Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 33214 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Tin KH & CN Hải Phòng
Nghiên cứu mô hình bệnh tật và đề xuất giải pháp phòng chống bệnh tật cho lao động nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, hải đảo thành phố Hải Phòng (22/06/2023)
Đây là tên đề tài khoa học cấp thành phố do Viện Y học Biển chủ trì thực hiện, PGS.TS Trần Thị Quỳnh Chi - Viện trưởng Viện Y học Biển làm chủ nhiệm, được Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện đề tài chiều 21/6/2023 tại Sở Khoa học và Công nghệ.
Là thành phố Cảng biển, trong cơ cấu kinh tế của thành phố Hải Phòng, ngành thủy sản, trong đó có khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản đóng vai trò quan trọng. Đặc điểm lao động của ngành thủy sản nói chung thuộc nhóm đặc biệt nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm bởi thường xuyên tiếp xúc với môi trường nước và bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, điều kiện vệ sinh an toàn lao động chưa đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho người lao động. Tuy nhiên, tại Hải Phòng hiện nay chưa có số liệu về thực trạng sức khỏe của người nuôi trồng thủy sản. Việc triển khai thực hiện đề tài giúp thành phố và ngành Y tế xây dựng chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ lao động biển nói chung và lao động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, hải đảo nói riêng. Trong đó, xác định mô hình bệnh tật giúp ngành y tế xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho người dân một cách toàn diện, đầu tư cho công tác phòng chống bệnh có chiều sâu và trọng điểm, từng bước hạ thấp tối đa tần suất mắc bệnh cho cộng đồng, nâng cao sức khỏe nhân dân. Từ mô hình bệnh tật có thể xác định được các bệnh tật phổ biến nhất, giúp cho việc định hướng lâu dài về kế hoạch phòng chống bệnh tật trong từng thời điểm cụ thể.
Đại diện Ban chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả trước Hội đồng.
Các nội dung nghiên cứu chính được Ban chủ nhiệm đề tài thực hiện gồm: Tổng quan một số vấn đề lý thuyết và các vấn đề có liên quan; Thực trạng các yếu tố liên quan đến mô hình bệnh tật cho lao động nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, hải đảo Hải Phòng; Nghiên cứu mô hình bệnh tật của lao động nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, hải đảo Hải Phòng và Đề xuất các giải pháp phòng, chống bệnh tật cho lao động nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, hải đảo Hải Phòng.
Đánh giá thực trạng các điều kiện lao động cho lao động nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, hải đảo Hải Phòng gồm: môi trường vi khí hậu, hàm lượng bụi, đặc điểm chất lượng nước bề mặt, đặc điểm dư lượng kháng sinh, công tác bảo hộ lao động và công tác chăm sóc y tế cho người lao động, nghiên cứu chỉ ra, hầu hết các yếu tố này không đạt chuẩn (ngoại trừ yếu tố dư lượng kháng sinh trong các mẫu thủy sản). Nghiên cứu trên 1.220 người lao động nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, hải đảo Hải Phòng cho thấy, một số nhóm bệnh có tính chất nghề nghiệp như: hô hấp; rối loạn tâm thần và hành vi; cơ, xương khớp; da và tổ chức dưới da; nhiễm trùng và ký sinh trùng; hệ sinh dục, tiết niệu; chấn thương, ngộ độc. Trong đó, nghiên cứu về các yếu tố liên quan tới bệnh cơ, xương khớp; nhiễm khuẩn sinh dục, tiết niệu; viêm da tiếp xúc; tai nạn thương tích cho thấy, ở một số đối tượng như: người trên 19 tuổi, nữ giới và người thường xuyên làm việc dưới nước, không mặc quần áo bảo hộ có tỷ lệ mắc cao hơn. Liên quan tới bệnh lý hô hấp, người lao động nuôi trồng thủy sản thường xuyên cho hải sản ăn và tham gia cải tạo ao đầm có nguy cơ mắc cao hơn. Về bệnh lý rối loạn hành vi tâm thần thể lo âu, nữ giới có nguy cơ mắc cấp gấp 1,39 lần nam giới; người thường xuyên lo lắng hải sản bị bệnh có nguy cơ bị rối loạn hành vi tâm thần cao gấp 2,86 lần và lo lắng về các vấn đề về tiêu thụ sản phẩm nguy cơ mắc cao gấp 1,59 lần so với người không có các biểu hiện trên.
