Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2885
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) hai giai đoạn bằng công nghệ Biofloc trong vùng nước lợ Hải Phòng (24/10/2018)

Đây là tên nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước do thạc sĩ Đặng Thị Thanh (Trung tâm Tư vấn kỹ thuật và dịch vụ khoa học công nghệ thủy sản Hải Phòng) làm chủ nhiệm, được Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị tư vấn đánh giá kết quả thực hiện chiều 23/10/2018.

 

 

Ông Nguyễn Tự Trọng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại hội nghị.

 

Biofloc là một phức hợp (dạng cụm kết dính) bao gồm các loài tảo, tảo biển lớn, động vật nguyên sinh, mảnh vụn hữu cơ, vi khuẩn…; chúng có tác dụng cải thiện chất lượng nước, là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho tôm, cá nuôi, thúc đẩy tăng trưởng của cá, tôm nhờ các thành phần dinh dưỡng của nó và tăng cường an toàn sinh học.

 

Nhằm ứng dụng, phát triển quy trình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ Biofloc tại các vùng nước lợ, ven biển của thành phố Hải Phòng, các tỉnh đồng bằng Duyên hải trong cả nước; từ tháng 6/2017 đến tháng 7/2018, thạc sĩ Thanh cùng các cộng sự đã nghiên cứu thực nghiệm, tích hợp 02 quy trình (hai trong một) nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn, quy trình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc và sản xuất thử nghiệm tại Công ty TNHH Khoa Thành, phường Tân Thành, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng (từ tháng 8/2017-12/2017). Trên kết quả thử nghiệm, nhóm tác giả đã xây dựng thành công nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ biofloc cho vùng nước lợ ven biển gồm: Chọn địa điểm thiết kế ao ương; ao nuôi thương phẩm; Chuẩn bị ao ương (giai đoạn 1); Chọn giống và thả giống; Quản lý và chăm sóc; Sang tôm (giai đoạn 2); Thả giống; Quản lý và chăm sóc; Thu hoạch.

 

 

Nhiều nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ nuôi tôm thâm canh mang lại giá trị kinh tế cao.

 

Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành sản xuất đối chứng tại hộ ông Vũ Văn Tin, thôn Tân Thắng, xã Tiên Hưng, huyện Tiên Lãng từ tháng 1/2018-7/2018 với quy mô sản xuất thử nghiệm giai đoạn 1 gồm ao nuôi 1.000m²; giai đoạn 2 gồm 03 ao nuôi (3.000m2/ao) trong đó có 02 ao gây nuôi biofloc và 1 ao đối chứng. Kết quả, với công nghệ nuôi tôm biofloc cho năng suất 15,17 tấn/ha cao gấp 1,72 lần; tỉ lệ tôm nuôi sống trung bình đạt 75% cao hơn 19% so với phương pháp nuôi truyền thống.

 

Việc ứng dụng thành công quy trình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ biofloc tại Hải Phòng sẽ giúp người nuôi giảm thiểu dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, chủ động nuôi an toàn sinh học, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, từ đó nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích nuôi.

 

Với những kết quả nhóm nghiên cứu đã đạt được, Hội đồng khoa học nhất trí đề nghị thành phố nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ.

 

Trường Nguyễn