Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 20370
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Kỹ thuật chăm sóc và bón phân cho cây nhãn sau thu hoạch (15/10/2018)

          Thời vụ thu hoạch quả nhãn đã cơ bản kết thúc và cũng là thời kỳ cây nhãn bị tổn thương lớn nhất trong năm, giai đoạn này cây yếu nhất. Vì vậy, cần tỉa cành, tạo tán, bón phân trả lại sức khỏe cho cây, đảm bảo sự sinh trưởng, phát triển sau một thời gian nuôi quả và tiếp sức cho ra quả vụ sau. Xin khuyến cáo nhà vườn thực hiện tốt các kỹ thuật chăm sóc như sau:

 

1. Cắt tỉa cành, tạo tán:

 

- Cắt tỉa các cành già, yếu, sâu bệnh, mọc lộn xộn, quá dày, cành bị che khuất trong tán cây...  dùng kéo cắt bỏ sát thân cây, với những cành vượt, cắt bớt phía ngọn, trên những cành có lộc thu, cắt tỉa hết, chỉ để lại 1- 2 lộc to khoẻ.

 

- Việc cắt tỉa thực hiện ngay sau khi thu hoạch, sau thu hoạch một tháng hoặc cắt tỉa vào mùa đông trước khi nảy cành xuân và ra hoa kết quả.

 

- Mức độ cắt tỉa ở cây nhãn còn phụ thuộc vào giống, độ tuổi của cây, trạng thái sức khỏe của cây… để có thể quyết định cắt nhiều hay ít. Giống cây mọc khỏe, cây sung sức, trồng ở đất tốt, phân bón, nước đầy đủ thì cắt nhiều, cắt mạnh. Ngược lại những cây trồng ở đất đồi, thiếu nước, cây già yếu, giống sinh trưởng yếu thì nên cắt tỉa ít.

 

- Khi cắt tỉa cần chú ý: Cắt tỉa trong tán trước, ngoài tán sau, cắt cành lớn trước, cành bé sau, sao cho cành phân tán đều.

 

2. Bón phân:

 

- Lượng phân bón cho cây có từ 7 - 10 năm tuổi trở lên:

 

+ Phân chuồng hoai mục: 50 - 100 kg

 

+ Phân lân 1,5 - 2 kg

 

+ Phân đạm urê 1 - 1,5 kg

 

+ Phân kali 1,5 - 2 kg

 

 (Hoặc có thể thay phân đơn bằng phân NPK tổng hợp chuyên dùng cho cây ăn quả, lượng bón theo hướng dẫn ghi trên bao bì của nhà sản xuất).

 

- Bón phân sau khi thu hoạch quả khoảng 15 - 20 ngày (thời gian từ tháng 8 - 9 dương lịch), lần bón này nhằm giúp cây phục hồi sau thu hoạch, thúc đẩy cành thu. Đây là lần bón cơ bản trong năm.

 

- Kỹ thuật bón:

 

+ Chiếu theo mép tán ra 30cm, đào rãnh 20 x 20cm vòng quanh tán. Phân bón trộn, rải đều xuống rãnh, lấp đất bằng phẳng rồi tưới nước hoặc hoà nước phân chuồng tưới đều quanh tán; lấy đất phù sa, bùn ao (để ải, phơi khô, đập nhỏ), không đổ quá nhiều và quá dày (chỉ dày 5 - 7cm).

 

+ Đối với những cây chất lượng quả kém dần thì dùng phân bón lá để phun lên lá lần 1 sau khi bón phân xong, hỗ trợ cho lộc thu bật nhanh, phun lần 2 khi lộc thu dài 5cm, phun lần 3 khi lộc thu chuyển bánh tẻ.

 

 Chú ý:

 

+ Với cây cho quả ít hoặc không cho quả, giảm 1/2 lượng phân chuồng, lân và bón thêm phù sa, bùn ao.

 

+ Hạn chế sử dụng các loại thuốc, phân bón quá nồng độ làm ảnh hưỏng đến sinh lý của cây nhãn trong giai đoạn ra nụ, nở hoa.

 

3. Xới đất:

 

Xới đất, dọn sạch cỏ dại, tàn dư và những dụng cụ sau thu hoạch để cây nhanh chóng phát triển bình thường trở lại.

 

4. Phòng trừ sâu bệnh hại:

 

- Từ tháng 9 - 10 (Dương lịch): 

 

+ Phòng trừ sâu bệnh hại qua đông, bảo vệ lộc thu.

 

+ Đối tượng gây hại là bọ xít, rầy, rệp, vòi voi, sâu róm... Có thể phun diệt chúng bằng các thuốc: Sherpa, Basudin, Trebon,… Phun chia ra 2 lần: lần 1 khi cây nhú lộc, lần 2 khi lộc rộ.

 

- Từ tháng 11 - 12 (Dương lịch):

 

+ Với nhóm sâu ăn lá như sâu róm, ban miêu,... dùng Sumicidin, Sherpa, Shepzol...

 

+ Với sâu chính hút như bọ xít, rầy rệp... dùng Tribon, Sherpa, Actara...phun đều lên tán cây.

 

+ Với nhóm sâu đục nõn, đục gân dùng Sherpa, Sumicidin..., phun làm 2 đợt: đợt 1 khi nhú lộc, đợt 2 sau đợt 1 hai tuần.

 

+ Với sâu tiện vỏ nhãn dùng gai mây hay sợi thép cho vào trong lỗ ngoáy và kéo sâu ra, hoặc dùng thuốc Polytrin vào các vết đùn trên cây hay lấy bông thấm thuốc nhét vào các lỗ bị đục.

 

+ Với bệnh đốm lá, xém mép lá, khô đầu lá dùng Viben C, Score, Daconil,... phun khi bắt đầu xuất hiện bệnh, phun 2 lần, lần thứ 2 cách lần 1 khoảng 2 - 3 tuần.

 

+ Thực hiện quét vôi gốc, thân cây và các cành chính... sau thu hoạch.

 

- Liều lượng thuốc pha theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc của nhà sản xuất.

 

Nguồn: Khuyến nông Hà Nội