Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 35040 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học và sản xuất
Một số bệnh thường gặp ở bồ câu và cách điều trị (07/03/2016)
Chúng tôi xin giới thiệu một số bệnh thường gặp trên chim bồ câu và cách điều trị, để chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.
1. Bệnh thương hàn
- Bệnh do 1 loại vi khuẩn thuộc họ Enterbacteriacae gây ra. Bồ câu các lứa tuổi đều bị bệnh, nhưng bị bệnh nặng và chết nhiều nhất ở bồ câu dưới một năm tuổi.
- Triệu chứng chính: bồ câu mắc bệnh lười vận động, kém ăn, uống nhiều nước; sốt, đứng ủ rũ, thở gấp, tiêu chảy phân màu xanh hoặc xám vàng, lẫn máu.
- Bệnh tích: niêm mạc đường tiêu hóa sưng huyết, tụ huyết từng đám. Niêm mạc ruột non và ruột già bóc ra từng đám. Niêm mạc ruột già có hoại tử từng đám.
- Điều trị:
+ Cho cả đàn uống 5 ngày một trong các loại kháng sinh sau: Oracin-pharm (1ml/1,5 - 2 lít nước uống); Enroflox 5% (2g/1lít nước uống); Pharmequin, Pharamox G, Ampi-col (1g/1lít nước uống); Pharcolivet, Ampi-col pharm (10g/2,5 lít nước uống); Pharmequin-max (1g/2 lít nước uống).
+ Đồng thời cho uống kèm Dizavit-plus, 2g/1lít nước uống.
+ Sau khi dừng kháng sinh, cho cả đàn uống men tiêu hóa (Pharbiozym, Pharselenzym) để phục hồi sức khỏe.
2. Bệnh cầu trùng
- Bệnh cầu trùng thường thấy ở bồ câu non 1 - 4 tháng tuổi với các triệu chứng tiêu chảy, phân có nhiều dịch nhầy, đôi khi lẫn máu. Thông thường, cầu trùng gây bệnh ở bồ câu nhẹ hơn ở gà, nhưng có ca bệnh nặng làm bồ câu tiêu chảy suy kiệt dẫn đến chết. Bệnh xảy ra vào vụ xuân - hè và thu - đông. Tại cơ sở ô nhiễm nặng, bệnh có thể xảy ra quanh năm. Cầu trùng bồ câu có thể lây qua gà và ngược lại.
- Điều trị: Bệnh cầu trùng thường mắc kèm với bệnh vi khuẩn đường ruột, nên cần điều trị cả 2 bệnh này cùng lúc. Bà con sử dụng thuốc như sau:
+ Cho uống Pharticoc-plus, 10g/7 lít nước, liên tục 3 ngày, nghỉ 2 ngày rồi cho uống tiếp 2 ngày; hoặc Pharm-cox G, 1- 3ml/1lít nước uống, 8 giờ/ngày, liên tục 2 ngày để diệt cầu trùng.
+ Cùng lúc cho uống kèm một trong các loại kháng sinh sau: Oracin-pharm (1ml/1,5 - 2 lít nước uống); Pharcolivet, Ampi-coli pharm (10g/2,5 lít nước); Pharmequin, Pharamox G, Gatonic-plus (1g/1lít nước uống)… liên tục 3 - 5 ngày.
3. Các bệnh giun, sán
- Bệnh giun đũa: Giun đũa gây bệnh ở diều, ruột non, đôi khi ở thực quản. Thời gian giun trưởng thành là 37 ngày. Giun tròn như que tăm, màu trắng ngà. Giun cái dài 20 - 95mm, giun đực dài 50 - 70mm. Triệu chứng chính là bồ câu giảm ăn, gầy, lông xù, tiêu chảy, có khi chết do giun làm tắc ruột. Chim nuôi nhốt cũng có thể bị mắc bệnh này nếu cho ăn thêm cát sỏi.
