Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 29277
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học nông nghiệp

Làm rõ hiệu quả phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên (28/06/2017)

“Từ vụ đầu tiên với 0,12ha áp dụng kỹ thuật cấy lúa hàng biên, đến nay xã Phú Lương, huyện Đông Hưng, Thái Bình đang có 120ha cấy theo phương pháp này. Trong kế hoạch sản xuất năm 2017, sẽ có 65% diện tích trồng lúa của xã áp dụng kỹ thuật cấy hàng biên”.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Thành - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Phú Lương - tại chương trình “Giao lưu nông dân - nhà khoa học về phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên” do Báo Khoa học và Phát triển, UBND huyện Vĩnh Bảo, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội phối hợp tổ chức tại Hải Phòng.

Dân muốn nhân rộng

2017 là năm đầu tiên phương pháp cấy hàng biên được ứng dụng tại xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo. Tuy chưa thu hoạch hết ở thời điểm các đại biểu tham gia chương trình giao lưu ra tham quan ruộng, đại diện trạm khuyến nông huyện cho biết năng suất dự kiến lên tới 8,5-9 tấn/ha. Bà Nguyễn Thị Hòa - nông dân xã Tam Cường - cho biết gia đình bà có 6 sào cấy hàng biên và hiệu quả tốt hơn hẳn so với phương pháp cấy thông thường.

“Về giống, tôi chỉ phải đầu tư mỗi sào 35.000 đồng trong khi trước đây mất 60.000 đồng. Về thuốc bảo vệ thực vật, tôi chỉ phun 2 lần, trong khi cấy thường phải phun 7 lần. Về năng suất, tôi đếm được mỗi bông có từ 150-170 hạt. Lúa đẻ nhánh khỏe hơn so với ruộng cấy theo phương pháp truyền thống. Tôi mong muốn giới thiệu cho người thân, hàng xóm kỹ thuật này” - bà Hòa nói.

 

Phương pháp này đã được đưa vào Vĩnh Bảo từ năm 2014, ban đầu chỉ có 8 hộ làm thử. Sau 3 năm, diện tích ứng dụng lên tới 1.000ha. Theo ông Nguyễn Trọng Nhưỡng - Chủ tịch UBND huyện - người dân thấy hiệu quả nên áp dụng, huyện chỉ mời chuyên gia về tư vấn kỹ thuật chứ không hỗ trợ giống hay vật tư.

Ông Nguyễn Trọng Nhưỡng - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo - phát biểu tại chương trình "Giao lưu nông dân - nhà khoa học về phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên". Ảnh: Lệ Hằng

Chia sẻ tại chương trình giao lưu, Giám đốc HTX Phú Lương cho biết: “Vụ mùa 2014, xã có 7 hộ cấy hàng biên với sự hướng dẫn của kỹ sư Tiệp. Do hiệu quả kinh tế cao hơn vụ trước rất nhiều nên đến vụ mùa 2015, UBND huyện Đông Hưng vào cuộc, hỗ trợ toàn bộ giống của 2ha trồng lúa và số tiền 100.000 đồng/sào. HTX tiếp tục mời các nhà khoa học về tư vấn để đảm bảo kỹ thuật. Hiệu quả năm đó càng rõ rệt và chúng tôi đón tới 34 đoàn tham quan”.

Ông Thành cũng cho biết, từ vụ đầu tiên chỉ có 0,12ha cấy hàng biên, hiện xã Phú Lương có 120ha áp dụng phương pháp này. Theo kế hoạch sản xuất 2017, 65% tổng diện tích lúa của xã sẽ được cấy theo kỹ thuật hàng biên.

Mong nhà khoa học tiếp tục đồng hành

Trực tiếp nghe những người từng áp dụng cấy hàng biên chia sẻ về thực tế canh tác, nghe các chuyên gia phổ biến về phương pháp này, các đại biểu nông dân tham gia giao lưu đều rất hào hứng. Ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh - cho biết trước khi đến dự sự kiện, ông chưa từng nghe về phương pháp cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên: “Vậy nên tôi đã vận động thêm 7 hộ đi cùng để tìm hiểu kỹ hơn. Sau khi tham quan thực tế, được nghe trao đổi, chúng tôi thấy đây là kỹ thuật rất hay, hiệu quả và bàn nhau sẽ thử nghiệm ngay trên ruộng nhà mình”.

Điểm đặc thù của phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên là biến mọi khóm lúa thành khóm ven bờ, mỗi mét vuông chỉ cấy 8-16 khóm thay vì cấy 40-50 khóm theo cách thông thường. Tiến sỹ Nguyễn Văn Biếu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội các Ngành sinh học Hà Nội, người tham gia phổ biến phương pháp này - cho biết, cấy hàng biên giúp giảm ít nhất 1/3 chi phí nhân công, giống, thuốc trừ sâu bệnh, phân bón nhưng tăng 10-20% năng suất. Chi phí làm ra 1kg thóc giảm 500-2.000 đồng so với các cách cấy khác.

Để ứng dụng cấy hàng biên, nông dân cần sự tư vấn của các chuyên gia, bởi mật độ cấy tùy thuộc từng giống, được tính toán dựa vào chiều cao, dạng hình tán lá, sức đẻ nhánh... của cây. Bởi vậy, thay mặt các đại biểu trong đoàn tham dự giao lưu, ông Nguyễn Văn Đông bày tỏ mong muốn các nhà khoa học về xã Liên Hòa hỗ trợ bà con. “Xã Liên Hòa là nơi đồng chua nước mặn nên ngoài kỹ thuật cấy, tôi hy vọng các nhà khoa học tư vấn cho địa phương giống lúa phù hợp để ứng dụng kỹ thuật hàng biên” - ông Thành nói.

 

Nguồn: Vista.gov.vn