Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 12078
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Thế giới

Mỹ: Sản xuất điện từ năng lượng tái tạo lần đầu vượt nhiệt điện than (03/06/2019)

Theo một báo cáo gần đây được công bố bởi Viện phân tích tài chính và kinh tế năng lượng Mỹ (IEEFA), lần đầu tiên ngành năng lượng tái tạo tạo ra nhiều điện hơn nhiệt điện than trong tháng 4/2019. Đây là một thời khắc bước ngoặt đối với năng lượng tái tạo. Sự chuyển dịch trong ngành điện của nước Mỹ rõ ràng là một hiện tượng.

 

Ảnh minh họa: Franck Reportergetty Images.

 

Than, từ lâu là nguồn đóng góp chính của ngành điện, vị trí này sau đó thuộc về khí đốt tự nhiên - một loại nhiên liệu hóa thạch đốt sạch hơn nhiều. Hiện nay, sản xuất nhiệt điện than đang phải đối mặt với áp lực từ năng lượng gió và mặt trời.

 

"5 năm trước, không mấy ai dám nghĩ tới viễn cảnh này. Quá trình chuyển đổi đang diễn ra trong lĩnh vực điện ở Hoa Kỳ đã trở nên phi thường", Dennis Wamstead, nhà phân tích nghiên cứu tại IEEFA, cho biết. Thậm chí một thập kỷ trước, năng lượng tái tạo của Mỹ còn rất ít. Nhưng một làn sóng đầu tư - đầu tiên là năng lượng gió và sau đó là năng lượng mặt trời - đã làm cho các công nghệ mới này rẻ hơn rất nhiều. Đồng thời, nhận thức ngày càng tăng về biến đổi khí hậu đã khiến nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình và cơ quan lập pháp nhà nước Mỹ yêu cầu năng lượng sạch hơn.

 

Báo cáo của IEEFA đã trích dẫn số liệu thống kê của chính phủ Mỹ cho thấy rằng năng lượng tái tạo (thủy điện, sinh khối, gió, mặt trời và địa nhiệt) sẽ vượt năng lượng than trong tháng 5/2019 và trong giai đoạn còn lại của năm 2019 và sang 2020. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ nhận định, năm nay năng lượng tái tạo có thể sẽ bắt đầu tạo ra nhiều năng lượng hơn so với 240 GW điện than than hiện nay. Tại Mỹ, năng lượng tái tạo vượt năng lượng điện than là ngoài dự kiến. Thực tế chỉ đến năm 2016, than mới bị khí đốt tự nhiên vượt qua để trở thành nguồn năng lượng số 1 của Mỹ.

 

Việc sản lượng điện tái tạo tăng cũng có thể thay thế lượng điện lớn thiếu hụt trong quá trình bảo trì các nhà máy điện than, hoặc các nhà máy điện than bổ sung lượng điện khi sản xuất điện tái tạo phụ thuộc theo mùa. Tại Mỹ, một số nhà máy than ngừng hoạt động để bảo trì trong mùa xuân khi nhu cầu điện thấp. Mùa xuân cũng có xu hướng là một thời kỳ thủy điện và năng lượng gió có mức sản xuất điện cao.

 

Theo số liệu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA) được công bố đầu năm nay, năng lượng tái tạo của Mỹ được dự báo là nguồn năng lượng phát triển nhanh nhất trong sản xuất điện trong 2 năm tới. Đồng thời, điện than tiếp tục giảm nhanh chóng. Tổng sản lượng điện than đã giảm từ 45% trong năm 2010 xuống còn 28% vào năm 2018. Và dự kiến sẽ giảm xuống chỉ còn 24% vào năm 2020. Bất chấp lời hứa của Tổng thống Donald Trump sẽ làm trẻ hóa ngành công nghiệp than bằng cách cắt giảm quy định, lượng điện than của Mỹ vẫn tiếp tục giảm. Tiêu thụ than của Mỹ giảm khoảng 4% trong năm 2018 để xuống mức thấp nhất kể từ năm 1979, theo EIA.

 

Vấn đề đối với than là kinh tế. Các nhà máy điện than của Mỹ đã cũ, trung bình đã hoạt động được khoảng 40 năm, theo Wamstead. Các nhà máy điện than thường tồn tại trong khoảng từ 40 đến 60 năm. Khi đã có thời gian sử dụng lâu năm, các nhà máy này đòi hỏi phải được bảo trì và sửa chữa nhiều hơn, làm cho năng lượng tái tạo trở nên hấp dẫn hơn nhiều. Một số công ty điện lực đang từ bỏ các nhà máy điện than để chuyển sang nguồn sản xuất điện thân thiện với môi trường hơn. Chẳng hạn, Công ty Xcel Energy (XEL) đã đóng cửa 1/4 các nhà máy điện than của mình và có kế hoạch cung cấp điện không carbon vào năm 2050 - một mục tiêu đầy tham vọng sẽ cần nhiều năng lượng gió và mặt trời.

 

Nguồn: NASATI/www.vista.gov.vn

Cập nhật: 27/5/2019