- Bệnh giun tròn: Chúng ký sinh và gây tổn thương ở niêm mạc diều bồ câu, có thể gây viêm diều, do nhiễm khuẩn thứ phát. Giun đực dài 6,5 - 7,3mm, giun cái dài 2,0 - 11,5mm.
- Bệnh sán dây: Sán dây là loài ký sinh trùng nguy hiểm. Chim bệnh giảm ăn, gầy, đôi lúc tiêu chảy. Có con chết do búi sán làm tắc ruột.
- Điều trị: Cho bồ câu uống Decto-pharm, 1g/1,5kg thể trọng/lần. 3 tháng tẩy một lần. Sau tẩy giun sán, cho cả đàn uống 7 ngày men tiêu hóa Pharbiozym (2g/1lít nước) và liên tục Phar-M comix để bổ sung khoáng vi lượng. Cho bồ câu bố mẹ uống Teramix-pharm (10g/1lít nước) để tăng năng suất sinh sản.
4. Bệnh nấm diều
- Bệnh do nấm Candidia albicans gây ra. Mẫn cảm nhất là bồ câu 1 - 2 tháng tuổi. Bệnh có thể lây qua dụng cụ, thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh. Cũng có thể do dùng kháng sinh dài ngày.
- Triệu chứng: Đầu tiên, bồ câu xuất hiện những lớp vảy da màu vàng nhạt ở trong mỏ, có thể bóc tách dễ dàng, không chảy máu. Sau đó tạo những mụn loét ăn sâu xuống ngã tư hầu họng và diều. Chim bệnh ăn ít, tăng trọng kém, gầy, tiêu chảy. Thỉnh thoảng nôn ra chất nhầy lẫn thức ăn, mùi hôi. Chim non bị nặng hơn chim trưởng thành, chậm mọc lông.
- Phòng bệnh: Tiêu hủy phân trong chuồng bồ câu, vệ sinh sạch sẽ. Phun sát trùng chuồng và khu vực chăn nuôi bằng dung dịch chứa I-ốt, đồng sunfat 1% hoặc formol 2,5%. Loại tất cả thức ăn nghi nhiễm nấm như ngô, khô dầu, đỗ tương. Cho ăn cám gà đẻ với khối lượng bằng 1/10 trọng lượng bồ câu.
- Điều trị:
+ Cho cả đàn uống nấm phổi GVN, 10g/2,5 - 3 lít nước uống hoặc 10g/30kg thể trọng/ngày, liên tục 7 ngày để diệt nấm.
+ Cho uống chung với một trong các loại kháng sinh sau: Pharamox G, Pharmequin, Enroflox 5%, Orain-pharm… liên tục 5 ngày để diệt vi khuẩn bội nhiễm.
+ Cho ăn/uống Phartigum B, 2g/10kg thể trọng/ngày hoặc 2g/lít nước uống để giảm đau, tăng lực.
+ Tốt nhất hòa tan lượng thuốc cần thiết, phun ướt đều vào cám rồi cho ăn. Như vậy, bồ câu mẹ vừa mớm được thức ăn lẫn thuốc cho bồ câu con.
5. Bệnh Niu-cát-xơn
- Triệu chứng: Chim bệnh ủ rũ, tiêu chảy phân màu trắng, đột tử, chân khô, diều căng đầy hơi hoặc thức ăn không tiêu hóa. Tỷ lệ chết có thể lên đến 90%. Có con bị vặn cổ, mặt ngửa lên trên, đi xoay vòng theo phía cổ bị vặn; có khi đứng không vững, lăn quay ra nền chuồng. Những cá thể bị thần kinh này lâu chết, nhưng thải mầm bệnh ra môi trường rất nguy hiểm, cho nên cần tiêu hủy.
- Xử lý ổ dịch như sau:
+ Đối với chim dưới 1 tháng tuổi nhỏ Laxoota hoặc ND-IB 2 lần cách nhau 14 ngày. Lần đầu có thể nhỏ cho chim trong tuần tuổi đầu tiên.
