Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2899
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Nghiên cứu môi trường và đa dạng sinh học trong các hang ngầm và hồ nước mặn khu vực Cát Bà nhằm bảo tồn và phát triển du lịch (29/09/2020)

Chiều 28/9/2020, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp thành phố: “Nghiên cứu môi trường và đa dạng sinh học trong các hang ngầm và hồ nước mặn khu vực Cát Bà nhằm bảo tồn và phát triển du lịch”. Đề tài do TS Nguyễn Đăng Ngải -  Trưởng phòng, phòng Sinh thái và tài nguyên động vật biển, Viện Tài nguyên môi trường biển làm chủ nhiệm.

TS.Hoàng Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài thành phố - Chủ tịch Hội đồng khoa học, chủ trì hội nghị.

Đề tài đã tiến hành nghiên cứu và khảo sát 27 hồ nước mặn và 6 hang ngầm, kết quả cho thấy: chất lượng môi trường nước trong các hồ nước mặn đã có một số biểu hiện của sự ô nhiễm như ôxy hòa tan thấp, hàm lượng naitrat, phosphat, H2S, NH3 cao hơn giới cho phép ở một số điểm. Độ muối thấp lên đến 100/00 ở một số hồ kín vào mùa mưa, đặc biệt có sự phân tầng nghịch của nhiệt độ trong các hồ kín, tầng đáy cao hơn tầng mặt 2-30C.

Bên cạnh đó nhóm nghiên cứu còn xác định được 226 loài thực vật phù du, 85 loài động vật phù du, 53 loài cá, 44 loài dong biển, 37 loài hải miên, 48 loài san hô, 148 loài động vật đáy. Trong đó có 23 loài dong, 52 loài cá, 34 loài động vật đáy có giá trị kinh tế và 10 loài hải miên có hoạt tính sinh học cao. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã phát hiện được 4 loài quý hiếm nằm trong danh mục sách đỏ Việt Nam là: san hô khối, bàn mai đen, cá mòi không răng và cá ngựa đen. Lần đầu tiên phát hiện ra sự phân bố của loài cá trê trắng ở các hồ trong quần đảo Cát Bà và hai loài cá bống (Istigobius ornatus và Istigobius decorates) ghi nhận mới cho danh mục cá biển Việt Nam. Một số hồ nước mặn và hang ngầm có các đặc trưng về cảnh quan, sinh vật để phát triển du lịch lặn ngầm và leo núi, ngắm cảnh.

Trên cơ sở đó, đề tài đã đề xuất một số biện pháp bảo tồn và quản lý các hang ngầm và hồ nước mặn để phát triển du lịch như: Kiểm kê dầy đủ số số lượng hang ngầm và hồ nước mặn; Thành lập các chốt cố định tại các khu vực đông khác du lịch hoặc những nơi người dân thường xuyên vào khai thác; Khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường; Nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch; Nghiêm cấm nuôi trồng thủy sản trong hồ.

Qua quá trình nghiên cứu tỷ mỉ, công phu và có những phát hiện mới đồng thời đưa ra được các giải pháp có tính khả thi và thực tiễn cao, đề tài được Hội đồng khoa học thành phố đánh giá xếp loại xuất sắc (đạt 90,66 điểm).

Nguyễn Thơm