Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 26847 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học xã hội và Nhân văn
Một số phát hiện mới từ việc khai quật các di tích khảo cổ thời đại Đá cũ tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai năm 2016 (25/08/2016)
Tháng 6.2014, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã triển khai đề tài nghiên cứu cấp bộ: “Nghiên cứu hệ thống di tích khảo cổ học thời đại Đá vùng thượng du sông Ba ở tỉnh Gia Lai”. Kết quả nghiên cứu và khai quật đã phát hiện 5 di tích thời đại Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Cuối năm 2014, các di tích được thẩm định và đưa vào Chương trình hợp tác quốc tế Nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam giữa Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) giai đoạn 2015-2019.
Tháng 11.2015, di tích Gò Đá được khai quật lần thứ nhất; tháng 3.2016, di tích Gò Đá được khai quật mở rộng và khai quật mới di tích Rộc Tưng. Ngoài việc khai quật 2 di tích trên, năm 2016, đoàn khảo cổ học Việt - Nga còn tiến hành điều tra phát hiện mới một số di tích thời đại Đá cũ ở An Khê. Việc khai quật vừa kết thúc, các nhà khảo cổ đang tiến hành xử lý và nghiên cứu tư liệu, xây dựng báo cáo khoa học. Bài viết nêu lên một số kết quả sơ bộ nghiên cứu khảo cổ học năm 2016 tại An Khê và đưa ra một số nhận xét bước đầu từ kết quả này.
Kết quả khai quật di tích Gò Đá và Rộc Tưng
Di tích Gò Đá ở phường An Bình, thị xã An Khê, có tọa độ 13058’19,2” vĩ Bắc, 1080 39’5,1” kinh Đông, độ cao tuyệt đối 421,5 m so với mực nước biển, nằm ở bờ phải và cách sông Ba khoảng 1,5 km. Năm 2015, di chỉ được khai quật 20 m2, năm 2016 khai quật 4 hố với tổng diện tích là 74 m2.
Các hố khai quật có cấu trúc địa tầng giống nhau. Lớp chứa vết tích hoạt động của con người nằm dưới lớp đất canh tác và trên lớp sinh thổ, dày trung bình 10-25 cm. Đất tầng văn hóa thuộc loại sét lẫn nhiều sạn sỏi, đá quartz, đã bị laterit - vốn phong hóa từ đá granite tại chỗ (eluvi) và đôi nơi có hiện tượng rửa trôi (deluvi). Nhìn chung, tầng văn hóa còn tương đối nguyên vẹn.
Các nhà khảo cổ học Việt - Nga tại hiện trường khai quật
Trong các hố khai quật, đã tìm thấy 58 hiện vật đá, gồm: 9 mũi nhọn, 5 công cụ chặt kiểu chopper, 9 nạo, 2 hòn ghè, 6 công cụ mảnh tước, 3 công cụ hạch, 12 mảnh tước và 12 hạch đá. Hầu hết công cụ ở đây được làm từ đá quartz, màu trắng; tiêu biểu là loại công cụ chặt làm từ viên cuội to thô, những mũi nhọn lớn làm từ hạch đá quartz, nạo làm từ mảnh tước nhỏ. Trong hố khai quật này còn tìm thấy 21 mảnh tectit, phân bố trong lớp văn hóa chứa công cụ đá. Điều đó có nghĩa là, tectit rơi từ vũ trụ xuống đây khi tầng văn hóa đã và đang hình thành.
Di tích Rộc Tưng ở xã Xuân An, thị xã An Khê. Năm 2016, khai quật 2 trong số 12 địa điểm là Rộc Tưng 1 (diện tích 48 m2) và Rộc Tưng 4 (20 m2). Hai địa điểm này cùng trên một quả đồi, có độ cao tuyệt đối trên 440 m so với mực nước biển, nằm ở bờ trái và cách sông Ba 2,5 km. Di tích Rộc Tưng 1 có tọa độ 1402’15,2” vĩ Bắc, 108040’49,9” kinh Đông; Rộc Tưng 4 có tọa độ 1402’2,7” vĩ Bắc và 108040’35,7” kinh Đông.
Tầng văn hóa di tích Rộc Tưng 1 và 4 giống nhau và giống di tích Gò Đá, dày trung bình 30-35 cm, được bảo tồn khá tốt. Tại hố khai quật Rộc Tưng 1 đã tìm thấy 46 hiện vật đá, gồm: 1 công cụ ghè hết một mặt (uniface), 7 công cụ mũi nhọn, 2 công cụ nạo cắt, 1 công cụ chặt, 18 mảnh cuội có vết gia công, 4 mảnh tước và 13 hạch đá. Ở di tích Rộc Tưng 4 thu được 77 hiện vật đá, gồm 1 công cụ mũi nhọn, 4 công cụ nạo, 1 hòn ghè, 1 chopper, 14 hạch đá, 23 mảnh tước và 33 mảnh đá có vết ghè. Trong di tích Rộc Tưng 1 tìm thấy 102 mảnh tectit, ở Rộc Tưng 4 tìm thấy 25 mảnh tectit, đều nằm trong lớp chứa công cụ đá.
