Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 60585
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Thế giới

Mỹ và EU dự định đầu tư tổng cộng 100 tỷ USD cho ngành bán dẫn (14/07/2023)

Theo tổ chức nghiên cứu ChipInsights của Trung Quốc, khoảng 30% tổng doanh số bán hàng của ba nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip lớn nhất nước Mỹ vào năm ngoái là tại Trung Quốc.

Ảnh minh họa (Nguồn: AFP).

Liên minh châu Âu (EU) và chính quyền vùng Flanders của Bỉ ngày 7/7 công bố kế hoạch đầu tư chung trị giá 1,5 tỷ euro (khoảng 1,66 tỷ USD) cho Tập đoàn Nghiên cứu Công nghệ Sản xuất chip IMEC của Bỉ, một trong những trung tâm công nghệ số và nano hàng đầu của châu Âu.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, Bộ trưởng-Thủ hiến vùng Flanders, ông Jan Jambon, khẳng định đây là một khoản đầu tư hợp lý và hiệu quả, sẽ mang lại lợi ích trên cả khía cạnh tài chính và xã hội.

Trước đó, Chủ tịch Rapidus, Tetsuro Higashi, cho rằng công ty này - có sự hỗ trợ của chính phủ được thành lập vào tháng 8/2022, có thể nhanh chóng tăng tốc trước các tập đoàn như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Samsung Electronics của Hàn Quốc, với sự hỗ trợ của chính phủ và các nhà sản xuất thiết bị trong nước.

Rapidus đang đầu tư hàng tỷ USD cho việc xây dựng nhà máy sản xuất chip dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2027, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản.

Theo những người đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất chip, ngay cả khi các chính phủ ở Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đang nỗ lực gia tăng năng lực sản xuất, Rapidus có thể là nhà sản xuất có quyết định táo bạo nhất trong lĩnh vực này, khi đặt mục tiêu sản xuất chip 2 nm chỉ hai năm sau TSMC và Samsung.

Vai trò dẫn đầu trong sản xuất chip, năng lực sản xuất các loại chip tiên tiến nhất, trong nhiều năm thuộc về ba tập đoàn là TSMC, Samsung và Intel. Các đối thủ đều không thể theo kịp về nguồn vốn và trình độ của ba doanh nghiệp này và hiện ngay cả Intel cũng đang gặp những khó khăn.

Nhà phân tích tại Công ty Nghiên cứu Omdia, Akira Minamikawa, cho rằng những gì Rapidus đang nỗ lực hướng tới vô cùng thách thức, nhưng không hoàn toàn là không thể, nhờ sự phối hợp với các đối tác trên toàn cầu.

Nhật Bản đang nỗ lực quay ngược thời gian về những năm 1980 và 1990, khi nước này là nơi tập trung các nhà máy tiên tiến nhất trong lĩnh vực sản xuất chip. Dù vậy, các công ty của Nhật Bản như NEC, Toshiba và các tên tuổi khác theo thời gian đã không dám mạo hiểm để duy trì những lợi thế của mình.

Trong khi đó, các nhà cung cấp thiết bị và vật liệu sản xuất chip của Trung Quốc có kế hoạch chi 50 tỷ NDT (7,26 tỷ USD) với sự hỗ trợ từ nhà nước để củng cố chuỗi cung ứng trong nước.

Tại một hội nghị về chuỗi cung ứng chip diễn ra gần đây ở Quảng Châu (Trung Quốc), ông Chiu Tzu-Yin, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Silicon Quốc gia (NSIG), nói: "Chúng ta không thể tránh khỏi việc phải tách rời khỏi chất bán dẫn. Đây sẽ là cơ hội lớn nhất cho các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất máy móc và vật liệu sản xuất."

Khi việc nhập khẩu máy sản xuất chip do nước ngoài sản xuất bị chậm lại do các hạn chế của Mỹ, các công ty Trung Quốc chuyên sản xuất thiết bị và vật liệu sản xuất chip đã được chú ý nhờ các gói trợ cấp và đầu tư dưới sự bảo trợ của Chính phủ theo sáng kiến Made in China 2025.

Theo báo cáo của truyền thông Trung Quốc, khoảng 35% nhà máy bán dẫn Trung Quốc sử dụng thiết bị nội địa vào năm 2022, tăng từ mức tương ứng 21% của năm 2021. Một công ty môi giới Trung Quốc cho biết, các công ty trong nước đã giành chiến thắng trong gần một nửa số lần đấu thầu công khai về mua thiết bị của các nhà sản xuất chip hàng đầu tại Trung Quốc vào năm 2023.

David Wang, Giám đốc điều hành của ACM Research, chuyên về thiết bị làm sạch wafer, cho biết: “Xung đột chính trị toàn cầu có thể sẽ mở ra một thời kỳ hoàng kim cho lĩnh vực máy móc sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc."

Doanh thu từ việc bán thiết bị sản xuất chip ở Trung Quốc đạt tổng cộng 52 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái, gấp khoảng sáu lần so với năm 2017. Khoảng 62 tỷ nhân dân tệ vật liệu sản xuất chip cũng đã được bán vào năm 2022, gần gấp ba con số của năm 2017. Doanh thu của NSIG đã tăng gần gấp 5 lần trong khoảng thời gian đó và tập đoàn này đã huy động được 10 tỷ nhân dân tệ chỉ riêng trong năm ngoái.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters).

Trung Quốc có kế hoạch hỗ trợ hơn nữa cho các công ty sản xuất thiết bị và vật liệu sản xuất chip trong nước trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng với Mỹ.

Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về doanh số bán thiết bị sản xuất chip trong năm thứ ba liên tiếp vào năm 2022, mặc dù đã giảm 5% so với năm 2021. Nhu cầu của ngành này dự kiến sẽ tăng vào năm 2023, đặc biệt là khi các nhà sản xuất chip Trung Quốc dự báo về các hạn chế xuất khẩu mới của Mỹ.

Bên cạnh đó, các công ty nước ngoài cũng đang để mắt đến các cơ hội ở Trung Quốc, thị trường chip lớn nhất thế giới.

Theo tổ chức nghiên cứu ChipInsights của Trung Quốc, khoảng 30% tổng doanh số bán hàng của ba nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip lớn nhất nước Mỹ vào năm ngoái là tại Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, ngành chip nổi bật với tính chất dễ biến động, khi cung và cầu trên thị trường này thường trồi sụt theo sự tăng giảm của nền kinh tế thế giới. Vai trò trung tâm của chip trong chuỗi cung ứng toàn cầu được thể hiện rõ nét trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19.

Các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đã làm gián đoạn nguồn cung chip từ châu Á, khiến cho nhu cầu chip - ở thời điểm đó đang tăng mạnh trước xu hướng làm việc, mua sắm và giải trí trực tuyến, không được đáp ứng.

Theo Công ty Kiểm toán Deloitte, hơn 80% hoạt động sản xuất bán dẫn đang diễn ra ở châu Á, và tỷ lệ này có thể giảm xuống còn 50% vào năm 2030, trong bối cảnh Mỹ và EU đang dự định đầu tư tổng cộng 100 tỷ USD cho ngành bán dẫn để có thể tự chủ hơn trong nguồn cung sản phẩm quan trọng này./.

Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Ngày cập nhật: 08/7/2023

https://www.vietnamplus.vn/my-va-eu-du-dinh-dau-tu-tong-cong-100-ty-usd-cho-nganh-ban-dan/873814.vnp