Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 5822 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học và sản xuất
Kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính (21/06/2012)
Hải Phòng là nơi có mật độ ao khá dày tại các vùng nông thôn, tiềm năng nuôi thủy sản lớn. Với điều kiện thuận lợi đó, chúng tôi xin giới thiệu với bà con kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính đem lại hiệu quả cao, giúp tăng thu nhập cho người dân.
1. Chuẩn bị ao nuôi
Đây là khâu quan trọng để tạo ra nhiều thức ăn tự nhiên cho cá trong suốt vụ nuôi.
- Đối với ao nuôi luân canh, xen vụ, một vụ tôm, một vụ cá với mật độ 1 - 2 con/m2 thì việc chuẩn bị ao nuôi trở nên đơn giản, nhưng chú ý đến vấn đề diệt cá tạp, rắn nước. Bà con có thể bón thêm vôi sống được xay trực tiếp từ đá vôi, vỏ sò, ốc số lượng từ 300 - 500 kg/ha và phân hữu cơ (phân heo, gà, trâu, bò) ủ thật hoai, bón lót vào nền đáy ao từ 300 - 500 kg/ha.
- Đối với các ao nuôi tăng sản, mật độ từ 5 - 7 con/m2 trở lên, thời gian nuôi kéo dài, việc chuẩn bị ao cần làm kỹ các khâu dọn bùn dơ, phơi nắng 5 - 7 ngày, cày xới nền đáy. Lượng vôi và phân bón nhiều hơn so với mật độ nuôi thưa và phải bón bổ sung thêm trong quá trình nuôi.
2. Gây màu nước
Sau khi thu hoạch tôm và công việc bón vôi, phân, diệt tạp được thực hiện xong, đóng khung lưới lọc cá tạp, cho nước vào 30 - 40cm; sau 4 - 5 ngày nước lên màu xanh nhạt, xanh vàng hoặc xanh lá chuối thì tiếp tục cấp nước vào ao đạt mực 1m và chuẩn bị thả cá giống.
Nuôi cá rô phi trong ao cần chú ý:
- Nên tận dụng lại các nguồn nước thải ra từ các ao nuôi tôm vì nguồn nước này chứa nhiều loại tảo, là nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào cho cá rô phi.
- Có thể nuôi cá rô phi trong ao nước ngọt với mật độ dày (15 - 20 con/m2) vào thời điểm tháng 6, 7. Đến khi thu tôm (tháng 9, 10), chuyển số cá này sang ao nuôi tôm, cá sẽ lớn nhanh, rút ngắn được thời gian nuôi.
3. Cá giống
Cá giống đạt các tiêu chuẩn:
- Hình dạng cân đối, không dị hình, không xây xát.
- Màu sắc tươi, sáng, bơi lội nhanh.
Khi thả cá, bà con nên để bao, túi chứa cá xuống ao từ 15 - 20 phút, sau đó đổ cá ra các thau, chậu để cá thích nghi dần với độ mặn. Thêm nước mặn từ từ vào thau, chậu, mỗi giờ tăng lên 2 - 3‰ (độ mặn) và tăng dần đến khi bằng độ mặn của nước ao.
Nên thả cá giống vào buổi sáng hoặc chiều mát. Tránh thả cá vào buổi trưa hoặc trời nắng gay gắt. Cá giống vừa phải chống chịu với nhiệt độ cao, vừa phải thích nghi với độ mặn nên dễ bị hao hụt sau khi thả.
4. Mật độ nuôi
Khi mới thả, cá giống có trọng lượng 0,5 - 1 g/con tương đương với 1000 - 2000 con/kg. Cá giống có thể thả nuôi trong ao nhỏ với mật độ 15 - 20 con/m2, sau một tháng chuyển sang ao lớn hơn, giảm mật độ xuống còn 7 - 10 con/m2 và sau 2 tháng có thể chuyển sang ao có mật độ nuôi phù hợp 2 - 3 con/ m2.
