Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 53083
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Lựa chọn ý tưởng thiết kế hệ thống nhận diện nhãn hiệu chứng nhận “Cát Hải” (25/03/2023)

Trong khuôn khổ triển khai Dự án Hỗ trợ Quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cát Hải” cho sản phẩm nước mắm của huyện Cát Hải, Hải Phòng, sáng 23/3/2023, tại Uỷ ban nhân dân thị trấn Cát Hải, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo: Lựa chọn ý tưởng thiết kế hệ thống nhận diện nhãn hiệu chứng nhận “Cát Hải”.Tham dự Hội thảo có đại diện: Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và An toàn bức xạ hạt nhân, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ); Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cát Hải; Hội Nông dân huyện Cát Hải và 27 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nước mắm truyền thống của huyện.

Quang cảnh Hội thảo.

Theo kết quả điều tra khảo sát Dự án, trên địa bàn huyện Cát Hải có 52 cơ sở sản xuất nước mắm áp dụng phương pháp truyền thống với tổng sản lượng hơn 7,9 triệu lít/năm. Trong đó, 16 đơn vị sẵn sàng đăng ký tham gia sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cát Hải”. Ban chủ nhiệm Dự án đã xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cát Hải” cho sản phẩm nước mắm Cát Hải; lựa chọn 06 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước mắm trên địa bàn huyện Cát Hải để tham gia sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; lựa chọn 01 cơ sở, doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất theo phương pháp truyền thống để khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và lựa chọn 01 cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm đã được dán nhãn chứng nhận, phục vụ khách du lịch.

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo Nguyễn Đình Vinh cho rằng, thương hiệu nước mắm sản xuất truyền thống tại Cát Hải ngày một khẳng định uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng; chính quyền địa phương cũng rất quan tâm, có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ thúc đẩy phát triển; các cơ sở sản xuất tâm huyết, giữ gìn nghề truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, Dự án cũng gặp nhiều khó khăn như: thị trường tiêu thụ cạnh tranh cao; nguồn nguyên liệu tại địa phương ngày một hạn chế; một vài cơ sở sản xuất tự phát không được quản lý về chất lượng nên có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu nước mắm truyền thống của huyện; mặt bằng sản xuất thu hẹp do quy hoạch phát triển công nghiệp, khu vực quy hoạch sản xuất chưa đi vào hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển nghề sản xuất nước mắm của địa phương.

Tại Hội thảo, các đại biểu trao đổi, đề xuất sửa đổi Quy chế Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cát Hải” cho sản phẩm nước mắm của huyện Cát Hải, đề xuất mẫu thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm… giúp cho nhãn hiệu được chứng nhận các đặc điểm về xuất xứ, nguyên liệu, đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, đem lại sự tin cậy đối với người tiêu dùng./.

Đức Anh