Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 4360
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Nghiên cứu khoa học phải gắn kết và giải quyết các vướng mắc từ thực tiễn (23/04/2018)

Đó là khẳng định của Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong trong suốt chặng đường hình thành và phát triển của Công ty. Trong những năm qua, cùng với quá trình không ngừng đổi mới để hội nhập và nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học. Các vấn đề được đặt ra để nghiên cứu đều xuất phát từ những vướng mắc trong quá trình sản xuất, do đó, luôn có tính ứng dụng cao.

Thực tiễn “khơi nguồn” cho nghiên cứu

Hai trong số nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong được Hội đồng khoa học thành phố đánh giá xếp loại xuất sắc năm 2017 đó là “Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nong ống tự động trên dây chuyền sản xuất ống u.PVC”“Nghiên cứu cải tiến máy dán ống HDPE”. Hai đề tài do Tổng Giám đốc - Nguyễn Quốc Trường và Chủ tịch HĐQT Công ty - Trần Bá Phúc làm chủ nhiệm.

Trong quá trình sản xuất, để nối các đoạn ống với nhau, người ta thường sử dụng đầu nong. Đầu nong là một phần ở đầu cây ống nhựa, được làm loe ra với kích thước đường kính trong bằng kích thước đường kính ngoài của ống nhựa cần ghép. Kích thước của đầu ống nong phải đáp ứng được các yêu cầu như: đảm bảo kín khít, không bị rò rỉ nước khi sử dụng với áp suất làm việc, chịu được va đập và không biến dạng trong quá trình sử dụng. Việc sản xuất thủ công không đáp ứng được các tiêu chí này. Bên cạnh đó, số lượng máy nhập khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của Công ty; do đó, một trong những trăn trở lớn nhất của Ban lãnh đạo Công ty là làm thế nào để nâng cao chất lượng nong ống, đáp ứng nhu cầu nối ống trong các công trình thi công, đồng thời tận dụng tối đa trang thiết bị và nguồn nhân lực hiện có của công ty. Do đó, việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo sản phẩm nong ống tự động được xác định là một nhiệm vụ quan trọng.

Để tạo được đầu nong trên ống nhựa u.PVC, nhóm nghiên cứu triển khai thực hiện 2 giai đoạn: gia nhiệt phần đầu ống và định hình đầu nong. Quá trình gia nhiệt giúp làm mềm phần đầu ống nhựa cần nong bằng lò nhiệt điện trở đến một nhiệt độ và thời gian nhất định. Tùy theo kích thước và chiều dày của từng loại ống mà nhiệt độ và thời gian gia nhiệt khác nhau. Giai đoạn định hình đầu nong là lồng phần ống nhựa đã được gia nhiệt mềm vào trụ nong có biên dạng, kích thước theo tiêu chuẩn, đồng thời làm nguội phần đầu nong về đến nhiệt độ ổn định.

 

Sản phẩm máy nong ống tự động

Sản phẩm của quá trình lắp ráp, vận hành, hiệu chỉnh là máy nong MN60-160-KTSX01 tự động với nhiều ưu điểm vượt trội, như: Nong được cả hai loại nong thẳng và nong giăng, tốc độ nong cao, nong thẳng: 40-150 đầu nong/giờ, nong hình sin: 25-120 đầu nong/giờ, chất lượng và kích thước đầu nong ổn định đảm bảo theo tiêu chuẩn ISO 1452 và DIN 19532. Các lò gia nhiệt được bảo ôn, nhiệt độ gia nhiệt cao nhất đến  3500C, điều khiển bằng PID, ổn định và duy trì tối ưu nhiệt độ gia công, tổn hao điện năng thấp. Bên cạnh đó, các hệ thống tự động (điều khiển, cảnh báo…) giúp quá trình vận hành và sản xuất thuận tiện, dễ dàng sử dụng, được cho là ưu việt hơn hẳn các sản phẩm nhập khẩu cùng loại.

Nói về máy dán ống HDPE, theo Chủ tịch HĐQT Trần Bá Phúc, hiện nay, xu hướng trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã sử dụng ống HDPE để thay thế các ống truyền thống như ống bê-tông, ống gang và một số chủng loại ống khác do các tính năng nổi bật về môi trường và độ tiện dụng. Các thiết bị nhập khẩu của Công ty hoặc chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn, hoặc chi phí cao. Đây là lý do công ty đã tiến hành nghiên cứu cải tiến và cho ra sản phẩm máy dán ống HDPE Ø315 – Ø630.