Một số phát hiện mới và nhận xét bước đầu
Trong thời gian khai quật ở An Khê, đoàn khảo cổ học Việt - Nga đã tiến hành khảo sát một số di tích đã biết trước đây như: Rộc Hương, Rộc Giáo, Rộc Lớn và Gò Đá, phát hiện mới di tích Rộc Nếp (xã Cửu An). Đoàn đã phát hiện mới 2 rìu tay (1 ở Rộc Giáo và 1 ở Rộc Lớn). Cùng với 2 rìu tay phát hiện trước đây là Rộc Tưng và Gò Đá, đến nay đã có một sưu tập 4 rìu tay tiêu biểu, điển hình cho rìu tay sơ kỳ Đá cũ thế giới. Đáng chú ý nhất là đã phát hiện 11 di tích Đá cũ sơ kỳ nằm xung quanh Rộc Tưng 1, chúng hợp thành một quần thể di tích Rộc Tưng trong thung lũng bồn địa xã Xuân An, An Khê.
Rìu tay ở Rộc Giáo (bên trái) và ở Rộc Lớn (bên phải)
Từ những phát hiện mới này, có thể đưa ra một số nhận xét bước đầu:
Về tính chất của di tích
Di tồn văn hóa duy nhất còn lại trong tầng văn hóa là công cụ lao động bằng đá do con người làm ra, sử dụng và lưu truyền lại, cùng các mảnh tectit rơi từ ngoài hành tinh vào Trái đất. Hiện chưa tìm thấy dấu tích bếp, mộ táng, xương răng động vật và di cốt người.
Trên mặt bằng tầng văn hóa Rộc Tưng 1, có hiện tượng tập trung cao các mảnh đá quartz và các tảng cuội sông, trong đó có công cụ lao động và các mảnh tectit. Có khả năng đây là kiến trúc mặt bằng nơi cư trú nguyên thủy, được tôn nền, chống lầy lội vào mùa mưa Tây Nguyên. Để kiểm định giả thuyết này, cần mở rộng diện tích khai quật, thu thập thêm bằng chứng.
Về kỹ nghệ công cụ đá
Tổ hợp công cụ đá ở các di tích đã khai quật có một số đặc điểm chung sau: Công cụ đá được làm từ cuội sông, suối, ghè đẽo thô sơ, chất liệu đá quartz, quartzite hoặc silic, kích thước lớn; được chế tác bằng kỹ thuật ghè đẽo trực tiếp (đá ghè đá), vết ghè to, thô đan xen nhau có hệ thống, một số hạch đá được gia công thành công cụ dạng hạch. Loại hình công cụ nổi bật là những mũi nhọn lớn hình khối tam diện, công cụ ghè hết một mặt, công cụ chặt thô dạng chopper, chopping; những công cụ nạo làm từ mảnh tước, hạch đá; đáng chú ý là các công cụ ghè hai mặt (biface), đặc biệt là những chiếc rìu tay (handaxes) được gia công với trình độ kỹ thuật và thẩm mỹ cao, đặc trưng cho rìu tay giai đoạn tối cổ của nhân loại - sơ kỳ thời đại Đá cũ.
Tổ hợp công cụ đá ở An Khê hội tụ đặc trưng của một phức hợp kỹ thuật: chopper - choping tool/mũi nhọn (Piks) hình khối tam diện (3 mặt) bifaces - handaxes. Trong đó, chopper - choping tool thường nổi bật cho khu vực châu Á, bifaces - handaxes nổi trội ở phương Tây, còn mũi nhọn hình khối tam diện chỉ thấy xuất hiện ở An Khê. Tổ hợp công cụ đá An Khê khác và cổ hơn sưu tập sơ kỳ Đá cũ hiện biết ở Việt Nam là Núi Đọ (Thanh Hóa) có niên đại 40 vạn năm và Xuân Lộc (Đồng Nai) có niên đại 60 vạn năm, đồng thời có nét gần với sưu tập sơ kỳ Đá cũ ở huyện Bách Sắc, Quảng Tây, Trung Quốc - nơi có niên đại là 80 vạn năm.
