Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 33934 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học và sản xuất
Kỹ thuật ủ chua lục bình (bèo tây) làm thức ăn chăn nuôi (17/03/2016)
Lục bình (bèo tây) có rất nhiều ở kênh, rạch, sông và suối. Lục bình từ lâu được nhiều người sử dụng bổ sung vào thức ăn cho vật nuôi nhằm cung cấp thêm dinh dưỡng cho chúng vừa giảm chi phí trong chăn nuôi. Ngoài việc sử dụng lục bình tươi, có thể sử dụng phương pháp ủ chua lục bình tạo sản phẩm bổ sung vào khẩu phần cho vật nuôi.
1. Các nguyên tắc của phương pháp ủ chua:
- Ủ chua là lên men vi sinh vật trong môi trường yếm khí. Vì vậy, điều kiện tiên quyết cho quá trình này là làm giảm tối đa lượng không khí trong khối thức ăn ủ. Điều này có thể đạt được bằng cách bảo quản thức ăn ủ trong bao ny-lông kín, lèn chặt và mạnh hết mức để giải phóng tối đa không khí trong bao ra ngoài và buộc chặt bao để không khí ở ngoài không thể vào được trong bao.
- Nguyên tắc này phải được duy trì trong suốt thời gian bảo quản và sử dụng thức ăn ủ. Cũng phải đảm bảo giữ bao kín sau mỗi lần lấy ra cho vật nuôi ăn.
- Lục bình vớt lên bỏ hết rễ có hàm lượng nước 86-91%, nên trước khi tiến hành ủ chua phải phơi héo để giảm tỷ lệ nước, tạo điều kiện thích hợp cho các vi sinh vật hoạt động lên men và tránh hiện tượng thối do các vi sinh vật lên men sản sinh ra axit butyric. Tỷ lệ nước giảm thích hợp trong quá trình phơi héo nên là 40-45%.
- Ngoài muối ra, việc sử dụng một số phụ gia khác như các loại tinh bột (cám gạo, bột ngô, bột củ sắn) để ủ chua là cần thiết nhằm cung cấp các cơ chất ban đầu cho quần thể vi sinh vật, làm cho chúng sinh trưởng, phát triển và bắt đầu quá trình lên men nhanh, làm giảm nhanh độ pH và làm ngừng quá trình hô hấp sớm nhất. Ngoài ra, các loại tinh bột kể trên còn đóng vai trò như là chất hấp thụ nước, làm tăng hàm lượng vật chất khô cho thức ăn ủ.
2. Quy trình ủ chua lục bình:
Dùng máy băm nghiền đa năng băm nhỏ lục bình đã bỏ hết rễ, khoảng 0,5cm đến 5cm. Trong quá trình băm, loại bỏ lá vàng, thối ủng hoặc khô.
- Phơi héo:
Phơi héo là một bước rất quan trọng để làm giảm hàm lượng nước của lục bình. Phải tiến hành phơi ngay sau khi băm để tránh thất thoát chất dinh dưỡng do quá trình hô hấp.
Trong quá trình phơi héo thỉnh thoảng phải đảo để nguyên liệu được héo nhanh và héo đều. Phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, khối lượng và độ dày của nguyên liệu phơi, thời gian phơi có thể kéo dài từ 1-5 giờ để giảm 40-45% nước. Ví dụ: có 100 kg lục bình, sau khi phơi héo với mức độ thích hợp, lượng nước hao hụt là 40-45 kg, còn lại 55-60 kg lục bình héo. Sau khi phơi héo xong, thu nguyên liệu để vào chỗ râm, mát cho nguội hẳn rồi mới tiến hành cân và ủ.
- Cân nguyên liệu:
Cân lục bình đã phơi héo rồi tính toán và cân khối lượng cần thiết của các phụ gia (tinh bột và muối) theo công thức: 100 kg lục bình héo + 10 kg cám gạo+ 0, 5 kg muối. Sau khi cân, để riêng các loại nguyên liệu.
(Nếu không có sẵn cám gạo thì có thể dùng bột ngô hoặc bột sắn để thay thế).
- Trộn đều:
Đầu tiên trộn tinh bột (cám gạo, bột ngô hoặc bột sắn) với muối để cho các hạt muối được tơi ra và phân phối đều trong khối thức ăn ủ, tạo môi trường có độ mặn đều cho quần thể vi sinh vật. Sau đó trộn đều nguyên liệu đã băm (và phơi héo) với hỗn hợp phụ gia tinh bột và muối này. Thực hiện bằng tay, nếu trộn và ủ nhiều thì có thể dùng xẻng.
