Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7594
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN trong nước

Làm chủ công nghệ giàn khoan dầu khí - đưa Việt Nam ngang tầm thế giới (30/10/2019)

Việc chế tạo thành công các giàn khoan tự nâng trong nước đã đưa Việt Nam trở thành một số ít quốc gia trên thế giới (khoảng 10 nước) có khả năng tự thiết kế chi tiết, chế tạo, chạy thử giàn khoan tự nâng hoạt động ở vùng biển sâu, khí hậu khắc nghiệt. Các giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03, Tam Đảo 05 do Công ty CP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) chế tạo có khả năng hoạt động khoan thăm dò ở hầu hết các vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam; tạo ra bước đột phá, tự chủ về khoa học công nghệ và đóng góp một phần trong việc bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Việt Nam nâng cao năng lực khai thác dầu khí.

Thành tựu từ đầu tư khoa học công nghệ của Nhà nước

Điều đặc biệt, thành tựu KH&CN này được ra đời từ cụm công trình KH&CN cấp Nhà nước "Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam". Theo đánh giá của Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước, công trình có giá trị rất cao về công nghệ, được ứng dụng thành công và có hiệu quả trong các công trình trọng điểm quốc gia. Công trình đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ lần thứ 5. Đây là công trình đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đăng kiểm quốc tế, có khả năng tạo ra sản phẩm công nghiệp mới, chủ động sản xuất theo yêu cầu ngành khai thác dầu khí.

Tại Việt Nam, toàn bộ giàn khoan tự nâng trước đây đều phải nhập từ nước ngoài. Trước thực trạng này, nhóm kỹ sư Phan Tử Giang và 16 đồng tác giả của Công ty cổ phần chế tạo Giàn khoan Dầu khí (Công ty PVShipYard) quyết định thực hiện công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” (Công trình giàn khoan Tam Đảo 03).

Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03.

“Để xây dựng một dự án trị giá 180 triệu đô, ngoài khó khăn về kinh nghiệm, vật chất, cái khó nhất là thuyết phục các cấp lãnh đạo tin tưởng để chúng tôi làm. Ngoài việc chứng minh khả năng chế tạo giàn khoan, chúng tôi còn phải chuẩn bị cơ sở để xây dựng nó. Tức là cùng một lúc vừa xây dựng xưởng, vừa chế tạo giàn khoan theo kiểu xưởng xây đến đâu làm giàn khoan đến đó, nhằm tới mục tiêu lớn nhất là bàn giao giàn khoan đúng tiến độ” - kỹ sư Phan Tử Giang tâm sự.

Kỹ sư Phan Tử Giang cho biết, việc nghiên cứu, thiết kế giàn khoan tự nâng thành công sẽ mở hướng chủ động trong công tác chế tạo, phát triển ngành dầu khí. Tuy nhiên, ngay khi bắt tay vào việc nghiên cứu, nhóm gặp nhiều khó khăn về nhân sự, cơ sở hậu cần, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Lúc đó, Công ty PVShipYard mới được thành lập, cơ sở hạ tầng, nhân sự đều phải bắt đầu từ “con số không”, độ tuổi trung bình của các kỹ sư khoảng 28 tuổi, cho nên rất ít người tin rằng việc nghiên cứu sẽ thành công. Nhiều chuyên gia đã tư vấn, khuyên nhóm nghiên cứu nên dừng lại bởi dự án này quá sức so với khả năng của nhóm. Thêm vào đó, việc hoàn thiện hồ sơ mất nhiều thời gian và chính một số thành viên cũng bắt đầu nản chí, nghi ngờ khả năng thành công của dự án. Thế nhưng, nhóm kỹ sư tiếp tục nỗ lực, chủ động xin nguồn tài trợ từ nhiều phía, lần lượt tháo gỡ những vướng mắc, xử lý được yêu cầu kỹ thuật khắt khe về độ dung sai lắp ráp đồng bộ các thiết bị siêu trường, siêu trọng và lắp ráp ngoài khơi với nhiều rủi ro về điều kiện thời tiết… Nhờ đó, sau gần ba năm, việc chế tạo, lắp ráp và vận hành giàn khoan an toàn, bảo đảm tốt nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật với giá trị gần 200 triệu USD.

Giàn khoan tự nâng 90m nước - Tam Đảo 03 là công trình đầu tiên ở nước ta và là công trình trọng điểm quốc gia về chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng có khối lượng kết cấu và thiết bị hơn 12.000 tấn, có thể hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 90m cùng hệ thống khoan có thể khoan sâu đến 6,1km dưới đáy biển, có thể làm việc trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sức gió tương đương cấp 12. Trong quá trình nghiên cứu, công trình đã thực hiện thành công 11 đề tài cấp Nhà nước và hơn 675 bộ bản vẽ thiết kế chi tiết.