Niên đại và chủ nhân kỹ nghệ Đá cũ An Khê
Về niên đại, chúng ta cần đợi kết quả phân tích bằng phương pháp quang học kích thích phát quang OSL và phân tích tuổi chính các tectit ở đây. Trong quá trình nghiên cứu, những người khai quật dựa vào một số cơ sở sau để dự đoán niên đại: (1) các di tích khảo cổ An Khê đều nằm trên thềm cổ nhất sông Ba, có tuổi sơ kỳ Cánh tân (QI3), cách ngày nay trên dưới 1 triệu năm; (2) tuổi rơi của tectit chính là tuổi của di tích. Tectit Việt Nam nằm trong vùng trường Australia - Đông Dương, có tuổi 77-80 vạn năm. Hiện nay, hơn 20 mẫu tectit ở Việt Nam đã được phân tích niên đại, trong đó mẫu tectit ở thềm cổ sông Ba tại Cheo Reo, nằm cùng thềm với các di tích vùng An Khê có tuổi 77 vạn năm. Như vậy, tuổi của các chế phẩm bằng đá do con người làm ra ở An Khê phải cổ bằng hoặc hơn thế, có thể 80 vạn năm cách ngày nay.
Mảnh tước tại Rộc Tưng
ÂÂÂ Phân tích so sánh hình thái và kỹ thuật sưu tập công cụ đá An Khê với một số di tích sơ kỳ khác ở Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc, những người khai quật cho rằng, các chế phẩm tìm thấy ở An Khê có nhiều nét cổ xưa hơn. Tổ hợp công cụ và niên đại của di tích An Khê là tương đương với giai đoạn Người vượn đứng thẳng (Homo erectus) - là tổ tiên trực tiếp của người hiện đại (Homo sapiens) trên thế giới.
Về giá trị lịch sử - văn hóa các di tích Đá cũ An Khê
Lần đầu tiên giới khảo cổ học Việt Nam phát hiện nhóm các di tích sơ kỳ Đá cũ trong địa tầng nguyên vẹn, nằm cùng tectit, có tuổi 77-80 vạn năm cách ngày nay và cũng là di tích cổ nhất được biết hiện nay ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Các phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ ở An Khê là bằng chứng khẳng định, thượng lưu sông Ba, vùng An Khê, tỉnh Gia Lai là địa bàn sinh sống của cộng đồng cư dân cổ dạng người vượn đứng thẳng (Homo erectus) cách đây khoảng 80 vạn năm và cũng là mốc mở đầu cổ nhất hiện biết của lịch sử Việt Nam, bổ sung vào bản đồ quê hương đầu tiên của loài người, trong đó có Việt Nam.
Mảnh tectit tại Rộc Tưng
Trong một thời gian dài, do không có tài liệu khảo cổ học, nên đã tồn tại quan điểm đối lập về văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Theo đó, ở phương Tây sớm xuất hiện rìu tay, thể hiện cho sự tiến bộ, năng động của con người; còn phương Đông bảo lưu lâu dài công cụ cuội ghè đẽo thô sơ dạng chopper thể hiện cho khu vực bảo thủ, trì trệ, lạc hậu và hầu như không có đóng góp gì cho nhân loại. Những phát hiện công cụ ghè hai mặt và rìu tay ở An Khê không chỉ bác bỏ quan điểm sai trái này, mà còn bổ sung tư liệu mới vào bản đồ xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới.
Công cuộc khai quật nghiên cứu còn đang tiến hành, những tư liệu thu được có giá trị quan trọng cho việc biên soạn lịch sử quốc gia, làm cơ sở cho việc trưng bày tại các bảo tàng, xây dựng vùng An Khê thành trung tâm nghiên cứu lịch sử - văn hóa nhân loại ở tầm quốc gia và quốc tế, góp phần thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên nói chung và vùng đất An Khê nói riêng.
Đến hẹn lại lên, tháng 3.2017, đoàn khảo cổ học Việt - Nga sẽ trở lại An Khê để tiếp tục khai quật, nghiên cứu các di tích khảo cổ học sơ kỳ Đá cũ và hy vọng rằng, sẽ có nhiều khám phá mới về quê hương đầu tiên của nhân loại.
PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Phan Thanh Toàn
Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Nguồn: khoahocvacongnghevietnam.com.vn
- Nguồn gốc, ý nghĩa cụm từ "trước Công nguyên", "Công nguyên" (12/11/2024)
- 600 loài chim tuyệt chủng do con người, các hệ sinh thái tổn hại vô kể (15/10/2024)
- Tàu viên đạn Shinkansen thay đổi thế giới như thế nào? (07/10/2024)
- Cú nhảy dù thành công đầu tiên trên thế giới (13/09/2024)
- Mạng lưới đường hầm phòng ngự thành phố cổ 4.000 năm (27/08/2024)
- Bí ẩn hang động khổng lồ khảm hàng triệu vỏ nghêu, ốc, sò (20/08/2024)