Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7518
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Kỷ niệm 71 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh 08/SL về công tác đo lường (20/01/1950-20/01/2021) (05/01/2021)

Cách đây 71 năm, ngày 20/01/1950, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra đầy cam go và ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 08/SL ban hành đơn vị đo lường hợp pháp, trong đó quy định thống nhất đo lường nước ta theo hệ Mét - là hệ đo lường khoa học và tiên tiến trên thế giới lúc bấy giờ. Đây là văn bản Luật pháp đầu tiên về đo lường của chính quyền cách mạng nước ta.

Sắc lệnh 08/SL ngắn gọn, súc tích gồm 4 tiết, 11 điều đã bao quát đầy đủ những vấn đề cần giải quyết về hoạt động đo lường tại thời điểm lịch sử thời bấy giờ, như: thống nhất sử dụng trong cả nước đơn vị đo lường theo hệ mét, quản lý việc sử dụng và sản xuất dụng cụ đo, chế tài xử lý các vi phạm về đo lường, các quy định về thi hành. Sắc lệnh đã nhanh chóng đi vào thực tiễn, đảm bảo sự bình đẳng, quyền lợi của người dân, hiệu lực trong quản lý xã hội; là nền tảng, điểm xuất phát và đánh dấu mốc son lịch sử cho sự ra đời và phát triển của ngành Đo lường Việt Nam.

Ngày nay, đo lường hầu như có mặt trong toàn bộ chu trình hình thành một sản phẩm, từ khâu thiết kế, chế tạo thử đến việc kiểm tra vật liệu trước khi đưa vào sản xuất; điều khiển, điều chỉnh quá trình công nghệ và kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng; lắp đặt đưa sản phẩm vào sử dụng và bảo hành sản phẩm. Nhiệm vụ hàng đầu của đo lường trong sản xuất là cung cấp những thông tin sơ cấp dùng trong kỹ thuật xử lý số liệu bằng điện tử và tin học để tối ưu hoá quá trình công nghệ, tối ưu hoá việc sử dụng vật liệu và năng lượng. Đo lường chính là cơ sở, là trung tâm của hệ thống điều chỉnh, điều khiển trong quá trình sản xuất, được coi là một trong ba bộ phận hợp thành của một nền sản xuất hiện đại bên cạnh năng lượng và nguyên vật liệu.

Đo lường thống nhất và chính xác còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Để ghi nhớ dấu mốc lịch sử đầu tiên về đo lường và động viên khích lệ những đóng góp của ngành đo lường Việt Nam, động viên đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật và tất cả những người đã và đang làm việc, hoạt động trong lĩnh vực đo lường, ngày 11/10/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/2001/QĐ-TTg lấy ngày 20/01 hàng năm là “Ngày Đo lường Việt Nam”.  

Trải qua 71 năm, ngành Đo lường Việt Nam đã phát triển không ngừng và đáp ứng được yêu cầu trong các giai đoạn lịch sử. Hệ thống các văn bản pháp luật về đo lường được sửa đổi nhiều lần qua các giai đoạn lịch sử đến nay đã tương đối hoàn thiện, bao gồm Luật Đo lường  (2011) và các văn bản dưới luật, phù hợp với trình độ kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật hiện nay của đất nước, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế thời đại; đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đo lường, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường./.

Nguyễn Hoa Phong