 “Sản phẩm của công trình đã được Cơ quan Đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ (ABS) công nhận. Việc chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90m nước đã đưa Việt Nam vào một trong số ít các quốc gia trên thế giới có đủ năng lực thi công giàn khoan khai thác dầu khí tự nâng” - kỹ sư Phan Tử Giang khẳng định.

Quá trình triển khai công trình đã góp phần đào tạo, xây dựng đội ngũ gồm 97 cán bộ, kỹ sư Việt Nam có trình độ thiết kế, chỉ huy thi công giàn khoan tự nâng, có khả năng đảm nhiệm nhiều công việc phức tạp trong việc đóng mới, hạ thủy, sửa chữa, nâng cấp… Tại triển lãm quốc tế lần thứ bảy về công nghệ đóng tàu, hàng hải và vận tải - Vietship 2014, Công ty PVShipYard đã được nhận giải thưởng “Sản phẩm tàu ngoài khơi tốt nhất” cho sản phẩm “Giàn khoan Tam Đảo 03”.

Mở hướng hình thành ngành công nghiệp chế tạo giàn khoan tự nâng

Tam Đảo 03 đã được Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đưa vào sử dụng từ tháng 6/2012. Kết quả KH&CN của công trình đã đặt nền móng cho lĩnh vực công nghiệp đóng mới giàn khoan dầu khí tự nâng của Việt Nam; góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao của Việt Nam.

Ngay sau thành công của công trình giàn khoan Tam Đảo 03, nhóm kỹ sư đã tiếp tục chế tạo giàn khoan tự nâng 120 m nước (Tam Đảo 05) có giá trị 230 triệu USD, với tổng khối lượng thi công, lắp đặt lên đến 18.000 tấn, có khả năng khoan tới mỏ dầu khí với độ sâu 9 km, có thể hoạt động an toàn trong điều kiện bão lên đến cấp 12. Đáng chú ý, ở công trình thứ hai này, các kỹ sư đã tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 40%, toàn bộ các khâu thiết kế, mua sắm máy móc, thi công… đều do người Việt Nam thực hiện, nhờ đó chi phí sản xuất giảm mà vẫn đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 - biểu tượng của khoa học công nghệ dầu khí Việt Nam.

Đây là công trình có tính đột phá, chứng minh Việt Nam có đủ khả năng thiết kế chi tiết và chế tạo, thi công giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đánh giá từ các chuyên gia trong lĩnh vực dầu khí cho thấy, thành công của công trình đã góp phần giảm sự phụ thuộc của ngành dầu khí vào các sản phẩm ngoại nhập; thúc đẩy ngành dầu khí trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

TS Đỗ Quốc Quang, Viện Công nghệ (Bộ Công thương) cho biết, thành công của các dự án giàn khoan tự nâng đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia có khả năng thiết kế, đóng mới các giàn khoan dầu khí tự nâng, từng bước xây dựng được cơ sở nhân lực, vật chất cho công tác này. Kết quả các nghiên cứu được phát huy trong việc hình thành ngành công nghiệp đóng giàn khoan thăm dò dầu khí trên biển của Việt Nam, mở ra một thị trường xuất khẩu.

Theo KS Phan Tử Giang, thành công của Tam Đảo 03 cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học ứng dụng và thiết kế của PV Shipyard trong tương lai. Trung tâm sẽ có đội ngũ kỹ sư thiết kế khoảng 70-80 người, được trang bị kiến thức vững vàng, phương pháp nghiên cứu và làm việc khoa học, trưởng thành thông qua công việc thực tế, tạo sự chủ động và giảm tối đa số chuyên gia nước ngoài cho các dự án sau.

Cắt băng khánh thành giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 do Việt Nam chế tạo.

Còn KS Hoàng Hùng - Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thủy Việt Nam - tin tưởng: “Tôi cho rằng Việt Nam thành công trong việc đóng giàn khoan tự nâng là nhờ Nhà nước đã đầu tư vào KH&CN một cách chuẩn mực. Với thành công này, Việt Nam hoàn toàn có thể tính đến khả năng xuất khẩu giàn khoan tự nâng”.

Sau hai dự án chế tạo giàn khoan Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05, bước đầu chúng ta đã hình thành một hệ thống nhà cung cấp máy móc, thiết bị, vật tư… phụ trợ cho công nghiệp chế tạo giàn khoan, đóng tàu nói riêng và cho ngành cơ khí nói chung. Đó là một trong những yếu tố được đánh giá là then chốt để giúp thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế biển của Đảng và Chính phủ.

Thành công của dự án cũng khẳng định khả năng mở ra một lĩnh vực mới, tạo ra năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế, tạo tiền đề để mở ra một thị trường xuất khẩu mới khi ngành chế tạo giàn khoan hội nhập toàn diện, tiến tới xuất khẩu giàn khoan ra thị trường khu vực và quốc tế.

Nguồn Chương trình 2075