- Đóng bao, lèn chặt:
Hỗn hợp nguyên liệu ủ được cho vào bao có hai lớp: bao ny lông ở trong và bao dứa ở ngoài. Như đã nêu ở trên, bao ny lông lành có tác dụng duy trì điều kiện yếm khí. Bao dứa có tác dụng chịu tải cho khối thức ăn ủ khi di chuyển và bảo vệ bao chống thủng, rách.
Theo kinh nghiệm, nên dùng bao có kích thước đủ chứa được 25-30 kg thức ăn ủ. Lượng thức ăn ủ này có thể cho lợn ăn được một số ngày. Nó cũng thuận tiện đối với việc cho ăn.
Bốc bằng tay hoặc dùng xẻng xúc hỗn hợp thức ăn ủ cho vào bao. Sau đó dùng bàn tay hoặc bàn chân lèn chặt để giải phóng đa lượng không khí trong khối thức ăn ủ ra ngoài. Thực hiện từng lớp dầy 10- 15 cm như vậy cho đến khi đầy bao hoặc hết nguyên liệu. Nhớ để phần miệng bao đủ dài để có thể buộc được và tránh làm rách, thủng bao.
Dùng dây chắc buộc riêng bao ni-lông ở trong trước, bao dứa ở ngoài sau. Có một số thứ khác có thể sử dụng để thay thế bao dứa như thùng phuy, chum, vại hoặc những ô bể xây. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp vẫn phải dùng bao ny lông để đựng ở trong để đảm bảo điều kiện yếm khí trong suốt thời gian bảo quản và sử dụng.
- Cất giữ và bảo quản bao thức ăn ủ:
Cất giữ các bao lục bình ủ chua ở nơi khô ráo, mát, tránh hao hụt chất dinh dưỡng và chuột, bọ cắn rách, thủng bao. Nếu bao bị thủng, thức ăn ủ sẽ bị thối hoặc mốc trắng.
Lưu ý: Kiểm tra thường xuyên các bao lục bình ủ trong 3-4 ngày đầu sau khi ủ.
Nếu thấy hiện tượng bao bị căng đầy không khí thì phải mở ra, lèn chặt lại để không khí thoát ra, sau đó buộc lại bao.
3. Sử dụng lục bình ủ chua cho lợn:
- Có thể cho lợn ăn thức ăn ủ chua sau 14 ngày ủ. Đây là thời gian cần thiết để cho giá trị pH của thức ăn ủ được ổn định.
- Thời gian bảo quản phụ thuộc và điều kiện yếm khí của bao lục bình ủ: Trong điều kiện yếm khí tối đa (lèn thật chặt, buộc kín, bao không bị thủng hoặc rách) thì có thể bảo quản được ít nhất 4,5-5 tháng mà giá trị dinh dưỡng không bị giảm đáng kể.
- Lợn nuôi thịt từ 18-20 kg thể trọng (hoặc sau 2, 5 tháng tuổi) bắt đầu sử dụng được lục bình ủ chua, vì từ giai đoạn này trở đi, sinh lý và chức năng tiêu hoá mới được hoàn thiện và ổn định. Vì thế, lợn sẽ không không gặp vấn đề sau khi ăn lục bình ủ chua. Ngoài ra, lợn nái, kể cả lợn nái nuôi con có thể ăn được thức ăn lục bình; chú ý là, không cho lợn con dưới 2,5 tháng tuổi ăn lục bình ủ chua.
- Cách cho lợn ăn lục bình ủ chua
Trộn lục bình ủ chua với cám hỗn hợp và hoà với nước sạch rồi đổ cho lợn ăn sống, không phải nấu. Trong điều kiện thời tiết lạnh của mùa đông, nên đun ước ấm rồi trộn cho lợn ăn. Nên chia khẩu phần ăn hàng ngày của lợn nuôi thịt thành 3 bữa: sáng, trưa, tối. Cho lợn ăn theo cách này rất đơn giản, thuận tiện và kinh tế vì không tốn chất đốt, thời gian, công sức lao động để nấu thức ăn cho lợn.
Nguồn: PV tổng hợp
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh (09/12/2024)
- Phòng bệnh ký sinh trùng trên cá bớp (25/11/2024)
- Tôm bị mềm vỏ sau mưa: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả (12/11/2024)
- Môi trường mang thai của heo nái hậu bị ảnh hưởng tới sự phát triển trí não ở heo (30/10/2024)
- Bệnh lưỡi xanh: Cơ chế lây truyền và các biện pháp phòng ngừa (15/10/2024)
- Một số kỹ thuật úm gà con (01/10/2024)