+ Đối với chim trên 1 tháng tuổi, nếu trước đây đã nhỏ vắc-xin phòng NCX, nay tiêm ngay 0,3ml vắc-xin nhũ dầu hoặc các loại vắc-xin phòng NCX với liều như tiêm cho gà.
+ Nếu trước đây chưa dùng vắc-xin nhỏ lần nào thì nhỏ ngay, 7 ngày sau mới dùng vắc-xin tiêm.
6. Bệnh bồ câu mổ lông, rụng lông
- Bồ câu mổ lông nhau do cường độ ánh sáng mạnh, mật độ nuôi dày, thức ăn không đảm bảo chất lượng (mốc, mọt), ngoại ký sinh trùng, chim bố mẹ mổ lông chim con. Chim bị rụng lông có thể do chim bố mẹ thiếu khoáng vi lượng và/hoặc vitamin trong thời kỳ nuôi con.
- Điều trị bằng cách loại bỏ các nguyên nhân kể trên và cho uống thuốc như sau:
+ Pharotin-K, 10g/2,5 - 3 lít nước uống, liên tục 7 ngày.
+ Phar-Calci B12, 10 - 20ml/lít nước uống, liên tục 7 ngày.
+ Sau đó bổ sung thường xuyên khoáng vi lượng Phar-M comix, 1g/1lít nước uống.
+ Đối với bồ câu sinh sản, định kỳ cho ăn/uống Teramix-pharm (10g/1lít nước uống hoặc 1g/kg thể trọng/ngày), 5 – 10 ngày/đợt/tháng hoặc liên tục tùy điều kiện từng cơ sở.
* Lịch phòng bệnh cho bồ câu:
+ Trong giai đoạn 3 - 10 ngày tuổi nhỏ vắc-xin Lasota hoặc ND.IB, 2 tuần sau nhỏ nhắc lại lần 2. Sau đó cứ 1 - 2 tháng cho uống một liều vắc-xin ND.IB (hoặc Lasota) để phòng bệnh Niu-cát-xơn và bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (liều lượng theo hướng dẫn).
+ Đối với bồ câu ngoài 1 tháng tuổi, tốt nhất nên tiêm vắc-xin nhũ dầu với liều 0,3ml/con để phòng bệnh Niu-cát-xơn. Đối với bồ câu sinh sản, một năm tiêm nhắc lại một lần vắc-xin nhũ dầu.
+ Qua 10 ngày tuổi tiêm chủng đậu cho bồ câu. Cách dùng và liều dùng như chủng cho gà.
+ Định kỳ 2 - 3 tuần, đặc biệt khi thời tiết thay đổi, cho uống một đợt 3 ngày, dùng một trong các loại kháng sinh sau: Pharamox G, Pharmequin, Ampicol, Pharamox (1g/1lít nước uống); Enroflox 5% (2g/1lít nước uống); Pharmequin-max (1g/2 lít nước uống); Pharcolivet, Ampi-coli pharm (10g/2,5 lít nước uống)… để phòng bệnh tiêu chảy, hô hấp do vi khuẩn.
+ Một năm 2 lần tẩy giun sán bằng cách cho uống Decto-pharm (1g/1,5kg thể trọng để tẩy giun, sán dây), Pharcado (2g/4kg thể trọng để tẩy giun, sán dây) hoặc Pharcaris (10g/25 – 30kg thể trọng để tẩy giun tròn).
Nguồn: Tạp chí Người chăn nuôi
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh (09/12/2024)
- Phòng bệnh ký sinh trùng trên cá bớp (25/11/2024)
- Tôm bị mềm vỏ sau mưa: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả (12/11/2024)
- Môi trường mang thai của heo nái hậu bị ảnh hưởng tới sự phát triển trí não ở heo (30/10/2024)
- Bệnh lưỡi xanh: Cơ chế lây truyền và các biện pháp phòng ngừa (15/10/2024)
- Một số kỹ thuật úm gà con (01/10/2024)