Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 25886
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Nghiên cứu đáng giá nguồn lợi và thử nghiệm sản xuất giống Bàn mai (Pinna spp.) tại Hải Phòng (03/04/2023)

Đây là tên đề tài được Hội đồng tư vấn phê duyệt thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp thành phố tư vấn chỉnh sửa sáng 30/3/2023 tại Sở KH&CN sau khi nghe nhóm nghiên cứu thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, đứng đầu là TS Đình Văn Nhân báo cáo thuyết minh đề tài mang tên "Nghiên cứu hiện trạng, đặc điểm sinh học sinh sản và thử nghiệm sản xuất giống Bàn mai (Pinna spp.) tại Cát Bà nhằm mục đích bảo tồn nguồn gen".

Giám đốc Sở KH&CN Trần Quang Tuấn điều hành Hội nghị tư vấn phê duyệt thuyết minh nhiệm vụ.

Bàn mai là loài chứa các chất có hoạt tính sinh học trong việc chống ô-xy hóa, chống viêm, chống đông máu, giúp hạ huyết áp, kháng khuẩn… Bên cạnh đó, vỏ Bàn mai còn có lớp xà cừ phát ra những phổ ánh sáng óng ánh, màu sắc đẹp mắt, là mặt hàng ưa chuộng cho nghề khảm trai đồ gỗ mỹ nghệ, trang trí và làm đồ lưu niệm cho khách du lịch. Vỏ của chúng cũng được dùng làm nhân cấy ngọc cho nghề sản xuất ngọc trai. Tại Hải Phòng, cùng với nhiều loài hải sản khác như Vẹm xanh, Bào ngư, Ốc đụn, Ốc hương, Bàn mai cũng đang ngày càng khan hiếm và đứng trước nguy cơ cạn kiện. Loài Bàn mai Pinna vexilium đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam 2007. Do vậy, việc đánh giá nguồn lợi và thử nghiệm sản xuất giống Bàn mai là rất cần thiết.

Với tên đề tài ban đầu nhóm nghiên cứu đưa ra, Ban chủ nhiệm xác định 6 nội dung nghiên cứu: Tổng quan tình hình nghiên cứu Bàn mai ở trong nước và vùng biển Cát Bà; Nghiên cứu hiện trạng trữ lượng Bàn mai tại vùng biển Cát Bà; Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh sản của Bàn mai ở vùng biển Cát Bà; Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất trên 1.000 con giống Bàn mai phân bố ở Cát Bà; Nghiên cứu thử nghiệm ương nuôi Bàn mai được sản xuất nhân tạo tại một số tùng, áng tiêu biểu ở Cát Bà và Xây dựng sổ tay hướng dẫn sản xuất giống và ương nuôi Bàn mai ở Cát Bà.

Từ các nội dung nhóm nghiên cứu đề xuất, bên cạnh việc đề nghị chỉnh sửa tên đề tài, Hội đồng đề nghị Ban chủ nhiệm tiếp thu các ý kiến: bổ sung thông tin các công trình nghiên cứu trước mà đề tài có thể kế thừa; tính toán lại quy mô nghiên cứu trên cơ sở tỷ lệ sống của loài Bàn mai chỉ đạt 5%; bổ sung thông tin và hoàn thiện quy trình sản xuất giống Bàn mai; căn cứ tên đề tài sau chỉnh sửa, mở rộng quy thử nghiệm, ương nuôi Bàn mai giống ở các khu vực ngoài Cát Bà như Bạch Long Vỹ, Long Châu; từ việc sản xuất con giống Bàn mai, xác định đơn vị đối ứng, đơn vị hưởng lợi từ kết quả nghiên cứu. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cần đánh giá được khả năng khai thác, nuôi trồng và phát triển loài Bàn mai tại vùng biển của Hải Phòng.

An Nhiên