Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 65399 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học và sản xuất
Kỹ thuật nuôi cá đối mục trong ao đất (11/08/2014)
Cá đối mục là loài cỡ lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong họ cá đối. Ngoài giá trị thịt thơm ngon, trứng cá đối còn là một món ăn quý. Nhờ tính thích nghi cao, ăn tạp nên cá có thể nuôi đơn hoặc nuôi ghép với các loài khác và có khả năng làm sạch môi trường, phù hợp với các ao nuôi tôm bị suy thoái.
Cá đối mục là đối tượng nuôi mới, ít bệnh tật, không phải sử dụng nhiều loại thuốc, quản lý và chăm sóc dễ, nguy cơ bị lan tràn dịch bệnh ít, tỷ lệ rủi do thấp, do vậy đối tượng nuôi này là một trong những hướng đi mới trong nghề nuôi trồng thuỷ sản. Có thể nuôi ghép cá đối mục với một số đối tượng khác như tôm sú và cua biển.
Có hai hình thức nuôi cá đối mục trong ao đất, đó là: Nuôi đơn (cá đối mục được nuôi bán thâm canh và thâm canh trong các ao nuôi chuyên canh) và nuôi ghép (cá đối mục thường được nuôi ghép với các loài cá khác như cá chép thường, cá trắm cỏ, cá chép bạc, cá rô phi và cá măng biển). Có thể nuôi được trong vùng nước lợ, nước ngọt và nước mặn.
1. Chọn địa điểm ao nuôi
Nguồn nước dùng để nuôi cá đối mục thương phẩm phải sạch, không bị ô nhiễm, xa khu dân cư, xa nguồn nước thải công nghiệp, đảm bảo các yếu tố môi trường ổn định. Đồng thời, gần đường giao thông, gần nguồn cá giống (cá tự nhiên và nhân tạo), gần nguồn điện,…
Chọn vị trí xây dựng ao nuôi ở vùng trung triều, biên độ thủy triều khoảng 2-3 m để tiện cho việc cải tạo ao, tháo và lấy nước trong quá trình nuôi, các yếu tố môi trường phải đảm bảo các chỉ tiêu sau: Độ mặn 0-30 ‰, nhiệt độ 26- 32 độ C, hàm lượng oxy 3-5 mg/l, pH 7,5-8,5, NH3 < 1mg/l, H2S < 0,3mg/l, Chất đáy ao là cát bùn, bùn cát, bùn pha sét.
2. Thiết kế, xây dựng và chuẩn bị ao nuôi
Ao nuôi có diện tích 1.000 – 20.000 m2, tốt nhất là từ 2.000 – 5.000m2. Độ sâu mực nước từ 1,2 –1,5m, có cống cấp và thoát nước riêng, đáy cát hoặc cát bùn hơi dốc về phía cống thoát.
Cải tạo ao tốt, triệt để nhằm diệt trừ địch hại, mầm bệnh và các sinh vật cạnh tranh gây nguy hiểm cho cá giống. Các biện pháp cải tạo ao, chuẩn bị ao nuôi tiến hành như sau:
Ao nuôi phải được tháo cạn nước, vét bùn, rửa sạch đáy ao, rải vôi với liều lượng 10-20 kg/100 m2 với những ao có pH ≥ 6,5. Nếu ao có pH ≤ 6, phải tăng liều lượng bón vôi cho ao khoảng 30-50 kg/100 m2, kết hợp phơi đáy ao 3-5 ngày.
Trước khi thả giống, ao nuôi phải được cày bừa kỹ và bón lót bằng phân bò ủ hoai với liều lượng 2,5 - 5 tấn/ha. Sau đó lấy nước vào ao khoảng 25-30cm và giữ nguyên mực nước đó trong vòng 7-10 ngày để sinh vật phù du phát triển tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá. Mực nước trong ao sau đó được nâng 1,5-1,8 m và thả cá giống. Độ trong của ao nuôi được duy trì ở mức độ cần thiết (khoảng 20-30cm) bằng cách hàng tuần bón bổ sung thêm phân gà hoặc phân hóa học.
3. Kỹ thuật chọn và thả cá
Cá giống thả vào ao nuôi cá thương phẩm phải đồng đều về kích thước, chiều dài toàn thân đạt 6-8 cm. Cá không bị bệnh, không xây sát, bơi lội hoạt bát, có màu trắng sáng.
Thả cá giống: Tùy vào việc nuôi đơn hay nuôi ghép mà hình thức thả giống khác nhau.
- Nuôi đơn: Sau khi cải tạo ao, lấy nước vào có thể thả cá giống nuôi ngay với mật độ 2-3 con/m2, cá giống có trọng lượng 10-15gam/con, mật độ thả từ 6.500-7.500 con/ha.
- Nuôi ghép: Nuôi ghép cá đối mục với cá rô phi và cá chép trong các ao nuôi bán thâm canh, cá đối giống được thả với mật độ 3.000- 4.000 con/ha, cá chép thường có trọng lượng 100 g/con được thả với mật độ 2000-3000 con/ha và cá rô phi giống có trọng lượng 10-15 gam/con được thả với mật độ 60.000-75.000 con/ha. Mục đích của việc nuôi ghép là để cá đối mục ăn bớt tảo và thức ăn thừa, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm chi phí...
