Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5383
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Nghiên cứu đánh giá tác dụng của bài thuốc VG1 trong điều trị viêm gan B mạn tính (23/04/2018)

Viêm gan vi rút B mạn tính là một bệnh truyền nhiễm rất phổ biến và nguy hiểm. Theo ước tính của Tổ chức y tế thế giới, có khoảng 400 triệu người mắc viêm gan B mạn tính. Viêm gan B mạn tính thường diễn biến phức tạp, có thể trở thành xơ gan và ung thư gan nguyên phát, trong khi đó việc điều trị viêm gan B mạn tính gặp nhiều khó khăn.

Những năm gần đây việc điều trị viêm gan B mạn tính phát triển vượt bậc và có những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên vẫn chưa có thuốc nào có hiệu quả chắc chắn trong điều trị viêm gan B mạn tính. Cùng với đó, việc nghiên cứu, sản xuất các thuốc có nguồn gốc thảo dược đang được khuyến khích, đặc biệt là việc sử dụng các vị thuốc theo kinh nghiệm và y học cổ truyền để chữa các bệnh về gan. Các thuốc thảo dược thường có tác dụng bảo vệ tế bào gan, giảm viêm gan, phục hồi chức năng gan, ức chế xơ gan. Một số thuốc thảo dược còn có tác dụng ức chế sự nhân lên của vi-rút viêm gan B, tăng sản xuất kháng thể chống lại kháng nguyên HBsAg của vi-rút viêm gan B. Việc sử dụng các thuốc thảo dược chưa nhiều nhưng bước đầu đã cho thấy triển vọng tốt trong việc hỗ trợ điều trị bệnh viêm gan B mạn tính.

 

Hình ảnh biến chứng của viêm gan B

Theo kinh nghiệm dân gian và kết quả nghiên cứu của một số công trình nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, có nhiều cây thuốc được dùng điều trị viêm gan có tác dụng tốt, như: Diệp hạ châu, ngũ vị, dứa gai, cam thảo dây, hạ khô thảo nam, cải trời, cà gai leo, cúc gai... Kế thừa và phát triển những kinh nghiệm sử dụng thảo dược để điều trị viêm gan B mạn tính, Bs CKII - Ths Nguyễn Xuân Phùng và các cộng sự Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Phòng đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đánh giá tác dụng của bài thuốc VG1 trong điều trị viêm gan B mạn tính”.

Đặc điểm, nguyên nhân, cơ chế gây bệnh của vi-rút viêm gan B là: nhiệt độc lưu trú, nhiệt thấp nội uẩn, khí huyết thất điều (khí trệ huyết ứ, khí huyết lưỡng hư, can thận khuy tổn). Trong đó, yếu tố thấp nhiệt và dịch độc đóng vai trò quan trọng xuyên suốt quá trình phát triển của bệnh, kéo dài lâu ngày dẫn tới tổn thương tạng phủ và làm cho khí huyết bất điều hòa. Từ đó có thể thấy viêm gan B mạn tính theo y học cổ truyền có thể phân làm các thể: Can tỳ thấp nhiệt, can uất tỳ hư, can thận âm hư, khí trệ huyết ứ.

Theo báo cáo, thành phần của bài thuốc viêm gan B gồm các vị sau: Diệp hạ châu 20g, Nhân trần 20g, Kim ngân hoa 20g, Chóc gai 30g, Bạch truật 15g, Uất kim 15g, Sài hồ 15g, Cam thảo 4g. Thuốc được dùng dưới dạng thang sắc, ngày uống 1 thang chia làm hai lần sáng và chiều.

60 bệnh nhân được chẩn đoán là viêm gan B mạn tính theo Y học hiện đại theo các tiêu chuẩn chẩn đoán sau: Về mặt lâm sàng (Mệt mỏi, ăn uống kém, xạm da, đau vùng gan âm ỉ kéo dài, có thể kèm theo vàng da, có tiền sử viêm gan B trên 6 tháng); Về mặt cận lâm sàng (HBsAg dương tính trên 6 tháng, Enzym Transaminase ≥ 2 lần trị số bình thường); Siêu âm: nhu mô gan không đồng nhất. Các bệnh nhân này được theo dõi, sử dụng bài thuốc điều trị trong thời gian 2 năm, qua đó làm cơ sở đánh giá hiệu quả của bài thuốc cũng như đưa ra những kết luận về việc điều trị viêm gan B theo phương pháp y học cổ truyền.

