Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 27546 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học nông nghiệp
Nghiên cứu tạo giống ngô chịu hạn bằng công nghệ gen (19/08/2016)
Trong thời gian từ tháng 1/2014 đến tháng 4/2015, nhóm nghiên cứu tại Viện Di truyền Nông nghiệp do PGS.TS. Nguyễn Văn Đồng dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tạo giống ngô chịu hạn bằng công nghệ gen”.
Tại Việt Nam, ngô là cây lương thực quan trọng thứ hai sau lúa. Năng suất ngô ở nước ta tăng nhanh liên tục với tốc độ cao hơn mức trung bình của thế giới trong suốt 20 năm qua. Năm 2013, diện tích trồng ngô trong nước đạt xấp xỉ 1,2 triệu ha, năng suất đạt 4,43 tấn/ha, sản lượng 5,19 triệu tấn. Ngô được trồng trong những điều kiện sinh thái khác nhau trên nhiều vùng. Thời vụ trồng ngô dưa vào tác động của chế độ nhiệt, lượng mưa. Trong khi đó, do có khí hậu nhiệt đới gió mùa và các yếu tố khí hậu hàng năm có sự biến đổi lớn cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong khu vực và trên toàn cầu, hạn hán nghiêm trọng thường xảy ra gây thiệt hại to lớn đến kinh tế-xã hội, đặc biệt là nguồn nước và sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen để tạo ra các giống cây trồng có khả năng chịu hạn và khả năng sử dụng nước hiệu quả mà phương pháp truyền thống không tạo ra được là rất cần thiết, đặc biệt là cây ngô.
Đóng góp của công nghệ sinh học vào chọn tạo giống ngô ở nước ta hầu như chưa có. Việc tạo ra các cây ngô biến đổi gen bước đầu được triển khai trên quy mô hạn chế, chưa tạo được giống ngô chuyển gen có thể áp dụng trong sản xuất do đây là cây trồng tương đối khó nuôi cấy in vitro cũng như chuyển nạp gen. Các công trình nghiên cứu về khả năng chịu hạn và chọn giống ngô chuyển gen chịu hạn trên thế giới đã thu được một số thành công ở đối tượng này, nhưng hầu hết các quy trình biến nạp chủ yếu phụ thuộc vào kiểu gen, khó được áp dụng tại các phòng thí nghiệm khác nhau. Do đó, việc xây dựng quy trình chuyển gen chịu hạn vào các dòng ngô chọn lọc của Việt Nam nhằm thích ứng được với điều kiện sinh thái trong nước là đặc biệt quan trọng.
Đề tài nghiên cứu đã thu được những kết quả nổi bật sau:
- Đã tạo ra được vector mang gen chịu hạn và dòng ngô được chuyển gen chịu hạn thế hệ T1, mang 1 trong 5 gen chịu hạn NPK1/ZmNF-YB2/ZmNAC1/IPT/ERA1.
- Đã xây dựng được quy trình chuyển gen chịu hạn vào một số dòng, giống ngô chọn lọc.
Sản phẩm của đề tài sẽ là nguồn vật liệu lý tưởng phục vụ công tác chọn giống ngô lai chịu được điều kiện khô hạn, phục vụ trực tiếp cho việc mở rộng diện tích trồng ngô ở Việt Nam, góp phần giải quyết nhu cầu rất lớn về tiêu thụ ngô trong nước và xuất khẩu.
Các dòng ngô tạo ra là vật liệu khởi đầu để phục vụ công tác chọn tạo các giống ngô vừa có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng thích ứng tốt với các điều kiện bất thuận, phù hợp với điều kiện canh tác của Việt nam và có tính an toàn sinh học cao nên dễ thương mại hóa và mở rộng thị trường với giá thành cạnh tranh rất cao.
Nghiên cứu của đề tài góp phần tăng cường năng lực chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ gen, tạo nền móng cho việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống ngô thương mại của Việt Nam trong tương lai.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11654/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Nguồn: www.vista.gov.vn
- Nghiên cứu đầu tiên về vi khuẩn nước bọt lợn cho thấy sự biến đổi cao (18/11/2024)
- Phân bón lá Nano - REM: kết hợp giữa công nghệ nano và nông nghiệp hữu cơ (12/11/2024)
- Nghiên cứu công nghệ sản xuất naringin và tinh dầu từ vỏ quả bưởi và xây dựng mô... (05/11/2024)
- Chọn tạo giống đậu xanh mới: Kháng bệnh khảm vàng và cho năng suất cao (30/10/2024)
- Ia H’Drai (Kon Tum): Hỗ trợ người dân phát triển mô hình chăn nuôi hươu sao (21/10/2024)
- Mô hình sản xuất lúa giống mới năng suất cao (15/10/2024)