Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5665
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Liệu pháp tế bào “mục tiêu kép” có thể thu nhỏ khối u não (03/04/2024)

Theo kết quả ban đầu từ nghiên cứu đầu tiên, việc nhắm mục tiêu vào hai protein liên quan đến khối u não chứ không phải một protein bằng liệu pháp tế bào CAR T hứa hẹn sẽ là chiến lược làm giảm sự phát triển của khối u rắn ở những bệnh nhân mắc u nguyên bào thần kinh đệm (GBM), một dạng ung thư não nguy hiểm. Theo kết quả ban đầu từ 6 bệnh nhân đầu tiên được điều trị trong thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn I do các nhà nghiên cứu từ Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania-Hoa Kỳ và Trung tâm Ung thư Abramson của Penn Medicine tiến hành.

Các phát hiện được công bố trên tạp chí Nature Medicine cho thấy phương pháp tiếp cận “mục tiêu kép” rất đáng khích lệ để phát triển những liệu pháp hiệu quả, lâu dài cho các khối u rắn ở bệnh u nguyên bào thần kinh đệm.

Bác sĩ Stephen Bagley cho biết: “Đây là lần đầu tiên liệu pháp tế bào CAR T với hai mục tiêu, thay vì chỉ một, được áp dụng cho bệnh nhân u nguyên bào thần kinh đệm. Kết quả của chúng tôi cho thấy đây là một bước đi đúng hướng và phương pháp này, khi được truyền qua dịch tủy sống của bệnh nhân, có thể là chìa khóa để phát triển các liệu pháp vượt qua hệ thống phòng thủ phức tạp của bệnh GBM”.

U nguyên bào thần kinh đệm là loại u não ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất ở người lớn. Những người mắc GBM thường sống được 12-18 tháng sau khi được chẩn đoán. Bất chấp nhiều thập kỷ nghiên cứu, vẫn chưa có phương pháp chữa trị cho bệnh u nguyên bào thần kinh đệm nào được biết đến và các phương pháp điều trị đã được phê duyệt; chẳng hạn như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị; có tác dụng hạn chế trong việc kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, ngay cả sau khi điều trị tích cực, bệnh u nguyên bào thần kinh đệm vẫn quay trở lại ở hầu hết bệnh nhân, được gọi là GBM tái phát. Tỷ lệ sống sót trung bình đối với GBM tái phát là dưới một năm.

Liệu pháp tế bào CAR T sử dụng hệ miễn dịch của chính bệnh nhân để chống lại ung thư; Tế bào T của bệnh nhân; các tế bào bạch cầu tìm kiếm và chống lại bệnh và nhiễm trùng trong cơ thể; được loại bỏ, lập trình lại để nhận biết protein hoặc kháng nguyên, đặc trưng của một loại ung thư cụ thể, sau đó đưa trở lại cơ thể, nơi chúng tìm kiếm và tiêu diệt tế bào ung thư này.

Liệu pháp tế bào CAR T được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để chống lại một số bệnh ung thư máu, như bệnh bạch cầu, nhưng các nhà nghiên cứu đã phải vật lộn để tạo ra các tế bào nhằm tìm kiếm và tiêu diệt thành công các khối u rắn, chiếm phần lớn các loại ung thư, bao gồm cả u nguyên bào thần kinh đệm.

Bác sĩ Stephen Bagley cho biết: "Thách thức với bệnh u nguyên bào thần kinh đệm và các khối u rắn khác là tính không đồng nhất của khối u, nghĩa là không phải tất cả các tế bào trong khối u GBM đều giống nhau hoặc có cùng kháng nguyên mà tế bào CAR T được tạo ra để tấn công và GBM của mỗi người là duy nhất đối với chúng, do đó, phương pháp điều trị hiệu quả với bệnh nhân này có thể không hiệu quả với bệnh nhân khác. Hơn nữa, các khối u GBM có thể trốn hệ miễn dịch của bệnh nhân và ngăn chặn các tế bào miễn dịch; cả tế bào CAR T được tạo ra và tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân; có thể chống lại khối u. Thử thách của chúng tôi là điều trị xung quanh khả năng phòng vệ của khối u, từ đó có thể tiêu diệt nó”.

Trong thử nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một công nghệ được phát triển trong phòng thí nghiệm của Bác sĩ Donald M. O'Rourke và John Templeton tại Trung tâm Ung thư Abramson. Kỹ thuật này cung cấp các tế bào CAR T nhắm vào hai loại protein thường thấy trong khối u não: thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR), được ước tính có mặt ở 60% tổng số u nguyên bào thần kinh đệm và thụ thể interleukin-13 alpha 2 (IL13Rα2), được biểu hiện trong hơn 75% bệnh (GBM). Trong khi liệu pháp tế bào CAR T điều trị ung thư máu thường được truyền qua đường tĩnh mạch, nhóm nghiên cứu đã tiêm các tế bào CAR T mục tiêu kép này vào bên trong vỏ não, thông qua việc tiêm vào dịch não tủy, để các tế bào được thiết kế có thể tiếp cận những khối u trực tiếp hơn trong não.

Quét MRI từ 24 đến 48 giờ sau khi sử dụng tế bào CAR T mục tiêu kép nhắm vào EGFR và IL13Rα2 cho thấy kích thước khối u giảm ở cả sáu bệnh nhân và mức giảm này đã được duy trì đến vài tháng sau đó ở một nhóm nhỏ bệnh nhân.

Bác sĩ Donald M. O'Rourke cho biết: "Chúng tôi được tiếp thêm động lực bởi kết quả và mong muốn tiếp tục thử nghiệm, điều này sẽ giúp hiểu rõ hơn về cách liệu pháp tế bào mục tiêu kép CAR T này ảnh hưởng đến nhiều cá nhân mắc GBM tái phát hơn”.

Mối quan tâm lớn với liệu pháp tế bào CAR T, đặc biệt là khi được đưa đến não, làm tổn thương cho hệ thần kinh (neurotoxicity), xảy ra khi chất độc làm thay đổi hoạt động của hệ thần kinh và có thể phá vỡ hoặc tiêu diệt các tế bào não, được gọi là tế bào thần kinh. Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng ở cả sáu bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp tế bào CAR T trong thử nghiệm này, độc tính thần kinh là đáng kể nhưng có thể kiểm soát được.

Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com, 13/3/2024

Ngày cập nhật :02/04/2024

https://vista.gov.vn/vi/news/cac-linh-vuc-khoa-hoc-va-cong-nghe/lieu-phap-te-bao-muc-tieu-kep-co-the-thu-nho-khoi-u-nao-8357.html