4. Chăm sóc và quản lý
a. Thức ăn và cách cho ăn:
Trong thời gian nuôi kéo dài khoảng 7-8 tháng, nếu cá đối được nuôi chuyên canh, với chế độ bón phân hợp lý có thể cung cấp đủ lượng thức ăn tự nhiên cần thiết. Trong nhiều trường hợp, cá đối có thể ăn trực tiếp thức ăn là phân gà và vẫn sinh trưởng tốt. Kiểm tra sự tăng trưởng của cá bằng cách lấy mẫu để đo chiều dài và cân trọng lượng cá, nếu tốc độ tăng trưởng không như mong đợi, có thể bổ sung thêm cám gạo hoặc cám lúa mì hoặc thức ăn tổng hợp với khối lượng khoảng 0,5-1% khối lượng cá trong ao nuôi. Hàng ngày kiểm tra môi trường ao nuôi, hoạt động bắt mồi của cá, và 7-10 ngày kiểm tra tốc độ tăng trưởng để điều chỉnh lượng thức ăn.
Sử dụng các loại máy đảo nước, máy sục khí để duy trì hàm lượng oxy hòa tan tối ưu, đặc biệt là sau khi mặt trời lặn. Trong thời gian đầu của quá trình nuôi chỉ chạy máy quạt nước vào buổi tối, khi cá lớn tùy theo tổng khối lượng cá trong ao mà điều chỉnh thời gian chạy máy quạt nước cho phù hợp.
Mực nước trong ao luôn duy trì trên 1,2 m, lượng nước thay đối với ao nuôi đơn từ 20–30%/ 1 lần thay nước, thời gian thay nước tùy theo mức độ ô nhiễm trong ao.
Khi cá đối được nuôi ghép với cá rô phi, cá chép thường và cá chép bạc. Trong trường hợp này, khi cho cá ăn người ta thường nhắm vào mục tiêu các loài cá nuôi khác và thức ăn của cá đối chỉ là các mảnh vụn của thức ăn vỡ ra, thức ăn thừa và thức ăn tự nhiên.
Sau 7-8 tháng nuôi ở khu vực cận nhiệt đới, cá đối mục có thể đạt trọng lượng 0,75-1 kg/con, nếu nuôi hai năm, cá đối mục có thể đạt 1,5-1,75 kg/con.
Trong nuôi chuyên canh, cá đối ăn thức ăn tự nhiên là chủ yếu và có bổ sung thêm thức ăn là các sản phẩm của các nhà máy xay và các nhà máy chế biến ngũ cốc. Trong nuôi kết hợp, thức ăn viên được sản xuất trong các nhà máy chuyên sản xuất thức ăn cá hoặc trong nhiều trường hợp các nhà máy chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm có một quy trình công nghệ sản xuất thức ăn cá. Thức ăn được chế biến dựa vào nhu cầu dinh dưỡng của các đối tượng nuôi chủ yếu (ví dụ như cá rô phi và cá chép thường).
Thức ăn hiện nay dùng để nuôi cá đối mục là vấn đề không lớn, các nguồn nguyên liệu như cám gạo, bột ngũ cốc, bột cá, bột đậu lành... đều là nguồn thức ăn rất tốt dùng cho nuôi cá đối mục.
b. Quản lý các yếu tố môi trường:
Trong quá trình nuôi, thường xuyên theo dõi màu nước, xác định các yếu tố môi trường, theo dõi các yếu tố môi trường và tốc độ tăng trưởng của cá để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp. Theo dõi tình trạng sức khỏe, các bệnh lý để có biện pháp xử lý kịp thời.
c. Thay nước:
Đối với ao nuôi đơn thường xuyên thay nước và cấp nước thêm cho ao, lượng nước thay từ 20-30%.
Đối với ao nuôi ghép, do phải duy trì màu nước, thức ăn tự nhiên cho nên hạn chế thay nước, khoảng 3-5 ngày thay một lần.
Trong ao nuôi cá đối mục thương phẩm, mực nước phải đảm bảo độ sâu trên 1,2 m, độ trong 20-30 cm.
d. Phòng bệnh:
Hệ thống ao nuôi, trang thiết bị và dụng cụ trong trại sản xuất giống phải được thường xuyên vệ sinh, xử lý mầm bệnh và tiệt trùng.
Giống cá trước khi thả nuôi cần phải xử lý bệnh, tắm trong dung dịch Oxytetracylin 5 ppm. Thời gian khoảng 30-60 phút.
Thức ăn cho cá nên sử dụng thức ăn tươi sống gây nuôi trong ao, thức ăn là bột cám gạo, cám ngũ cốc, thức ăn tổng hợp phải mới, còn niên hạn sử dụng không nên sử dụng các loại thức ăn đã cũ hoặc ẩm mốc.
Cho cá ăn đúng liều lượng và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho cá. Định kỳ thay nước để cải thiện điều kiện môi trường ao nuôi.
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh (09/12/2024)
- Phòng bệnh ký sinh trùng trên cá bớp (25/11/2024)
- Tôm bị mềm vỏ sau mưa: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả (12/11/2024)
- Môi trường mang thai của heo nái hậu bị ảnh hưởng tới sự phát triển trí não ở heo (30/10/2024)
- Bệnh lưỡi xanh: Cơ chế lây truyền và các biện pháp phòng ngừa (15/10/2024)
- Một số kỹ thuật úm gà con (01/10/2024)