Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 36221
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Kỹ thuật nuôi ngỗng trong nông hộ (19/07/2013)

1. Đặc điểm sinh học của ngỗng

Khả năng đặc thù của ngỗng là có thể sử dụng rất hiệu quả thức ăn xanh. Con ngỗng được ví như một cỗ máy xén cỏ, khả năng vặt cỏ của ngỗng tốt hơn bò, ngỗng có thể vặt tận gốc cây cỏ, cả phần củ rễ, ngỗng ăn tạp các loại cỏ và không chê cỏ non, cỏ già, cỏ dại từ cỏ tranh đến lục bình ngỗng đều ăn được cả.

Ngỗng là loại gia cầm có khả năng tăng trọng rất nhanh, chỉ sau 10 - 11 tuần nuôi, khối lượng cơ thể đã tăng gấp 40 - 45 lần so với khối lượng cơ thể lúc mới nở. Ngan, vịt cũng là loại thủy cầm có khả năng lớn nhanh nhưng phải có thức ăn tinh cao, thức ăn giàu đạm trong khẩu phần. Với ngỗng khi được nuôi bằng thức ăn hỗn hợp thì tốc độ lớn sẽ là kỷ lục, song nếu nguồn thức ăn chỉ là cỏ, rau xanh và các loại củ hạt do ngỗng tự tìm kiếm hoặc nông hộ chỉ cho ăn hạn chế thì ngỗng vẫn phát triển và cho sản phẩm một cách bình thường. Tuy nhiên thời gian cho sản phẩm thịt sẽ bị chậm lại 15 -20 ngày. Đặc biệt, ngỗng còn là loại gia cầm chịu nhồi và thức ăn nhồi chỉ là ngô, cám, khoai lang và hạt đậu nấu chín nên giá thành sản phẩm sẽ hạ.

2. Kỹ thuật nuôi ngỗng

2.1. Kỹ năng nuôi (gột) ngỗng con (từ 1 đến 28 ngày tuổi)

a. Chọn ngỗng con: Khi mua phải chọn những con ngỗng khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, lông bông, mắt sáng, không hở rốn, dáng đi vững vàng và đạt khối lượng cơ thể từ 85 đến 100gam/con. Nếu là ngỗng Cỏ lông có màu vàng chanh, ngỗng Rhein Land lông có màu vàng rơm.

b. Các điều kiện nuôi dưỡng:

- Nhiệt độ chuồng nuôi được cấp bằng nguồn từ lò sưởi hoặc bóng điện để đảm bảo nhiệt độ trong quây:

Tuần thứ nhất: 32-350C

Tuần thứ hai: 27-290C

Tuần thứ ba: 25-270C

Tuần thứ tư: 23-250C

Đảm bảo nhiệt độ và các chất độn chuồng luôn khô, sạch để gột ngỗng trong những này mới nở và trong mùa gột ngỗng là yếu tố quan trọng đầu tiên giúp ngỗng con sinh trưởng tốt.

- Mật độ chuồng gột ngỗng con cần đảm bảo:

+ Từ 1-7 ngày tuổi: 10-15con/m2

+ Từ 8-28 ngày tuổi: 6-8 con/m2

Mức độ nuôi trong đàn phụ thuộc vào điều kiện và khả năng của mỗi gia đình nông hộ.

Một công lao động có thể chăn thả được từ 100- 120 con/đàn/người.

- Thức ăn gột ngỗng:

Tuần đầu gia đình dùng bột tấm gạo, ngô trộn lẫn với rau xanh, thái nhỏ như (rau lấp, lá xu hào, lá cải bắp, bèo tấm....) làm thức ăn gột ngỗng. Trong giai đoạn này để ngỗng con mau lớn có thể mua thức ăn viên chế biến bán sẵn của các nhà máy sản xuất như: Proconco, CP, Dabaco,... về trộn với tấm gạo hoặc ngô mảnh sẵn có của gia đình theo tỷ lệ 35-40%.

Đặc biệt đối với ngỗng, ngoài việc cung cấp thức ăn tinh, thức ăn xanh còn rất quan trọng trong khẩu phần, nhu cầu thức ăn xanh ngày càng tăng. Ngỗng ở giai đoạn 25- 26 ngày tuổi có thể ăn tới 1 - 1,2 kg thức ăn rau xanh/ngày và tăng mạnh ở các giai đoạn sau.