Từ các nghiên cứu trên, Ban chủ nhiệm đề tài đề xuất 03 nhóm giải pháp phòng chống bệnh tật cho người lao động nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, hải đảo thành phố Hải Phòng gồm: Nhóm giải pháp về chuyên môn (tăng cường thực hiện biện pháp phòng hộ cá nhân và quy trình làm việc an toàn; tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức tốt công tác khám, quản lý sức khỏe cho người lao động nuôi trồng thủy sản; nâng cao năng lực khám, điều trị cho cán bộ y tế tuyến cơ sở; tăng cường tập huấn đảm bảo vệ sinh an toàn lao động và phòng chống tai nạn lao động, dự phòng tác hại nghề nghiệp cho người lao động nuôi trồng thủy sản); Nhóm giải pháp chính sách (đề nghị ngành y tế, bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh định kỳ cho người lao động nuôi trồng thủy sản; xây dựng tiêu chuẩn quy định về tủ thuốc, dụng cụ y tế thiết yếu cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản); Nhóm giải pháp về công nghệ kỹ thuật (tăng cường sử dụng các máy móc có thể thay thế cho người lao động trong quy trình nuôi trồng thủy sản; ứng dụng mô hình chuyển đổi số, công nghệ cao, công nghệ sinh học trong nuôi trồng thủy sản; ứng dụng công nghệ quản lý các chất thải độc hại phát sinh trong quá trình sản xuất trước khi thải ra môi trường).
Đánh giá kết quả thực hiện đề tài, Hội đồng cho rằng, đề tài đã đạt các nội dung và quy mô nghiên cứu. Mô hình bệnh tật lao động nuôi trồng thủy sản xây dựng trên cơ sở số liệu được thu thập, đảm bảo tính khoa học, khách quan, có độ tin cậy cao, tỷ lệ % các nhóm bệnh phân loại theo ICD-10; các giải pháp phòng chống bệnh được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu mô hình bệnh tật đảm bảo cơ sở khoa học, có tính thực tiễn, có khả năng ứng dụng trong điều kiện thực tế tại Hải Phòng. Hội đồng cũng đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa, bổ sung các nội dung: bổ sung các tài liệu tham khảo nước ngoài trong phần tổng quan các vấn đề nghiên cứu để làm rõ những điểm khác biệt tại Việt Nam cũng như Hải Phòng; bổ sung chi tiết và làm rõ các khái niệm sử dụng trong các bảng kết quả, một số khái niệm chưa được trích dẫn theo quy định của pháp luật hiện hành như nuôi trồng thủy sản thâm canh, nuôi trồng thủy sản bán thâm canh; cân nhắc bổ sung thêm nhóm giải pháp dành cho đối tượng nữ giới; sắp xếp lại các danh mục tài liệu tham khảo theo hướng dẫn; rà soát, bổ sung danh mục còn thiếu như QCVN 08-MT:2015/BTNMT, QCVN 10- MT:2015/BTNMT; xem xét lại một số văn bản đã hết hiệu lực; bổ sung các trích dẫn, danh mục viết tắt, bảng biểu, danh mục hình ảnh và chỉnh sửa lỗi chế bản, in ấn. Kết quả thực hiện đề tài được Hội đồng đánh giá xếp loại xuất sắc với số điểm 91,71./.
An Nhiên
- Nghiên cứu, đề xuất Chương trình phát triển khoa học và công nghệ biển thành phố... (23/12/2024)
- Tổ chức truyền thông về chuyển đổi số cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải... (18/12/2024)
- Xây dựng hệ thống không gian ảo dựa trên công nghệ AI nhằm lưu trữ thông tin mẫu... (17/12/2024)
- Đánh giá hiệu quả áp dụng và khả năng nhân rộng thành phốcho các sáng kiến năm 2024 (17/12/2024)
- Nghiên cứu, đề xuất Đề án Xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... (17/12/2024)
- Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất và sử dụng chế phẩm vi sinh cải tạo đất canh... (17/12/2024)