Nguyên lý hoạt động của máy là cây ống HDPE sau khi được đưa vào khung máy và được kẹp chặt thông qua bộ bạc kẹp. Sau đó dao khỏa được đưa vào và dưới lực ép của pittông thủy lực 2 đầu ống sẽ được khỏa phẳng bề mặt. Việc khỏa này vừa có tác dụng giúp 2 bề mặt ống cần dán được phẳng, đồng thời vệ sinh sạch bề mặt. Sau đó dao khỏa sẽ được thay thế bằng bàn gia nhiệt, dưới lực ép thủy lực, 2 đầu ống sẽ được bàn gia nhiệt làm nóng chảy một phần nhựa trên bề mặt ống đến một lượng cho phép. Bàn gia nhiệt sẽ được bỏ ra ngoài và cụm thủy lực sẽ ép hai đầu ống đã được nóng chảy với nhau tạo sự liên kết trong thời gian quy định cho từng cỡ ống. Để có được sản phẩm cải tiến này, nhóm tác giả phải tính toán cụ thể và chi tiết đến kết cấu khung kẹp, bàn gia nhiệt, hệ thống điều khiển và hệ thống thủy lực để phù hợp cho quá trình vận hành và sản xuất của Công ty.

Tính ứng dụng cao

Hiện tại, đối với máy nong ống tự động, Công ty đang có 17 máy, trong đó có 5 máy nong được nhập khẩu từ Trung Quốc, Italy; số còn lại do công ty tự nhân rộng sau kết quả nghiên cứu đề tài. So với sản phẩm nhập khẩu cùng loại, sản phẩm tự sản xuất có giá thành rẻ hơn 40%, với cùng tốc độ ra sản phẩm. Đặc biệt, do được tính toán phù hợp với thực tiễn sản xuất của Công ty nên việc nắm bắt công nghệ trở nên dễ dàng, sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao.

Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Trường cho biết: “Giá trị cốt lõi của Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong là chất lượng sản phẩm. Chúng tôi mong muốn đưa ra thị trường các sản phẩm bắt kịp xu hướng của các nước tiên tiến trên thế giới với giá thành Việt Nam. Để làm được điều đó, công ty đã chú trọng đến việc đầu tư nghiên cứu để nâng cao hơn nữa công nghệ. Đó là hướng đi vững chắc của Nhựa Thiếu niên Tiền Phong”.

Trước đây, để phục vụ các dự án công trình khi chưa tự sản xuất được các thiết bị nong ống và máy hàn, dán ống, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong bắt buộc phải nhập máy ở các nước Châu Âu và các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Malaixia, Hàn Quốc, Trung Quốc…). Máy của các nước Châu Âu giá thành khá cao, một số chi tiết không phù hợp với thời tiết khí hậu Việt Nam nên trong quá trình sử dụng rất hay bị hỏng hóc. Máy của các nước trong khu vực giá thành rẻ hơn nhưng lại có nhược điểm là độ bền kém và rất hay hỏng. Để khắc phục những nhược điểm đó, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã cải tiến máy hàn dán ống HDPE. Dựa trên nguyên lý hoạt động của các máy hàn dán của các nước Châu Âu, cũng như các nước Đông Nam Á, Công ty đã sản xuất máy hàn dán của riêng mình, khắc phục được nhược điểm của các máy, phù hợp với điều kiện sử dụng, điều kiện khí hậu, thuận tiện trong quá trình thao tác, đặc biệt là có thể đem đến sử dụng tại các công trình, thuận tiện khi di chuyển.

 

Chủ nhiệm đề tài Trần Bá Phúc bên cạnh công trình nghiên cứu

Nói thêm về hiệu quả thực tiễn của máy hàn dán ống, ông Trần Bá Phúc cho rằng: “Trước kia, khi chưa có máy dán ống, người ta thường dùng gioăng hoặc tiện đầu ren để nối các đoạn ống, phụ tùng ống với nhau; tuy nhiên, những phương pháp này không hiệu quả và không thực sự phổ biến. Đối với máy dán HDPE, bên cạnh hiệu quả hàn dán còn thuận tiện cho quá trình di chuyển. Với các công trình thi công ngoài hiện trường, máy sẽ được thi công trực tiếp ở những vị trí đặt ống theo các công trình dự án lắp đặt. Thời gian dán tùy thuộc vào đường kính, độ dày ống, người công nhân căn cứ vào bảng tiêu chuẩn, thiết bị sẽ tự động giữ áp suất, nhiệt độ ở một thời gian cần thiết, sau đó ép hai đầu ống với nhau trong khoảng thời gian nhất định để có được mối hàn tốt nhất. Công nghệ dán ống khiến việc liên kết các ống, phụ tùng ống trở nên dễ dàng, từ đó mở ra việc sử dụng các ống HDPE vào các công trình xây dựng, công trình cấp thoát nước”.

Doanh nghiệp là nơi có điều kiện thực tiễn để phát triển các đề tài nghiên cứu khoa học. Hoạt động nghiên cứu khoa học tại doanh nghiệp không chỉ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mà còn tạo ra tri thức và sản phẩm mới, cải tiến quy trình công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Để có được điều đó, rất cần những trái tim nhiệt huyết với công tác nghiên cứu, và sự tạo điều kiện của Nhà nước cho hoạt động này./.

Hoàng Dũng