Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 15573 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học kỹ thuật và công nghệ
Nghiên cứu dùng đèn led “dụ” cá để đánh bắt (17/12/2016)
Hiệu quả khai thác tính trên đơn vị dầu tiêu thụ của tàu thực nghiệm sử dụng đèn led cao hơn 6,8 lần so với tàu đối chứng sử dụng nguồn sáng đèn cao áp. Đây là kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đức Sĩ, Viện khoa học và công nghệ khai thác thủy sản khi nghiên cứu ứng dụng nguồn sáng đèn led tập trung cá trên tàu lưới vây xa bờ ở tỉnh Quảng Nam.
Nghề lưới vây kết hợp ánh sáng ở Quảng Nam có 351 tàu thuyền, trong đó 236 tàu thuyền công suất từ 50 CV trở lên, chiếm tỷ lệ 5,7% tổng số tàu thuyền toàn tỉnh, hoạt động ở tuyến lộng và tuyến khơi. Tuy nhiên, do công nghệ khai thác lạc hậu, chi phí chuyến biển cao, nhất là chi phí nhiên liệu chiếm 50 - 60% trong tổng số chi phí nên hiệu quả kinh tế thấp.
Trang bị nguồn sáng trên tàu lưới vây của ngư dân Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng, chậm được đổi mới về công nghệ để theo kịp tốc độ phát triển của nghề đánh cá kết hợp ánh sáng trên thế giới. Tàu thuyền đánh cá kết hợp ánh sáng có sự cạnh nhau quyết liệt về trang bị nguồn sáng.
Qua tìm hiểu, nhóm nghiên cứu nhận thấy đa số thuyền trưởng đều cho rằng trang bị nguồn sáng mạnh chừng nào, thì đánh cá được nhiều chừng ấy, trong khi đó, việc trang bị ngư cụ như thế nào để phù hợp với việc tăng công suất nguồn sáng thì ngư dân chưa quan tâm, chưa có sự điều chỉnh nào về chiều dài lưới khi tăng công suất nguồn sáng. Nguồn sáng ngư dân sử dụng trên tàu lưới vây xa bờ ở Quảng Nam đa số là loại bóng đèn cao áp có công suất 1000W, mỗi tàu trang bị từ 20 đến 30 bóng với tổng công suất nguồn sáng từ 20 - 30kW và có xu hướng ngày càng tăng số lượng bóng đèn. Số lượng bóng đèn càng nhiều đòi hỏi máy phát điện có công suất càng lớn, do đó mức tiêu hao nhiên liệu phục vụ phát sáng tập trung cá càng cao.
Các nước có nghề cá phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hầu như đã thay thế toàn bộ nguồn sáng bóng đèn cao áp bằng nguồn sáng đèn led, và có xu hướng chung là đưa nguồn sáng ngầm xuống nước. Nguồn sáng bằng đèn led được xác định là loại nguồn sáng tiết kiệm được rất nhiều chi phí về nhiên liệu, thân thiện với môi trường và cho năng suất đánh bắt cao hơn so với nguồn sáng sử dụng bóng đèn cao áp. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc xuất hiện nguồn sáng đèn led trên tàu lưới vây còn rất hạn chế, đang ở trong giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm hiệu quả sử dụng nguồn sáng này. Giá thành đèn led có công suất lớn còn cao, rất ít ngư dân biết thông tin về loại nguồn sáng này. Do đó, việc cập nhật thông tin, nghiên cứu sử dụng và chuyển giao công nghệ đèn led cho ngư dân đánh cá kết hợp ánh sáng là vấn đề hết sức cấp thiết, tạo điều kiện cho ngư dân có cơ hội tiếp cận công nghệ mới về ánh sáng nhân tạo, giảm tiêu hao nhiên liệu phát sáng, tăng hiệu quả đánh bắt và tăng thu nhập.
Trong nghiên cứu, số lượng bóng đèn led được bố trí làm 3 đợt thực nghiệm trong 3 chuyến biển. Chuyến biển thứ nhất trang bị 15 bóng đèn led, công suất mỗi bóng là 100W, được bố trí ở 2 bên cabin tàu, mỗi bên 6 bóng; bố trí 3 bóng ở phía sau lái. Độ cao treo đèn 5m, góc treo đèn 450. Tổng công suất nguồn sáng là 1,5kW. Chuyến biển thứ hai, số lượng đèn led bố trí tăng lên 14 bóng so với chuyến biển thứ nhất, nâng tổng số bóng đèn lên 29 bóng, được phân bố về 2 phía cabin tàu, mỗi bên 11 đèn pha led cùng với 7 bóng tuýp led đặt trên giá đèn. Độ cao treo đèn của pha đèn led không thay đổi, máng đèn tuýp led đặt ở độ cao 4,5m so với đợt thử nghiệm lần 1, góc treo đèn 480. Tổng công suất nguồn sáng là 2,368 kW. Đến chuyến biển thứ ba, số lượng đèn Led được tăng lên 11 bóng, nâng tổng số lượng đèn Led bố trí trên tàu là 40 bóng. Trong đó, 11 pha đèn led cùng với 1 máng đèn 5 tuýp led bố trí ở mỗi bên cabin tàu, 8 tuýp led bố trí trên 2 máng đèn sau đuôi tàu. Có 18 pha led đặt ở độ cao 5m; 4 pha led và 10 tuýp led đặt ở độ cao 4,5m, góc treo đèn là 500. Tổng công suất nguồn sáng thử nghiệm lần 3 là 2,632 kW.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nguồn sáng đèn led trang bị trên tàu thực nghiệm có công suất 3,632kW, góc treo đèn 500 cho sản lượng đánh bắt cao nhất. Mức tiêu hao nhiêu liệu của máy phát điện phục vụ chiếu sáng đèn cao áp trên tàu đối chứng cao hơn 4,65 lần so với mức tiêu hao nhiêu liệu của máy phát điện phục vụ chiếu sáng đèn led trên tàu thực nghiệm. Hay nói cách khác, sử dụng nguồn sáng đèn led tiết kiệm được 78,5% nhiên liệu so với sử dụng nguồn sáng đèn cao áp. Hiệu quả khai thác tính trên đơn vị dầu tiêu thụ của tàu thực nghiệm sử dụng đèn led cao hơn 6,8 lần so với tàu đối chứng sử dụng đèn cao áp.
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nghiên cứu nguồn sáng đèn led đặt ngầm dưới nước; tập tính của cá trong vùng được chiếu sáng của đèn led.
Nguồn: www.vista.gov.vn
- Internet vệ tinh đang phát triển nhanh chóng (05/05/2025)
- Trung Quốc khắc phục thất bại của pin lithium thể rắn (29/04/2025)
- Drone AI đánh bại nhà vô địch thế giới trên đường đua (21/04/2025)
- Thành tựu mới trong năng lượng nhiệt hạch của Hàn Quốc: duy trì phản ứng nhiệt hạch... (16/04/2025)
- Robot sói 4 chân cho người cưỡi (08/04/2025)
- Ôtô có thể bay và chạy trên đường tiến gần tới sản xuất (02/04/2025)