Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 58
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học nông nghiệp

Nghiên cứu quy trình nhân giống cây chè tím (Camellia sinensis) bằng nuôi cấy mô nhằm duy trì và phát triển giống chè quý hiếm (21/04/2025)

Chè tím là giống chè mới được một số nước trên thế giới lai tạo, phát triển và sử dụng như một loại thảo dược vì nó có hàm lượng chất chống ô xy hóa anthocyanin và polyphenol cao hơn chè thông thường 1,6 lần. Các anthocyanin trong lá chè tím có các chức năng sinh học khác nhau liên quan đến sức khỏe, như là hoạt động như chất chống oxy hóa và chất chống vi sinh vật gây hại (Hribar và cs., 2014; Viskelis và cs., 2009), giảm mỡ máu (Wang và cs., 2012) và ngăn ngừa ung thư đại trực tràng (Hsu và cs., 2012), khắc phục tình trạng tắc nghẽn mạch máu não (Rashid và cs., 2014).

Cây chè tím có giá trị kinh tế cao. Theo báo cáo của Kenya, trồng chè tím có lợi nhuận cao gấp 7 lần so với các giống chè truyền thống. Ở Việt Nam, chè Trung Du búp tím được biết đến như một loại chè dược liệu có tác dụng ngăn ngừa, kìm hãm ung thư và có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, diện tích trồng chè Trung Du búp tím ở Phú Thọ còn lại rất ít, chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích chè Trung Du và 0,2- 0,3% diện tích trồng chè nói chung của Phú Thọ. Nguyên nhân được cho là chè búp tím chủ yếu được trồng bằng hạt nên năng suất và chất lượng chưa ổn định.

Cây chè tím có nguồn gốc Nhật Bản được thu thập để phục vụ lai tạo giống chè mới từ năm 2013. Cây chè mới đã được nhân giống bằng giâm hom, đến nay vẫn giữ nguyên đặc tính di truyền màu tím vốn có. Tuy nhiên, trong số 10 cây chè tím thu thập được năm 2013, hiện chỉ có 3 cây còn sống, đang sinh trưởng và phát triển khá tốt. Nhân giống bằng giâm hom giống chè tím này gặp nhiều khó khăn, do tỉ lệ sống, tỉ lệ tạo rễ và phát triển thành cây mới thấp nên số lượng cây giống ít ỏi. Một phương pháp nhân giống in vitro thích hợp sẽ loại bỏ những vấn đề liên quan đến tạo rễ hom thân gỗ và cũng đảm bảo sản xuất cây con đồng nhất về mặt di truyền. Các nghiên cứu nhân giống in vitro một số loài thuộc chi Camellia như Camellia japonica, C. sinensis và C. reticulate đã được thực hiện.Với giá trị của chè búp tím, xu hướng phát triển chè tím trên thế giới và mong muốn phát triển loại chè này ở Việt Nam, “Nghiên cứu quy trình nhân giống cây chè tím (Camellia sinensis) bằng nuôi cấy mô nhằm duy trì và phát triển giống chè quý hiếm” do Chủ nhiệm đề tài Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chiên cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Kĩ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc thực hiện là rất cần thiết, góp phần đa dạng sản phẩm và nâng cao giá trị sản phẩm cây chè, thu nhập của người sản xuất, phát triển bền vững sản xuất chè trong vùng.

Đề tài đã xây dựng thành công quy trình nhân giống cây chè tím bằng phương pháp nuôi cấy mô. Cụ thể:

- Đoạn cành có chiều dài từ 17 - 19 cm thích hợp nhất để sử dụng làm nguồn vật liệu ban đầu cho khử trùng và khử trùng với HgCl2 ở nồng độ 0,1% trong thời gian 25 phút, tỉ lệ mẫu vô trùng là 58,9%.

- Môi trường MS có bổ sung BAP (1 mg/L) và IAA (0,1 mg/L) cho tỉ lệ tạo chồi cao nhất, đạt 42,5%. Nhân nhanh chồi trên môi trường MS bổ sung 3,5 mg/L BAP cho hệ số nhân chồi cao nhất, với hệ số nhân là 2,39 sau 2 tháng nuôi cấy.

- Ra rễ chồi chè in vitro trên môi trường 1/2MS có bổ sung 0,8 mg/L α-NAA + 4,0 mg/L IBA cho tỉ lệ ra rễ đạt cao nhất, 71,1%, sau 60 ngày nuôi cấy.

- Tỉ lệ sống của cây con đạt cao nhất là 63,3% trên giá thể đất, phân chuồng ủ hoai và đá vermiculite.

- Lượng nước tưới phù hợp với cây con ngoài vườn ươm khi trồng vào cuối mùa xuân đầu mùa hè là tưới phun sương 2 lần/ngày, với 1,5 lít đến 2 lít nước / m2 bầu ở giai đoạn 2-3 tháng trồng. Che sáng cho cây con ở giai đoạn đầu là cần thiết, giúp tăng tỉ lệ sống của cây con. Bón phân HCVS Sông Gianh ở mức 100g / m2 cho cây con từ 3-6 tháng tuổi là phù hợp nhất, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20782/2022) tại Cục Thông tin, Thống kê./.

Đ.T.V (NASTIS)

Ngày cập nhật: 14/04/2025

https://www.vista.gov.vn/vi/news/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/nghien-cuu-quy-trinh-nhan-giong-cay-che-tim-camellia-sinensis-bang-nuoi-cay-mo-nham-duy-tri-va-phat-trien-giong-che-quy-hiem-11119.html