Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 36935
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Một số biện pháp hạn chế ngộ độc hữu cơ cho lúa mùa (13/07/2016)

 Ngộ độc hữu cơ là hiện tượng cây lúa bị còi cọc, lá biến vàng, thân nhỏ, yếu ớt, nhổ lên thấy rễ bị đen, vàng, ít rễ trắng, thậm chí có mùi thối, lúa sinh trưởng phát triển kém; nếu không được khắc phục ngay lúa sẽ lùn lụi, năng suất thấp, thậm chí bị chết.

Hiện tượng này thường xảy ra vào vụ mùa, vì khoảng thời gian làm đất đến gieo ngắn, đất làm xổi, rơm rạ chưa kịp thối ngấu. Sau khi gieo cấy lúa mùa, lượng rơm rạ trong đất tiếp tục phân hủy trong điều kiện yếm khí sẽ sản sinh ra các khí H2S, CH4... Để hạn chế ảnh hưởng của hiện tượng nghẹt rễ, ngộ độc hữu cơ và nâng cao năng suất cho lúa mùa, bà con cần lưu ý các biện pháp kỹ thuật sau:

1. Làm đất

- Là biện pháp kỹ thuật quan trọng quyết định đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của lúa. Vì vậy, sau khi thu hoạch xong, cần khẩn trương làm đất ngay, bảo đảm đủ thời gian để rơm rạ thối ngấu và kịp khung thời vụ gieo cấy.

- Trong thực tế, các hộ dân chủ yếu gặt ngang lưng cây lúa, lượng rơm rạ để lại trên đồng ruộng rất lớn, dễ dẫn đến hiện tượng lúa bị ngộ độc hữu cơ. Vì vậy, khi thu hoạch lúa xong nên sử dụng các chế phẩm để xử lý rơm rạ như Trichodema, Emunic… hoặc rắc phân vi sinh Azotobacterin với lượng 7 - 10 kg/sào + 10 - 15 kg vôi bột, sau đó cày vùi rơm rạ, đưa nước vào ngâm dầm ít nhất 5 - 7 ngày mới tiến hành bừa cấy.

Lưu ý: những chân ruộng trũng phèn, cần bón lượng vôi bột từ 20 - 25 kg/sào để hạn chế hiện tượng ngộ độc sắt cho lúa.

2. Tưới nước

Áp dụng biện pháp tưới khô ướt xen kẽ tự nhiên: Sau khi cấy xong, cần giữ nguyên mực nước giúp cho mạ hồi nhanh, sau đó điều tiết nước ở trạng thái chỉ có dấu chân trên mặt ruộng 5 - 7 ngày, lại tiếp tục lấy nước vào ruộng ở mức 3 - 5cm. Biện pháp này giúp cung cấp ôxy cho đất, hỗ trợ bộ rễ phát triển tốt nên cần lặp lại nhiều lần. Kỹ thuật rút nước này tạo điều kiện cho cây lúa đẻ nhánh tốt; đồng thời, giúp bộ rễ phát triển mạnh, đâm sâu vào đất, tăng cường khả năng hút chất dinh dưỡng, giúp cho cây lúa ít bị đổ.

- Khi số dảnh/khóm đạt 8 - 9 dảnh, tiến hành tháo cạn nước để hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu (thời gian phơi ruộng 7 ngày). Khi lúa có đòng, tháo nước trở lại, không để lúa bị hạn ở giai đoạn này. Đến khi lúa chín đỏ đuôi, tháo cạn nước để thuận lợi cho việc thu hoạch.

3. Bón phân

- Đối với một số giống lúa, thời gian sinh trưởng vụ mùa ngắn hơn so với vụ Xuân. Nếu bón phân muộn, cây lúa không chỉ dễ bị sâu, bệnh hại mà còn có thể xảy ra hiện tượng vừa đẻ nhánh vừa làm đòng, năng suất thấp. Vì vậy, cần áp dụng phương châm bón lót sâu, thúc sớm, tập trung bón phân cân đối và đầy đủ, từ đó giúp lúa cứng cây, khỏe mạnh ngay từ đầu vụ.

- Lượng phân bón cho 1 sào:

+ Đối với phân đơn: phân chuồng 400 - 500 kg; kali 6 - 8 kg; vôi bột 15 kg; đạm urê 7 - 8 kg; supe lân 15 - 20 kg.

+ Đối với phân tổng hợp: NPK-S (5:10:3-8 dùng bón lót) 15 - 20 kg; NPK-S (12:5:10-14 dùng bón thúc) 15 - 17 kg.

- Cách bón:

+ Bón lót: 100% phân chuồng + 100% vôi bột + 100% supe lân hoặc 100% phân NPK-S (5:10:3-8).

+ Bón thúc:

*  Nếu sử dụng phân đơn:

Bón lần 1: khi cây lúa bén rễ, hồi xanh (7 - 10 ngày sau cấy) bón 4 - 5 kg đạm + 3 - 4 kg kali/sào.

Bón lần 2: khi cây lúa đứng cái, phân hóa đòng (trước trỗ 25 - 30 ngày) bón 2 - 3 kg đạm + 4 - 5 kg kali/sào.

* Nếu sử dụng phân tổng hợp NPK:

Bón thúc lần 1 sau cấy 7 - 10 ngày với lượng phân từ 8 - 9 kg/sào.

Bón thúc lần 2: khi cây lúa đứng cái, phân hóa đòng (trước trỗ 25 - 30 ngày) với lượng phân từ 7 - 8 kg/sào.

4. Phòng trừ sâu, bệnh hại

Ở vụ mùa, cây lúa thường bị một số sâu, bệnh hại chính như: sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy, ốc bươu vàng; bệnh bạc lá, khô vằn, nghẹt rễ... Trong quá trình chăm sóc lúa cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm sâu, bệnh để phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của chuyên ngành bảo vệ thực vật.

 

Nguồn: Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc