Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5669
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Thế giới

Nga phê chuẩn vắcxin thứ hai mang tên EpiVacCorona (15/10/2020)

Vắcxin thứ hai mang tên EpiVacCorona do Trung tâm Nghiên cứu virus học Vektor ở Siberia bào chế dựa trên peptit có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Tiêm thử nghiệm vắcxin Sputnik V ngừa COVID-19 cho tình nguyện viên tại Moskva, Nga ngày 10/9/2020.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/10 thông báo Nga đã phê chuẩn vắcxin thứ hai ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu tại một cuộc họp chính phủ, ông Putin đã bày tỏ chúc mừng các nhà khoa học nước này. Ông nói: "Chúng ta cần tăng sản xuất vắcxin thứ nhất và thứ hai. Chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác nước ngoài và quảng bá vắcxin của mình ra thế giới".

Trước đó, hồi tháng 8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vắcxin ngừa COVID-19, mang tên Sputnik V.

Vắcxin thứ hai mang tên EpiVacCorona do Trung tâm Nghiên cứu virus học Vektor ở Siberia bào chế.

Vắcxin này được điều chế dựa trên peptit có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch. Nga dự định sản xuất lô vắcxin EpiVacCorona đầu tiên gồm 10.000 liều, bắt đầu vào tháng 11 tới.

Theo Bộ Y tế Nga, khoảng 400 bệnh nhân có nguy cơ cao đã được tiêm vắcxin Sputnik V.

Trong khi đó, tại Anh, cơ quan an ninh MI5 cho biết đang nỗ lực bảo vệ công trình nghiên cứu vắcxin ngừa COVID-19 của nước này chống lại "các thế lực thù địch" đang tìm cách đánh cắp hoặc phá hỏng dữ liệu nghiên cứu trong cuộc chạy đua tìm vắcxin toàn cầu.

Hiện vắcxin của Đại học Oxford phối hợp với công ty dược phẩm AstraZeneca đang trong các giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, trong khi một vắcxin khác của Đại học Imperial London đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên.

Phát biểu với báo giới, Tổng Giám đốc MI5 Ken McCallum cho biết: "Rõ ràng cái giá toàn cầu của việc sở hữu một vắcxin đầu tiên có thể sử dụng được để chống lại loại virus chết người này là rất lớn... và có một loạt mối đe dọa đối với công trình nghiên cứu vắcxin."

Cùng ngày, Ngoại trưởng Indonesia Retno Masrudi cho biết AstraZeneca sẽ cung cấp cho nước này 100 triệu liều vắcxin vào năm 2021. Theo bà Retno, Bộ Y tế Indonesia đã ký một thư ngỏ với AstraZeneca và lô hàng đầu tiên sẽ được giao vào nửa đầu năm sau.

Trong một diễn biến khác, Đức đã đặt đơn sản xuất bổ sung 6 triệu liều vắcxin phòng cúm để tăng số người được tiêm phòng, qua đó giảm nguy cơ cùng lúc bùng phát dịch cúm và dịch COVID-19 và bảo vệ hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Phát biểu tại họp báo ngày 14/10, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết quốc gia với 83 triệu dân này sẽ có tổng cộng 26 triệu liều vắcxin cúm bổ sung. Theo ông Spahn, con số này gần gấp đôi số vắcxin đã sử dụng trong mùa cúm năm ngoái.

Bộ trưởng Spahn cũng cho biết thêm việc tiêm phòng mang tính tình nguyện tại Đức, và đối với vắcxin ngừa COVID-19 cũng vậy.

Tuy nhiên, ông kêu gọi mọi người cân nhắc nguy cơ cao có thể xảy ra để đi tiêm phòng cúm nhằm bảo vệ tính mạng và tránh cho hệ thống y tế công rơi vào tình trạng quá tải vì dịch.

Theo ông Spahn, vắcxin phòng cúm sẽ được phân phát trong vài tháng tới. Đợt đầu tiên sẽ có 500.000 liều dành cho những người trên 65 tuổi. Ông cũng đảm bảo sẽ không thiếu nguồn cung.

Đức hiện đứng thứ 6 châu Âu về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với 335.679 ca, trong đó có 9.740 ca tử vong.

Theo thống kê của Viện Y tế Robert Koch (RKI), vào mùa cúm tại Đức có từ 2-14 triệu người mắc bệnh. Trong mùa cúm năm 2017/2018, số ca tử vong vì bệnh cúm ở nước này lên tới 25.000.

Liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi các nước thành viên trong mùa Hè này khởi động các chiến dịch tiêm phòng cúm sớm và tăng cường hơn./.

Nguồn: Bích Liên/vietnamplus.vn

Ngày cập nhật: 14/10/2020

https://www.vietnamplus.vn/nga-phe-chuan-vacxin-thu-hai-mang-ten-epivaccorona/669303.vnp