- Trong điều kiện bình thường, nuôi luân canh một vụ tôm, một vụ cá có thể nuôi ở mật độ 2 - 3 con/ m2.
- Trong điều kiện chăm sóc quản lý tốt có thể nuôi ở mật độ 3 - 5 con/m2 .
- Trong nuôi tăng sản, có máy quạt nước có thể nuôi ở mật độ 5 - 10 con/m2.
5. Thức ăn cho cá
Sử dụng thức ăn tự chế biến gồm các thành phần:
- Cá tạp, cá vụn, cua, ghẹ nhỏ hoặc các chế phẩm từ các lò mổ gia súc: 40 - 50%
- Bột bắp, bột mì, bột khoai lang, bột gạo: 20 - 30%
- Cám gạo: 10 - 20%
- Bã đậu nành, đậu phộng: 10 - 20%
+ Cách chế biến: Các thành phần trên được nấu chín, trộn với cám gạo, xay thành sợi, phơi ráo và cho ăn hết trong ngày.
+ Cho cá ăn 2 lần mỗi ngày: Sáng vào lúc 5 - 6 giờ, chiều vào lúc 17 - 18 giờ.
+ Lượng thức ăn:
Tháng đầu: Lượng thức ăn trong tháng bằng 3 - 5% trọng lượng đàn cá.
Tháng thứ 2: Lượng thức ăn trong ngày bằng 2 - 3% trọng lượng đàn cá.
Tháng thứ 3 trở đi: Lượng thức ăn trong ngày bằng 0,5 - 1% trọng lượng cá.
Nuôi cá rô phi cần chú ý kết hợp cho ăn với việc bón phân hữu cơ sẽ gia tăng năng suất cá nuôi.
Để tạo thức ăn tự nhiên phong phú, có thể bón phân hữu cơ (thường là phân heo, gà, vịt, trâu, bò) và phân vô cơ (urê, N.P.K). Hai loại phần này được dùng kết hợp hoặc riêng lẻ tuỳ điều kiện màu mỡ của từng ao nuôi.
Ví dụ: Cho ăn kết hợp bón phân gà (đã ủ hoai) ở mức độ 5 kg phân khô/ha/ngày và bón 5 ngày/tuần sẽ cho kết quả tốt.
Việc tạo ra thức ăn tự nhiên tốt (màu nước đậm, mật độ tảo dày) hoặc những ao giàu dinh dưỡng được xem là biện pháp hữu hiệu nhất để tăng năng suất cá nuôi trong ao.
6. Chăm sóc quản lý
Hàng ngày quan sát rò rỉ xung quanh bờ ao, khung lưới cống và hoạt động của cá.
- Nếu thấy cá nuôi nổi đầu từ lúc sáng sớm thì phải cung cấp thêm nước.
- Định kỳ 10 - 15 ngày kiểm tra cá bằng chài, cân đong sự tăng trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn của cá hàng ngày.
7. Thu hoạch
Sau khi nuôi 5 - 6 tháng, cá đạt trọng lượng 0,5 - 0,6 kg/con, có thể thu hoạch cá thịt, có hai cách thu.
- Thu tỉa: Tháo nước ao cạn ở mức nước 40 - 50 cm, kéo lưới thu tỉa cá lớn.
- Thu sạch: Kéo lưới bắt nhiều lần, sau đó bơm cạn, bắt hết số cá còn lại.
Nguồn: Khoahocchonhanong.com.vn
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh (09/12/2024)
- Phòng bệnh ký sinh trùng trên cá bớp (25/11/2024)
- Tôm bị mềm vỏ sau mưa: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả (12/11/2024)
- Môi trường mang thai của heo nái hậu bị ảnh hưởng tới sự phát triển trí não ở heo (30/10/2024)
- Bệnh lưỡi xanh: Cơ chế lây truyền và các biện pháp phòng ngừa (15/10/2024)
- Một số kỹ thuật úm gà con (01/10/2024)