Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7909
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Nghiên cứu kỹ thuật nhân nuôi thử nghiệm loài Tắc kè tại Vườn Quốc gia Cát Bà (05/10/2021)

Tắc kè là loài bò sát kiếm ăn vào ban đêm, thức ăn thường là côn trùng sống trong khu vực. Tắc kè thường sống trên các tảng đá và thân cây to ở khu vực rừng, núi cao từ 200 - 600m, chúng sinh sản vào mùa mưa và thường đẻ hai trứng. Theo Y học Dân tộc, tắc kè là nguồn dược liệu quý, một vị thuốc bổ, có tác dụng làm giảm mệt mỏi, suy nhược cơ thể, chữa nhiều chứng ho, hen suyễn, đau xương, bổ thận… Ngoài ra,tắc kè còn được dùng để chế biến các món ăn đặc sản. Do có giá trị về dược liệu và dinh dưỡng nên việc khai thác quá mức đã làm gây cạn kiệt nguồn tắc kè trong thiên nhiên, đặc biệt là ở vùng núi đá vôi ở miền Bắc, trong đó có Vườn Quốc gia Cát Bà. 

Ông Nguyễn Hồng Vân, chủ nhiệm đề tài trình bày thuyết minh tại Hội nghị.

Trước thực tế đó, nhằm góp phần bảo tồn và phát triển các loài động vật hoang dã, việc tiến hành nhân nuôi tắc kè có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, đồng thời cũng đem lại lợi ích kinh tế thiết thực, ThS Vũ Hồng Vân - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn Quốc gia Cát Bà đã cùng các cộng sự đề xuất triển khai thực hiện đề tài: “Nghiên cứu kỹ thuật nhân nuôi thử nghiệm loài Tắc kè (Gekko reevessi) tại Vườn Quốc gia Cát Bà”. Thuyết minh chỉ rõ ý tưởng khoa học, đó là: Tắc kè là loài hoang dã chưa thích ghi với điều kiện nuôi nhốt nên dễ bị bệnh và có tỉ lệ sống thấp. Việc thu bắt tắc kè hoang dã còn làm suy giảm quần thể của loài trong thiên nhiên, từ đó dẫn đến việc suy thoái đa dạng sinh học và ảnh hưởng tiêu cực đến các quá trình sinh thái. Vì vậy, chủ động nguồn giống có nguồn gốc từ gây nuôi đang là mối quan tâm của các tổ chức và cá nhân có nhu cầu nhân nuôi tắc kè. Việc nhân nuôi thực nghiệm được quan tâm và chú trọng sẽ mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, mở ra hướng đi mới trong việc phát triển giống Tắc kè tại địa phương góp phần bảo tồn và khai thác có hiệu quả các nguồn gen bản địa quý hiếm cũng như bảo vệ môi trường. Thông qua kết quả nghiên cứu và nuôi thực nghiệm, đề tài sẽ bổ sung thêm dẫn liệu về đặc điểm sinh thái học loài tắc kè miền Bắc đặc biệt tại các đảo đá vôi cách xa đất liền; trở thành mô hình đầu tiên thử nghiệm nhân nuôi trong điều kiện bán hoang dã; hoàn thiện kỹ thuật nhân nuôi theo quy mô hộ gia đình; nhân nuôi bằng nguồn thức ăn từ dế mèn để chủ động nguồn thức ăn và hạn chế được nguồn dịch bệnh.

TS. Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở KH&CN chủ trì hội nghị.

Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng tổ chức Hội nghị tư vấn thuyết minh đề tài khoa học đề xuất này. Tại hội nghị, các thành viên hội đồng trao đổi và đưa ra nhiều ý kiến, đóng góp nhằm giúp Ban chủ nhiệm nhiệm vụ hoàn thành thuyết minh đề tài, như: Xác định việc nhân nuôi tắc kè trước hết phục vụ bảo tồn loài tắc kè quý hiếm này; hoàn thiện quy trình nuôi hoang dã và bán hoang dã; số lượng nuôi; nguồn thức ăn cho Tắc kè; quá trình chăm sóc, phòng chống bệnh tật; điều kiện kỹ thuật, nhân lực vật lực và môi trường nuôi…

Kết luận tại hội nghị, TS. Trần Quang Tuấn - Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao tính thực tiễn của đề tài và đề nghị nhóm nghiên cứu hoàn thiện thuyết minh theo góp ý của các thành viên hội đồng; yêu cầu Ban Chủ nhiệm triển khai thực hiện theo đúng tiến độ, bảo đảm nội dung nghiên cứu khi được phê duyệt./.

Nguyễn Thơm