Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5757
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thử nghiệm chân vịt hai bước nhằm giảm lượng tiêu hao nhiên liệu cho tàu cá đánh bắt xa bờ của Hải Phòng (29/07/2020)

Chiều 28/7, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thử nghiệm chân vịt hai bước nhằm giảm lượng tiêu hao nhiên liệu cho tàu cá đánh bắt xa bờ của Hải Phòng”. PGS.TS. Phạm Kỳ Quang - Viện trưởng Viện Đào tạo chất lượng cao, Trường Đại học Hàng hải làm chủ nhiệm đề tài.

Đại diện Ban chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả trước Hội đồng KH&CN.

Theo nghiên cứu, hiện nay, hầu hết các tàu cá đánh bắt xa bờ của Việt Nam chủ yếu sử dụng chân vịt có bước cố định, trong khi trên thế giới đa phần được trang bị loại chân vịt biến bước, có hiệu quả khai thác cao hơn nhiều, tuy nhiên giá thành lại cao và đòi hỏi đội ngũ kỹ thuật có trình độ chuyên môn nhằm đảm bảo, duy trì chế độ bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên. Từ thực trạng này, nhóm nghiên cứu kết hợp với các nhà khoa học thuộc lĩnh vực hàng hải, cơ khí chế tạo nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mẫu “chân vịt hai bước” - nghĩa là chân vịt có thể thay đổi được hai góc đặt cánh khác nhau, tương ứng với hai chế độ tải trọng chính của tàu, giúp nâng cao hiệu quả khai thác. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề tài triển khai thiết kế, chế tạo chân vịt hai bước cho tàu cá đánh bắt xa bờ có công suất 155 CV với 73 chi tiết; đồng thời tiến hành thử nghiệm trên tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân để đánh giá hiệu quả của hệ thống chân vịt hai bước so với chân vịt có bước cố định với cùng thời gian 15 ngày đi biển.

Kết quả so sánh, sử dụng chân vịt hai bước cơ động hơn trong quá trình điều động tàu. Với các chế độ chạy đánh bắt, tự do, dừng máy và chế độ khác, tổng lượng nhiên liệu tiêu hao cũng ít hơn so với sử dụng chân vịt có bước cố định là 6,63%. Hiệu suất trung bình của hai giai đoạn đánh bắt và chạy tự do cũng tăng 8,45% so với sử dụng chân vịt có bước cố định. Đặc biệt trong chế độ chạy tự do, tốc độ tàu sử dụng chân vịt hai bước có thể đạt tới 11 Knot, trong khi tàu sử dụng chân vịt có bước cố định đạt 9 Knot.

Trong quá trình lắp ráp và vận hành thực nghiệm, nhóm tác giả chỉnh sửa một số thông số kỹ thuật để thuận tiện cho việc lắp ráp và vận hành. Từ các chỉnh sửa này, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật và hồ sơ công nghệ của sản phẩm.

Đánh giá về kết quả thực hiện đề tài, Hội đồng khoa học và công nghệ cho rằng, sản phẩm chân vịt hai bước có thể ứng dụng thay thế chân vịt kiểu cũ cho đội tàu cá đánh bắt xa bờ của Hải Phòng và các tỉnh thành khác. Sử dụng chân vịt hai bước trên tàu đánh bắt xa bờ làm giảm lượng nhiên liệu sử dụng và giảm phát thải môi trường.

Quỳnh Anh