Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 22618 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Tin KH & CN Hải Phòng
Nghiên cứu tác dụng của Levobupivacain kết hợp với Fentanyl trong gây tê ngoài màng cứng (22/01/2014)
Gây tê ngoài màng cứng là quy trình giảm đau sau mổ hiện đại, giúp làm giảm thiểu thời gian nằm viện và giúp bệnh nhân mau hồi phục. Tuy vậy, tại Hải Phòng hiện nay vẫn sử dụng các phương pháp giảm đau cổ điển mà chưa tận dụng được ưu thế của phương pháp gây tê ngoài màng cứng. Nhằm khắc phục vấn đề này, TS. Cao Thị Bích Hạnh – Trưởng khoa Gây mê hồi tỉnh cùng các cộng sự bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã triển khai thực hiện đề tài khoa học cấp thành phố “Nghiên cứu tác dụng của Levobupivacain với các nồng độ khác nhau kết hợp với Fentanyl trong gây tê ngoài màng cứng để giảm đau sau mổ tại Hải Phòng”.
Ban Chủ nhiệm đề tài đã tiến hành khảo sát trên 240 bệnh nhân phẫu thuật vùng bụng và chi dưới. Bệnh nhân được chia thành 2 nhóm theo vị trí phẫu thuật: nhóm B - phẫu thuật ổ bụng, chỉ định cho tất cả các trường hợp mổ mở ổ bụng; nhóm C - phẫu thuật chi dưới, chỉ định trong các phẫu thuật thay khớp háng. Mỗi nhóm B và C được chia thành 3 nhóm nhỏ, tùy theo nồng độ của Levobupivacain kết hợp với tốc độ của Fentanyl nhằm đánh giá tác dụng của chúng với việc giảm đau sau mổ. Nhóm B bao gồm: B1 (Levobupivacain 0,5% + 2 mcg/ml Fentanyl tốc độ 3 ml/h), B2 (Levobupivacain 0,25% + 2 mcg/ml Fentanyl tốc độ 6 ml/h), B3 (Levobupivacain 0,125% + 2 mcg/ml Fentanyl tốc độ 12 ml/h). Nhóm C gồm: C1 (Levobupivacain 0,25% + 2 mcg/ml Fentanyl tốc độ 3 ml/h), C2 (Levobupivacain 0,125% + 2 mcg/ml Fentanyl tốc độ 6 ml/h), C3 (Levobupivacain 0,0625% + 2 mcg/ml Fentanyl tốc độ 12 ml/h).
Sau khi tiến hành thử nghiệm, các tác giả nhận thấy, tỷ lệ giảm đau thành công ở nhóm B là 92,25%, nhóm C là 97,75%. Mức độ giảm đau của các nhóm B1, B2 và C1, C2 cao hơn các nhóm B3, C3. Gây tê ngoài màng cứng để giảm đau sau phẫu thuật của 2 nhóm ít ảnh hưởng đến tuần hoàn, hô hấp. Cả 6 nhóm đều gặp tỷ lệ tác dụng phụ rất ít.
Ban Chủ nhiệm cũng đã đề xuất việc lựa chọn vị trí gây tê ngoài màng cứng với các nồng độ và tốc độ thuốc gây tê phù hợp cho từng loại phẫu thuật. Phẫu thuật tầng trên ổ bụng, gây tê vị trí T6-T8 (T: đốt sống ngực), sử dụng Levobupivacain 0,25% kết hợp 2 mcg Fentanyl/ml, tốc độ truyền liên tục 5 ml/h. Phẫu thuật tầng dưới ổ bụng, gây tê vị trí T11-L1 (L: đốt sống lưng), sử dụng Levobupivacacain 0,125% kết hợp 2 mcg Fentanyl/ml, tốc độ truyền liên tục 8 ml/h. Phẫu thuật chi dưới, gây tê vị trí L2-L3, sử dụng Levobupivacain 0,125% kết hợp Fentanyl 2 mcg/ml, tốc độ truyền liên tục 5 ml/h.
Với giá trị khoa học và thực tiễn đề tài mang lại (như: hiệu quả giảm đau sau mổ tốt, giảm ngày nằm viện, tiết kiệm thời gian và kinh tế cho người bệnh…), đề tài đã được Hội đồng khoa học cấp thành phố đánh giá xuất sắc.
Đinh Thủy
- Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong quản lý tổng hợp một số sinh vật chính gây hại trên... (08/05/2025)
- Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ chào cờ, sinh hoạt chính trị dưới cờ tháng 5 (06/05/2025)
- Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ khai thác nước thấm lọc từ sông ở Việt... (28/04/2025)
- Hưởng ứng giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam lần thứ 8/2025 “Vì một Việt Nam số” (05/05/2025)
- Hỗ trợ 04 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn ISO 14061-1:2018 (28/04/2025)
- Nghiên cứu tách chiết hoạt chất β-Glucan từ bã men bia nhằm ứng dụng nâng cao hiệu... (26/04/2025)