Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 12135
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Kỹ thuật nuôi chim bồ câu (11/09/2012)

Chim bồ câu là vật nuôi có giá trị dinh dưỡng khá cao, rất bổ dưỡng cho người già, người mới ốm đậy, trẻ em suy dinh dưỡng. Có thể nuôi chim bồ câu với quy mô lớn. Chim bồ câu siêu thịt, có thể nặng từ 1,2 kg trở lên, dễ nuôi, nhanh lớn, ít bệnh, sinh sản tốt.

Con giống phải đảm bảo khỏe mạnh, lông mượt, không có bệnh tật, không dị tật, lanh lợi.

Phân biệt trống mái: Con trống to hơn, đầu thô, có phản xạ gù mái (lúc thành thục), khoảng cách giữa 2 xương chậu hẹp; con mái thường có khối lượng nhỏ hơn, đầu nhỏ và thanh, khoảng cách giữa 2 xương chậu rộng. Tuy nhiên, lúc bé rất khó phân biệt. Nên mua loại chim từ 4-5 tháng tuổi.

Một cặp bồ câu có thể sinh sản trong 5 năm, nhưng sau 3 năm đẻ, khả năng sinh sản giảm, nên thay chim bố mẹ mới.

Sinh sản

Nếu nuôi tốt 1 con bồ câu mái sau 4 -5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu, mỗi lứa đẻ 2 trứng. Sau khi ấp 16 - 18 ngày sẽ nở. Chim con sẽ được giao cho chim trống nuôi dưỡng. 24 ngày tuổi có thể xuất chuồng bán. Chim mái nghỉ dưỡng sau 7- 10 ngày thì đẻ lứa tiếp theo. Cứ như thế 1 cặp bồ câu bố mẹ sau 1 năm cho ra đời 17 cặp con cháu.

Nuôi chim trong chuồng tỷ lệ đẻ và ấp đạt được từ 90% - 100%, nhưng khâu chăm sóc nhiều bơn, tốn công hơn. Còn khi nuôi thả thì tỉ lệ đạt khoảng 80%, nhưng có ưu điểm là chim khoẻ không bệnh dịch.

Chim bồ câu thường đẻ trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ chiều, do vậy, cần hạn chế vào chuồng chim và xua đuổi chuột, mèo, rắn... bởi vì chúng làm cho chim hoảng loạn, không đẻ hoặc ngưng đẻ ngay lập tức.

Kỹ thuật dồn trứng, dồn con: Kiểm tra nghiêm ngặt, tuyển lựa trứng, ghi chép số chuồng, ngày đẻ. Trứng đẻ 5 ngày phải soi, nếu trứng không có trống loại bỏ ngay, trứng còn lại chuyển qua cặp đẻ cùng ngày để ấp. Khi 3 cặp chim nở, sẽ tách một cặp con dồn cho hai cặp nuôi. Cặp còn lại 7 ngày sau đẻ tiếp.

Chuồng trại:

Với chuồng trại 200m2 có thể nuôi 70 con bồ câu bố mẹ, trong có 50m2 làm ổ cho bồ câu đẻ, ấp; ngoài ra có khu vực bồ câu thịt, khu an dưỡng chờ đẻ tiếp. Cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Nên tạo cho chim có được môi trường tự nhiên, chuồng trại đẹp thoáng mát, có đủ ánh sáng mặt trời, có mái cao ráo, yên tĩnh nhẹ nhàng, tránh gió lùa, mưa, ồn ào quá mức, tránh mèo, chuột, rắn, có độ cao vừa phải... có chỗ cho chim tắm.

Chuồng trại, lồng làm bằng tre, gỗ, hay lưới kẽm (dây thép) 2mm, ghép từng ô, có thể làm nhiều tầng.

Mật độ nuôi: Nếu nuôi nhốt theo kiểu ô chuồng thì mỗi ô chuồng là một đôi chim sinh sản. Nếu nuôi thả trong chuồng thì mật độ là 6-8 con/m2 chuồng. Khi được 28 ngày tuổi, chim non tách mẹ (giai đoạn về sau này được gọi là chim dò). Nuôi chim dò với mật độ gấp đôi nuôi chim sinh sản (10-14 con/m2).

Thức ăn:

Chế độ ăn uống của chim đều 2-3 cữ/ngày. Cần cho chim ăn đầy đủ, nhất là cám tổng hợp. Có thể cho ăn bắp, đậu xanh hột, lúa trộn với một ít thức ăn công nghiệp của gà, vịt.

Pha chế thức ăn cho chim theo tỷ lệ: 40% đậu xanh, 30% bắp hạt sống, 20% gạo lức và 10% lúa trộn đều với nhau. Có thể trộn gạo, lúa và pha thêm cám gà để giảm lượng đậu xanh, giảm chi phí thức ăn.

Ngoài ra, nên tăng cường thêm một số chất khoáng, vôi vào khẩu phần ăn của chim để đảm bảo cho chim sinh sản và giúp chim luôn giữ được nhiệt để tiêu thụ thức ăn tốt.

Chuồng phải có máng nước đổ đầy uống cả ngày. Nước phải sạch sẽ, không màu, không mùi và phải thay hằng ngày. Có thể bổ sung vào trong nước Vitamin và kháng sinh để phòng bệnh khi cần thiết, trung bình mỗi chim bồ câu cần 50-90ml/ngày.

Một số kinh nghiệm:

1. Tập cho chim làm quen với mèo và rắn: mỗi lần cho chim ăn mang kèm theo con mèo bên cạnh, tập cho ăn chung, gần nhau, mèo không vồ chim, chim không sợ mèo.

2. Giữ chim ở lại chuồng tránh tình trạng chim bay bỏ chủ mà đi chủ khác: Tập cho chim quen hơi chủ bằng cách nuôi chim càng non càng tốt. Thường xuyên thăm nom các ổ chim mới nở, làm chim trở nên “dạn" gần gũi với chủ hơn.

3. Cho ăn đúng giờ tạo thói quen, dù có đi ăn xa khi đến giờ ăn chim rủ nhau về nhà để ăn thức ăn quen thuộc của chủ.

Chế độ chiếu sáng

Chim bồ câu rất nhạy cảm với ánh sáng. Sự đẻ trứng chỉ phụ thuộc vào một phần ánh sáng nhưng sự ấp trứng lại phụ thuộc chặt chẽ vào yếu tố ánh sáng. Bản năng ấp trứng của bồ câu phụ thuộc vào thời gian chiếu sáng ban ngày tối thiểu là 13 giờ. Do đó, chuồng trại thiết kế thoáng đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng cho chim. Tuy nhiên, ở miền Bắc, ban ngày mùa đông ánh sáng ngắn, có thể lắp bóng đèn 40W chiếu sáng thêm vào ban đêm (nếu nuôi theo quy mô lớn) với cường độ 4-5W/m2 nền chuồng với thời gian 3-4h/ngày.

 Nguồn: Sách “Nuôi chim bồ câu Pháp”