Bệnh nhân sau khi khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, nếu đúng tiêu chuẩn nghiên cứu được uống thuốc mỗi ngày 1 thang, chia làm 2 lần: sáng - chiều, liệu trình là 30 ngày. Trong thời gian uống thuốc nghiên cứu bệnh nhân không dùng bất kỳ thuốc nào khác, tuân thủ chế độ ăn uống: bỏ rượu bia, thuốc lá.

 

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viên Y học cổ truyền Hải Phòng 

Kết quả dựa theo sự thay đổi các chỉ số trước và sau khi điều trị. Theo đó, các triệu chứng lâm sàng cải thiện rất rõ rệt. Điều đó chứng tỏ các chức năng của gan đều hồi phục tốt sau điều trị. Cụ thể, về mức độ mệt mỏi, trước điều trị là 60 bệnh nhân chiếm tỷ lệ là 100%, sau điều trị còn 26 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 43%. Mức độ chán ăn, ăn không ngon miệng lúc trước điều trị là 56 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 86,7%, sau điều trị giảm xuống còn 14 bệnh nhân chiếm 23,3%. Triệu chứng đầy bụng trước điều trị là  70%, sau điều trị giảm xuống còn 10%. Triệu chứng rối loạn đại tiện lúc trước điều trị chiếm tỷ lệ 70% giảm xuống còn 13,3% sau điều trị. Triệu chứng vàng da, xạm da trong nghiên cứu chiếm 20% trước điều trị, sau điều trị chỉ còn 6,7%.

Cùng với sự cải thiện của các triệu chứng lâm sàng thì các men gan cũng giảm xuống. Men GPT sau điều trị cải thiện rõ rệt so với trước điều trị. Trước điều trị, không có bệnh nhân nào đạt mức độ bình thường, sau điều trị mức độ về bình thường là 30 bệnh nhân chiếm 50%, số còn lại phần lớn ở mức độ tăng men gan nhẹ (24 bệnh nhân chiếm 40%), chỉ còn 3,3% ở mức độ tăng vừa và 6,7 % ở mức độ tăng nhiều.

Ngoài ra, men GOT cũng cải thiện rất rõ rệt. Mức độ bình thường trước điều trị là 0 bệnh nhân, sau điều trị tăng lên là 42 bệnh nhân, chiếm 70%. Mức độ tăng nhẹ trước điều trị là 0 bệnh nhân sau điều trị là 12 bệnh nhân chiếm 20%. Sau điều trị chỉ còn 4 bệnh nhân chiếm 6,7% ở mức độ tăng vừa và 2 bệnh nhân chiếm 3,3% ở mức độ tăng nhiều.

Đối với bilirubin toàn phần và trực tiếp sau điều trị, bệnh nhân có tăng billirubin toàn phần là 24 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 40%, sau điều trị số bệnh nhân có tăng billirubin toàn phần còn 6 bệnh nhân, chiếm tỷ lệ 10%. Trước điều trị, trị số trung bình của billirubin trực tiếp 6.01 ± 1.34 µmol/l, sau điều trị giảm xuống còn 4.13 ± 1.81 µmol/l. Ngoài ra, báo cáo còn ghi nhận sự thay đổi tích cực các chỉ số, như: HBsAg , HBeAg, AntiHbe, chỉ số huyết học, chỉ số urê và creatinin…

Trên cơ sở sự thay đổi tích cực của các bệnh nhân được theo dõi và điều trị, nhóm tác giả đã hoàn thiện bài thuốc VG1 và phác đồ điều trị viêm gan B mạn tính bằng bài thuốc VG1. Bài thuốc được xây dựng trên cơ sở phần lớn là các vị thuốc  dễ tìm kiếm, dễ sử dụng, dễ trồng, do đó dễ phổ cập xuống các cơ sở Y học cổ truyền cũng như các bệnh nhân viêm gan B mạn tính./.

Hoàng Dũng