Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 23887 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Tin KH & CN Hải Phòng
Nâng cao sự đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp TFP vào GDP của thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (03/03/2014)
Sở Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố “Đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao sự đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp TFP vào GDP của thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Đề tài do TS. Nguyễn Xuân Quang, Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn - Sở KH&CN làm chủ nhiệm. Tiến sỹ Nguyễn Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố làm Chủ tịch Hội đồng đánh giá. Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Đình Bích.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì Hội nghị
TFP là chỉ tiêu đo lường năng suất của đồng thời cả “lao động” và “vốn” trong một hoạt động cụ thể hay cho cả nền kinh tế. TFP phản ánh sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Qua đó, sự gia tăng đầu ra không chỉ phụ thuộc vào số lượng mà còn tùy thuộc vào chất lượng của các yếu tố đầu vào là lao động và vốn. Cùng với lượng đầu vào như nhau, lượng đầu ra có thể lớn hơn nhờ vào việc cải tiến chất lượng của lao động, vốn và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực này. Vì vậy, tăng TFP gắn liền với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cải tiến phương pháp quản lý, nâng cao tay nghề…
Bên cạnh việc chỉ ra ý nghĩa và giá trị đích thực của TFP đối với sự phát triển của nền kinh tế, nhóm tác giả cũng chỉ ra rằng: kinh tế Hải Phòng bên cạnh những thành tựu đã đạt được còn bộc lộ một số yếu kém (tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, tốc độ tăng trưởng tuy cao nhưng là kết quả chủ yếu của việc gia tăng vốn đầu tư và thâm hụt nguồn lao động, tăng cường khai thác và sử dụng tài nguyên…). Trong khoảng từ năm 2001 đến năm 2010 đóng góp trong GDP của vốn đầu tư chiếm gần 57%, tuy nhiên, đóng góp của TFP chỉ khoảng 27,78%. Qua đó, nhận định, tăng trưởng kinh tế của thành phố còn lệ thuộc vào mức gia tăng vốn đầu tư và đây là sự phát triển không bền vững.
Để thoát khỏi tình trạng này, nhóm tác giả cho rằng, Hải Phòng cần đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, gia tăng sự đóng góp của nhân tố TFP vào GDP của nền kinh tế.
Một số giải pháp được nhóm tác giả đề xuất để nâng cao sự đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp TFP vào GDP của thành phố gồm: Nhóm giải pháp về nâng cao nhận thức, đào tạo đội ngũ cán bộ về năng suất. chất lượng; Nhóm giải pháp tác động vào các thành tố tạo nên TFP (nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thay đổi cơ cấu kinh tế, điều chỉnh cơ cấu lao động, điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, tăng nhu cầu hàng hóa dịch vụ); Ngoài ra còn có các giải pháp hỗ trợ khác (đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kích cầu tiêu dùng, phát triển đồng bộ các loại thị trường…).
Đề tài cũng khuyến nghị, để phát triển công nghệ cao, thành phố cần nghiên cứu, thành lập “Quỹ phát triển kỹ năng”, thu một khoản thuế bằng 1% tổng tiền lương từ các doanh nghiệp để trợ cấp đào tạo cho những người lao động lương thấp; Hải Phòng nên chuyển từ mô hình tăng trưởng cân đối sang mô hình không cân đối nhằm phát huy lợi thế của thành phố.
Kết quả nghiên cứu của đề tài được Hội đồng đánh giá ghi nhận và nhấn mạnh có thể dùng để tham khảo, lựa chọn áp dụng trong thực tế phục vụ công tác xây dựng, hoạch định các chính sách của thành phố, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng của Hải Phòng thời gian tới.
Nguyễn Lưu
- Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong quản lý tổng hợp một số sinh vật chính gây hại trên... (08/05/2025)
- Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ chào cờ, sinh hoạt chính trị dưới cờ tháng 5 (06/05/2025)
- Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ khai thác nước thấm lọc từ sông ở Việt... (28/04/2025)
- Hưởng ứng giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam lần thứ 8/2025 “Vì một Việt Nam số” (05/05/2025)
- Hỗ trợ 04 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn ISO 14061-1:2018 (28/04/2025)
- Nghiên cứu tách chiết hoạt chất β-Glucan từ bã men bia nhằm ứng dụng nâng cao hiệu... (26/04/2025)