Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 26970
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học nông nghiệp

Nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn nuôi cá chình từ enzym và một số loại nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam (21/09/2016)

Cá chình là loài có giá trị kinh tế rất cao, thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng và được ưu chuộng. Nghề nuôi cá chình bắt đầu ở Nhật Bản từ năm 1879, tiếp theo là ở Ý, Pháp và sau đó ở Đài Loan (1952), Trung Quốc (1973). Ở Việt Nam, cá chình được nuôi lần đầu tiên vào năm 2000 ở Bình Định và Phú Yên, sau đó, nhanh chóng được phát triển tại các tỉnh phía Nam như Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Cà Mau và Bạc Liêu. Năm 2010, Cà Mau và các tỉnh lân cận có hơn 700 ha ao nuôi cá chình. Nhìn chung, nuôi cá chình đem lại hiệu quả kinh tế cao và có triển vọng phát triển ở nhiều nơi trên khắp cả nước.

Để chủ động sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nghề nuôi cá chình tại Việt Nam, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2012 đến tháng 6/2014, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III do ThS. Hoàng Văn Duật đứng đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn nuôi cá chình từ enzym và một số loại nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam”. Mục tiêu của đề tài là nhằm xây dựng quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất thức ăn nuôi cá chình (giai đoạn ương giống và nuôi thương phẩm) từ một số nguyên liệu ở Việt Nam có bổ sung enzym nhằm hạn chế nhập khẩu và nâng cao hiệu quả kinh tế nuôi cá chình tại Việt Nam.

Một số kết quả nổi bật của đề tài:

- Đã xác định được 10 loại nguyên liệu phù hợp với đặc điểm tiêu hóa của cá chình.

+ Tỷ lệ tiêu hóa protein invitro của cá chình đối với gluten (88%); bột huyết (79,44%); bột xương thịt (58,36%); bột cá (56,01%); bột nhộng tằm (50,46%), bột đậu nành và bột nấm men cho hệ số tiêu hóa thấp nhất (24,93% và 33,53%).

+ Tỷ lệ tiêu hóa tinh bột invitro của cá chình cao nhất là bột khoai mì (49,83%); cám gạo (31,73%); bột bắp (21,22%); thấp nhất là bột đậu nành (9,83%).

- Đã xác định công thức thức ăn cho cá chình giống (G-v và G-b), thành phần gồm: bột cá Kiên Giang 28%, bột huyết 14,5%, bột nấm men 4,0%, bột trùn quế 7,3%, bột gluten 18%, bột khoai mì 5,0%, bột bắp 11%, dầu đậu nành 0,2%, dầu cá 0,5%, vitamin C 0,5%, chất kết dính 5,0%, chất phụ gia 4,0% và Enzym Feed 1,5%.

- Đã xác định được công thức thức ăn cho cá chình thương phẩm (TP-v và TP-b) thành phần gồm: bột cá Kiên Giang 20,0%, bột huyết 14,0%...

- Đã thiết kế, lắp đặt bổ sung và vận hành thiết bị sản xuất thức ăn cá chình công suất 500 kg/giờ.

- Đã xây dựng quy trình sản xuất thức ăn cho cá chình giống (G-v và G-b), sử dụng dây chuyền công suất 500 kg/giờ, sản lượng 800 tấn/năm, đạt các chỉ tiêu như kích thước viên, hàm lượng protein và độ ẩm.

- Đã xây dựng quy trình sản xuất thức ăn cho cá chình thương phẩm (TP-v và TP-b) sử dụng dây chuyền có công suất 500 kg/giờ, sản lượng 800 tấn/năm, đạt các chỉ tiêu đề ra.

- Đã sản xuất được 5.300 kg thức ăn cho cá chình giống (bột mịn: 2.700 kg, viên nổi 2.600) và 30.500 kg thức ăn cá chình thương phẩm (bột mịn 15.300 kg, viên nổi 15.200 kg).

- Mô hình sản xuất thức ăn cho cá chình có giá thành 41,81 triệu đồng/tấn thấp hơn thức ăn nhập ngoại từ Trung Quốc (54 triệu đồng/tấn) là 23%. Giá bán 44 triệu đồng/tấn (thấp hơn thức ăn nhập ngoại 18%). Lợi nhuận 1,75 tỷ đồng/năm, thời gian hoàn vốn đầu tư (kể cả vốn lưu động) là 58 tháng.

Tóm lại, mô hình sản xuất thức ăn cho cá chình do đề tài nghiên cứu đã xây dựng, cũng như việc sử dụng nguồn thức ăn này không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh.

Nguồn: vista.gov.vn