Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 235
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học kỹ thuật và công nghệ

Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ đồng bộ cận và sau thu hoạch nhằm cải thiện chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản đối với quả vải thiều (24/02/2017)

          Vải thiều là một trong những loại cây trồng đặc sản được trồng ở nhiều tỉnh thành phía Bắc nước ta. Vải thiều chứa nhiều hàm lượng dinh dưỡng, kim ngạch xuất khẩu cao. Tuy nhiên, quả vải có nhược điểm là thời gian thu hoạch ngắn lại không để được lâu do dễ bị thối hỏng, thường xuyên bị nứt vỏ quả nên mẫu mã rất xấu và dễ bị nâu hóa sau thu hoạch 24- 36 giờ dẫn đến quả vải bị giảm giá trị thương phẩm, khó xuất khẩu và cạnh tranh. Mặc dù đã có một số biện pháp cải thiện chất lượng, đưa vào sấy khô, chế biến nước quả ép nhưng chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa tạo được chỗ đứng trên thị trường.

          Hiện đã có một số nghiên cứu ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật đối với quả vài đã được tiến hành nghiên cứu và bước đầu cho nhiều kết quả khả quan như việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật (giống, thâm canh....) trước thu hoạch hay một số công nghệ bảo quản sau thu hoạch phù hợp đã phần nào nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian tồn trữ quả tươi sau thu hái. Tuy nhiên các nghiên cứu này mới chỉ là những nghiên cứu độc lập, đơn lẻ, chưa có sự gắn kết đồng bộ và chưa tác động cùng lúc các biện pháp kỹ thuật vào các giai đoạn trước, cận và sau thu hoạch cho quả vải. 

          Việc thu hoạch, đóng gói, bảo quản, vận chuyển hiện vẫn chủ yếu là biện pháp thủ công. Công nghệ xử lý còn lạc hậu, theo phương pháp truyền thống, chất lượng bảo quan chưa cao, thời gian bảo quản ngắn, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Các biện pháp bảo quản bằng hóa chất bị người dân sử dụng bừa bãi, không tuân thủ các quy định yêu cầu về an toàn thực phẩm dẫn đến mất niềm tin ở người tiêu dùng. Đây cũng chính là khâu yếu kém nhất trong sản xuất cây ăn quả nói chung và vải thiều nói riêng và là nguyên nhân làm giảm hiệu quả trồng trọt của các địa phương trồng vải. 

          Đối với biện pháp bảo quản, vận chuyển như đóng trong bao bì chất dẻo, xử lý hóa chất bảo quản, bảo quản lạnh, đóng thùng xốp có đá để vận chuyển tiêu thụ tươi.... đã duy trì được chất lượng thương phẩm 5- 7 ngày, nhưng hiện tượng biến màu vở quả sau khi ra kho vẫn diễn ra nhanh không kiểm soát được.

          Để có thể giải quyết được những thực tế tồn đọng trên, nhóm nghiên cứu do ThS. Nguyễn Thị Thùy Linh, Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ đồng bộ cận và sau thu hoạch nhằm cải thiện chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản đối với quả vải thiều” với phạm vi bao gồm: Nghiên cứu đồng bộ các biện pháp xử lý trong giai đoạn trước và cận thu hoạch cho cây vải thiều; Biện pháp kỹ thuật trong thu hái và xử lý sau thu hái quả vải thiều cho mục đích tiêu thụ tươi và bảo quản; Quy trình công nghệ đồng bộ trong bảo quản vải thiều. Xây dựng mô hình bảo quản vải thiều theo công nghệ mới không sử dụng hóa chất độc hại. Đánh giá hiệu quả mô hình bảo quản vải thiều. 

          Các kết quả nghiên cứu đạt được sau 3 năm (1/2014 - 12/2015) thực hiện của nhóm nghiên cứu như sau:

          - Đã hoàn thành việc khảo sát, đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp khắc phục trong các khâu chăm sóc, xử lý, thu hái, bảo quản và tiêu thụ quả vải thiều trên địa bàn các xã Giáp Sơn, Hồng Giang, Trù Hựu, Nghĩa Hổ, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Phun kết hợp phân bón lá Multipholate nồng độ 2,0 g/l (phun hai lần vào thời điểm sau đậu quả 30-35 ngày và 40-45 ngày) và chất điều hóa sinh trưởng Retain (AVG) nồng độ 0,83 g/l (phun 1 lần vào thời điểm sau đậu quả 65-70 ngày).
          - Thời điểm thu hoạch thích hợp của quả vải thiều vào khoảng ngày thứ 90-95 sau khi đậu quả. Xử lý lạnh sơ bộ cho quả vải thiều ngay sau khi thu hái bằng nước đá 5±2oC bổ sung dung dịch NaClO 0,05 % trong thời gian 3 phút sau đó đóng trong thùng xốp loại 30 kg, lót túi PE để vận chuyển.
          - Xông 1-MCP với nồng độ 700 ppb, thời gian 10 giờ và tinh dầu sả nồng độ 0,2%, thời gian 30 ngày sau đó bao gói bằng túi LDPE đục lỗ 0,2% diện tích (khối lượng 2 kg/túi). Bảo quản lạnh ở nhiệt độ 4±1oC, độ ẩm 85-90%. Xử lý ra kho hạn chế nâu hóa quả vải thiều trong dung dịch axit xitric 0,3%, thời gian 2 phút. Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cơ sở cho quả vài thiều sau bảo quản. 


          Như vậy, đề tài nghiên cứu được xem là một hướng nghiên cứu sản xuất tiên tiến. Từ các kết quả này sẽ tạo tiền đề và tăng năng lực trong việc nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc và bảo quản các loại rau quả khác nhằm có thể tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu quả tươi sẵn có ở nước ta. Đặc biệt góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ rau quả cũng như cung cấp cho con người các sản phẩm có giá trị, chất lượng cao, giàu dinh dưỡng tự nhiên. 

          Việc đưa vào ứng dụng thử nghiệm tại các cơ sở là một trong những công đoạn cần thiết để đánh giá hiệu quả cũng như tính thích ứng của các kết quả vào thực tế. Giúp các cán bộ kỹ thuật và công nhân có thể nâng cao năng lực tiếp cận với khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và tăng sức cạnh trạng trên thị trường. 

          Ngoài ra, góp phần vào giải quyết các vấn đề đăng được quan tâm hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay đó là vấn đề tổn thất sau thu hoạch. Góp phần tăng hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho người sản xuất, tăng kinh ngạch xuất khẩu trong nước và giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam ra thế giới. Quy trình công nghệ bảo quản của đề tài sẽ kích thích ngành trồng trọt phát triển, an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường, giảm hoặc không thải chất độc hại ra môi trường.

          Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12205/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

          Nguồn: www.vista.gov.vn