024)
- Đánh giá hiệu quả áp dụng và khả năng nhân rộng thành phố cho các sáng kiến năm 2024 (12/12/2024)