- Cách cho ngỗng ăn và uống:

Cho ngỗng con ăn nhiều bữa (4-5 bữa /ngày) trên khay, máng ăn bằng tôn có kích thước cao 2 chỉ, rộng 45cm, dài 60cm đảm bảo cho 25-30 con ngỗng con. Từ tuần tuổi thứ ba trở đi, ban ngày chăn thả, chỉ bổ sung thức ăn tinh cho ngỗng trở về vào buổi chiều và ban đêm. Hàng ngày phải đảm bảo cho ngỗng được uống nước sạch đầy đủ. Đặc biệt cần được thả ngỗng khi đi ăn ở những nơi có nguồn nước sạch và có bóng râm.

2.2. Kỹ thuật nuôi ngỗng dò thịt:

Giai đoạn nuôi từ 29 ngày tuổi đến lúc giết thịt 56-75 ngày tuổi. Ban ngày ngỗng được chăn thả và chỉ bổ sung thức ăn khi ngỗng trở về chuồng vào chiểu và ban đêm .

Thức ăn tinh trong giai đoạn 56-75 ngày tuổi (tối thiểu có 10-12ngày vỗ béo) nên dùng ngô đỏ để ngỗng đạt độ béo, đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng.

Với cương thức chăn thả ban ngày, ban đêm cho ngỗng ăn thức ăn tinh và bỏ sung rau xanh tại chuồng đã cho khối lượng ngỗng đủ tiêu chuẩn giết thịt (3,8-4,2 kg/con) lúc 65-75 ngày tuổi. Nếu tính cả thức ăn xanh tự kiếm, ngỗng có thể ăn từ 1,5-1,8 kg rau xanh/con/ngày ở giai đoạn 29-49 ngày tuổi.

2.3. Kỹ thuật vỗ béo ngỗng

a. Vỗ béo ngỗng:

Lượng thức ăn tinh cần cho ngỗng khoảng 250-350g/con/ngày. Trước khi vỗ béo, cho ngỗng ăn tự do cho no, với thức ăn ngon để kích thích ngỗng ăn được nhiều, kể cả rau xanh, củ quả như bí đỏ. Có thể dùng hạt ngô vàng ngâm qua đêm, cho thêm một chút muối, ngoài ra có thể cho ngỗng ăn thêm khoai, cám trộn với rau xanh khoảng 20-25%. Vào 10 ngày cuối nên cho thêm vào thức ăn vỗ béo hạt đậu tương luộc chín (khoảng 10% 1ượng thức ăn tinh) ngỗng sẽ tăng cân nhanh.

Thời gian vỗ béo chỉ thực hiện 10-15 ngày, nếu kéo dài sẽ làm cho chi phí thức ăn nuôi ngỗng cao và ngỗng cho tăng trọng thấp.

b. Vỗ béo cưỡng bức (nhồi ngỗng):

Ngỗng là loại gia cầm có khả năng đạt kỷ lục về khối lượng cơ thể và cho gan to khi được nhồi cưỡng bức. Bằng biện pháp này ngỗng có thể tăng trọng gấp 2-3 lần trong vòng một tháng. Có thể nhồi ngỗng bằng tay hoặc bằng máy, ở nước ta ngỗng chủ yếu được nhồi bằng tay.

Dụng cụ dùng để nhồi ngỗng là phễu nhồi có đường kính của miệng là 15-18 cm. Đuôi phễu là một ống trơn dài 25-30cm. Đường kính ống nhồi có nhiều cỡ, cỡ nhỏ 17-18cm, cỡ trung bình 21cm, cỡ lớn 23cm. Lúc mới nhồi sử dụng phễu nhỏ, sau đó tăng dần cỡ của phễu.

Thức ăn để nhồi cho ngỗng là ngô, khoai lang, cám gạo. Thời gian đầu thức ăn được nấu chín, sau đó chỉ cần ngâm cho mềm (8-12 giờ) cần bổ sung vào thức ăn 0,5% muối và 1% Premix khoáng-Vitamin. Trong thức ăn nhồi có 7-12% hạt đậu tương luộc chín.

Kỹ thuật nhồi: Cần cho ngỗng có thời gian làm quen với thức ăn nhồi trong 2-3 ngày. Số lần nhồi cẩn được tăng dần, ngày đầu tiên nhồi 1 lần/ngày, sau 3 ngày tăng lên 2 lẩn/ngày, sau 4 ngày tăng lên 4 lần/ngày. Lượng thức ăn nhồi cũng được tăng dần từ 250g/con lên 300g/con và tiến đến 350-400 gam/con/ngày. Sau khi nhồi ngỗng được thả vào nơi yên tĩnh, có đầy đủ nước sạch và được chăm sóc chu đáo.

Nguồn: Tạp chí Thức ăn chăn nuôi