Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 33661
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Kỹ thuật khử trùng khi ấp nở trứng gia cầm (22/02/2016)

Khử trùng là giải pháp hữu hiệu và quan trọng nhằm đảm bảo an toàn sinh học trong cơ sở ấp nở trứng gia cầm. Vì vậy, đây là biện pháp cần hết sức lưu ý trong kỹ thuật thực hiện.

1. Đối với cơ sở, thiết bị ấp nở:

- Phải quét dọn, lau chùi, sau đó phun thuốc khử trùng tất cả tường, sàn, trần khu vực ấp nở và khay tạo ẩm mỗi tuần một lần. Chăn, chiếu hoặc vật liệu dùng để đậy trứng cần được xông khử trùng hoặc phơi nắng mỗi tuần một lần và giặt sạch bằng xà phòng tối thiểu mỗi tháng một lần (đối với cơ sở ấp thủ công).

- Với máy nở, khu vực nở, khi kết thúc mỗi đợt nở, cần đưa tất cả gia cầm con ra khỏi khu vực nở, dùng chổi quét, thu gom tất cả chất thải rắn ở máy nở, nơi nở (vỏ trứng, long, trứng hỏng, gia cầm chết…) đưa đi xử lý. Sau đó cọ rửa bằng nước và chất tẩy rửa để loại bỏ bụi bẩn, chất thải ở khu vực nở và trong máy nở, trên các thiết bị (quạt, khay chứa nước, giàn khay…) và dụng cụ ấp nở.

- Khi bề mặt máy, thiết bị, dụng cụ và sàn khu vực nở khô ráo, phun khử trùng toàn bộ khu vực nở và xông hoặc phun khử trùng máy nở và thiết bị trước khi cho nở lứa tiếp theo.

2. Đối với khu vực xuất gia cầm con:

- Sau khi xuất hết gia cầm, dùng chổi quét thu gom tất cả chất thải đưa đi xử lý. Dùng nước và chất tẩy rửa để làm sạch bụi bẩn còn lại ở khu vực xuất gia cầm. Phun thuốc khử trùng lên rất cả các bề mặt vừa được làm sạch. Rửa khay đựng trứng, dụng cụ đựng gia cầm con và các dụng cụ khác bằng nước và chất tẩy rửa, sau đó đem ngâm hoặc phun khử trùng hoặc phơi nắng.

3. Đối với khử trùng khi ấp nở trứng gia cầm:

- Các phương pháp khô được ưu tiên sử dụng nhiều hơn như xông trứng bằng khí formaldehyde hoặc ô-zôn, chiếu đèn UV (tử ngoại). Trong đó, phương pháp xông trứng bằng khí formaldehyde được sử dụng nhiều hơn và hiệu quả tốt nhất.

- Ngoài ra, có thể sử dụng phương pháp phun sương hoặc chất khử trùng. Thời gian để tiến hành khử trùng trứng ấp nở tốt nhất là ngay sau khi trứng được đẻ ra, càng sớm càng tốt. Bởi khi mới đẻ, trứng còn ướt và ấm, trong quá trình nguội đi bằng nhiệt độ môi trường rất dễ bị nhiễm mầm bệnh.

- Khi tiến hành khử trùng trứng bằng xông trứng, cần lưu ý không khử trùng trứng khi bề mặt vỏ trứng còn ẩm ướt bởi chất khử trùng sẽ hấp thụ vào trứng, gây chết phôi. Không khử trùng trứng khi phôi đã phát triển trong vòng 96 giờ đầu hoặc khi phôi đã bắt đầu mổ vỏ (gạo vỏ). Do khí formaldehyde rất độc nên trong quá trình pha chế và phun khử trùng, phải trang bị bảo hộ cá nhân nghiêm chỉnh.

- Với biện pháp khử trùng trứng bằng rửa hoặc phun sương, cần lưu ý các chất khử trùng phải không có phản ứng với màng nhầy hoặc không dính lại trên vỏ trứng bởi có thể cản trở sự trao đổi nước và khí. Nồng độ chất khử trùng phải phù hợp theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.

- Bên cạnh đó, dung dịch khử trùng trứng phải ấm hơn trứng, nếu không trứng sẽ bị co lại và kéo dung dịch và mầm bệnh vào trong trứng qua lỗ khí gây thối và nổ trứng.

- Nếu khử trùng bằng rửa trứng và nhúng trứng, cần kiểm soát việc duy trì nồng độ chất khử trùng để thường xuyên bổ sung dung dịch khử trùng, chỉ rửa các quả trứng bị dính bẩn.

Nguồn: Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên