Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 14692
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Nghiên cứu bảo tồn bãi giống định cư một số loài hải sản kinh tế, quý hiếm ở vùng biển Hải Phòng (25/11/2024)

Đây là đề tài do Viện Nghiên cứu Hải sản chủ trì, ThS. Bùi Minh Tuấn làm chủ nhiệm, được đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện vào sáng 23/11 tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Thanh Tùng làm Chủ tịch Hội đồng.

Bên cạnh những nghiên cứu về cơ sở lý luận các vấn đề có liên quan, đề tài cũng nghiên cứu xác định bãi giống định cư, diễn biến sinh thái bãi giống định cư, các yếu tố tác động đến các bãi giống định cư của một số loài hải sản kinh tế quý hiếm ở vùng biển Hải Phòng, từ đó đề xuất giải pháp bảo tồn tại chỗ các bãi giống định cư có sự tham gia của cộng đồng. Theo đó, đã xác định được 6 bãi giống tại vùng biển Bạch Long Vĩ, 11 bãi giống tại vùng biển Long Châu, 17 bãi giống tại vùng biển Cát Bà với diện tích các bãi giống nhỏ nhất là 90m2, diện tích bãi giống lớn nhất là 5.000m2; mật độ phân bố từ vài cá thể đến hơn 100 cá thể/m2. Trong đó, bãi giống Hải sâm đen, Ốc đụn đốm, Cầu gai so và Vẹm xanh là những bãi có diện tích phân bố lớn, mật độ cao và có giá trị kinh tế. Nghiên cứu cũng đã xây dựng được tiêu chí xác định bãi giống định cư tại vùng biển Hải Phòng và loài Hải sâm đen, Ốc đụn đốm, Cầu gai so và Vẹm xanh. Tại vùng biển Bạch Long Vĩ ghi nhận 03 bãi giống gồm Hải sâm đen và Ốc đụn đốm; vùng biển Long Châu ghi nhận 06 bãi giống gồm Hải sâm đen, Ốc đụn đốm và Vẹm xanh; vùng biển Cát Bà ghi nhận 01 bãi giống Vẹm xanh. Nghiên cứu cũng xác định được mùa vụ hình thành bãi giống của loài Hải sâm đen từ tháng 4 đến tháng 8, bãi giống Ốc đụn từ tháng 4 đến tháng 6, bãi giống Cầu gai và bãi giống Vẹm xanh từ tháng 4 đến 7 và sức sinh sản tuyệt đối, tương đối trung bình của chúng.  Theo nghiên cứu, sự thay đổi về hình thái và khả năng phát tán giống của các loài Hải sâm đen, Ốc đụn đốm, Cầu gai và Vẹm xanh đều chủ yếu phụ thuộc vào dòng hải lưu trong giai đoạn ấu trùng bơi tự do và chủ yếu di chuyển trong phạm vi hẹp quanh khu vực bám đáy.

Đại diện Ban chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đánh giá được các yếu tố tác động đến bãi giống định cư dựa trên tình hình khai thác nguồn giống, thương phẩm các loài hải sản kinh tế quý hiếm đến khu vực bãi giống định cư ở vùng biển Hải Phòng; tác động của hoạt động kinh tế - xã hội tới bãi giống định cư; tác động của biến đổi thiên tai, khí hậu và khả năng thích ứng của một số loài hải sản kinh tế quý hiếm tại vùng biển Hải Phòng; đặc điểm môi trường nước và tác động của cộng đồng ngư dân đến bãi giống, bãi đẻ và môi trường sống của một số loài hải sản kinh tế quý hiếm tại vùng biển Hải Phòng... Từ đó, đề xuất xuất giải pháp bảo tồn tại chỗ các bãi giống định cư, gồm: Quản lý, khai thác bền vững bãi giống định cư có sự tham gia của cộng đồng; Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương; Giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu tại các vùng biển có sự tham gia của cộng đồng; Giảm thiểu sự ảnh hưởng môi trường sống của các loài kinh tế quý hiếm và bãi giống định cư của chúng; Tuyên truyền, giáo dục cộng đồng; Khoa học kỹ thuật bảo tồn bãi giống định cư có sự tham gia của cộng đồng.

Với kết quả nghiên cứu trên, Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài đề nghị Ban chủ nhiệm làm rõ căn cứ lựa chọn đối tượng các loài hải sản kinh tế, quý hiếm và bổ sung các thông tin về: đánh giá tình hình khai thác các đối tượng trong nghiên cứu; tọa độ mặt cắt, trạm, điểm khảo sát; chi tiết hơn các lớp thông tin trong bản đồ xác định các vùng, bãi giống định cư; xác đinh các bãi giống định cư cần khoanh vùng bảo vệ… trước khi trình thành phố nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài./.

Nhật Hạ