Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 17426
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học nông nghiệp

Nâng dần tỷ trọng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (28/07/2014)

Nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn hơn để hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này đặt ra yêu cầu về ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng hiệu quả, khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng.…

Các loại hoa được trồng trong nhà kính ở Đà Lạt với

công nghệ và quy trình nghiêm ngặt đã cho hiệu quả cao.

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có 29 khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) được xây dựng và đưa vào quy hoạch tại 12 tỉnh, thành phố, qua đó đã hình thành một số mô hình phát triển NNCNC, làm tiền đề cho việc phát triển các vùng NNCNC như mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh tại TP.HCM, Bắc Ninh, Lâm Đồng; mô hình sản xuất nấm quy mô trang trại tại Vĩnh Phúc…. Ngoài ra, đã hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sữa tại Hà Nội, Nghệ An, TP.HCM; vùng trồng chè theo công nghệ của Đài Loan tại Thái Nguyên, Lâm Đồng…. Cùng với đó là hàng loạt công nghệ mới như tạo giống, nhà kính, nhà lưới, vườn ươm, kho mát bảo quản, đóng gói rau, hoa trình độ cao với phương thức, kỹ thuật và quy trình sản xuất đồng bộ giúp nâng cao năng suất, ổn định giá thành và chất lượng sản phẩm; giá trị sản xuất đạt 500 triệu - 1 tỷ đồng/ha.…

Cụ thể như tại TP.HCM, Công ty liên doanh Hạt giống Đông Tây đã đầu tư được trại sản xuất hạt giống rau F1 đạt tiêu chuẩn cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Còn tại tỉnh Lâm Đồng, đến hết năm 2013 đã có gần 35 nghìn ha đất sản xuất NNCNC với giá trị sản xuất rau cao cấp đạt bình quân 400 triệu đồng/ha; hoa cao cấp đạt 800 triệu - 1 tỷ đồng/ha, đặc biệt là các loại hoa được trồng trong nhà kính ở Đà Lạt với công nghệ và quy trình nghiêm ngặt cho hiệu quả cao. Tại tỉnh Sơn La, dự án khu NNCNC cũng đã được triển khai xây dựng tại huyện Mộc Châu với quy mô 200ha, áp dụng các công nghệ tiên tiến như trồng rau bằng kỹ thuật thủy canh; trồng một số loại rau, hoa nhập ngoại và canh tác trên đất có phủ màng hoặc trên giá thể không đất; công nghệ nuôi cấy mô cho rau, hoa lily, hoa lan. Hàng loạt các quy trình như sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, thiết bị tưới phun, tưới nhỏ giọt, điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, chất dinh dưỡng, nước… đều đã được đầu tư đồng bộ, tự động hóa.…

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn - Ban Kinh tế Trung ương nhận định: Những kết quả nghiên cứu, đầu tư ứng dụng công nghệ cao đã có đóng góp quan trọng làm tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp cho Việt Nam trong một vài năm qua. Tuy nhiên, hoạt động của các khu NNCNC còn rất hạn chế do đầu tư chưa đồng bộ, tập trung; cơ chế hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp còn thiếu tính hấp dẫn, tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. “Bên cạnh đó, việc lựa chọn mô hình, sản phẩm, công nghệ để sản xuất chưa phù hợp; chi phí vận hành quá cao dẫn đến sản xuất không hiệu quả. Một số khu NNCNC ở Hải Phòng, Hà Nội… được đầu tư hàng chục tỷ đồng để nhập công nghệ trọn gói của nước ngoài nhưng chưa được thành công như mong muốn” - ông Tiến nói.

Do vậy, cùng với việc tổ chức bài bản, khoa học để sản xuất NNCNC từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tới đây, các địa phương, doanh nghiệp cần xem xét đầu tư hợp lý để không chỉ ứng dụng được công nghệ tiên tiến vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp của địa phương mà còn có thể phát huy được những thế mạnh về tài nguyên đất đai, điều kiện tự nhiên sẵn có.

Một vấn đề khác được đặt ra là bảo vệ bản quyền giống trong quá trình triển khai NNCNC, bởi theo ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Agrivina: Mặc dù Việt Nam đã là thành viên của Hiệp hội Quốc tế bảo vệ bản quyền giống cây trồng mới (UPOV) từ năm 2006, nhưng đến nay việc bảo vệ bản quyền vẫn không được thực hiện nghiêm túc. Ông Bảo cho biết: Hiện một số doanh nghiệp và nhất là các hộ nông dân tại tỉnh Lâm Đồng sử dụng giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tùy tiện nhân giống dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đồng thời làm ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, lai tạo và sản xuất các loại giống rau, hoa mới của doanh nghiệp.…

Trong thời gian tới, phát triển NNCNC cần tập trung vào các mục tiêu trọng tâm như: Chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi; phát triển số lượng doanh nghiệp và cung ứng dịch vụ NNCNC, đặc biệt là tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp NNCNC.

Mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2015, theo ông Nguyễn Tấn Hinh - Vụ phó Vụ Khoa học công nghệ và môi trường - Bộ NN&PTNT, là sẽ từng bước xây dựng và hình thành cho được nền NNCNC, trong đó, trọng tâm là phát triển số doanh nghiệp NNCNC và vùng sản xuất, phấn đấu đến năm 2015, mỗi tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm sẽ xây dựng được từ 3-5 doanh nghiệp, 2-3 vùng sản xuất NNCNC, qua đó từng bước sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao; nâng tỷ trọng giá trị sản xuất NNCNC chiếm từ 10-15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp cả nước.

Nguồn: Báo Công Thương