Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 22960
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học nông nghiệp

Nghiên cứu, tuyển chọn các giống mía chịu hạn (15/04/2016)

Sau hơn 2 năm triển khai, Đề tài “Nghiên cứu, tuyển chọn giống mía chịu hạn tại Khánh Hòa” đã thu được kết quả bước đầu, góp phần chọn ra những giống mía có nhiều triển vọng cho tỉnh.

Mía đường là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh với tổng diện tích gần 19.000 ha. Những năm gần đây, hạn hán đã gây thiệt hại lớn đối với ngành mía đường, ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng mía. Vì vậy, việc tìm ra các giống mía chịu hạn đưa vào sản xuất là yêu cầu bức thiết.

Kiểm tra ruộng mía chịu hạn khảo nghiệm tại xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa

Năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đặt hàng Viện Nghiên cứu Mía đường thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, tuyển chọn giống mía chịu hạn tại Khánh Hòa”. Theo ThS. Lê Thị Thường - Chủ nhiệm Đề tài, Đề tài được tiến hành trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt trong năm 2015 lượng mưa thấp, mưa muộn và kết thúc sớm nên tình trạng hạn hán xảy ra trên diện rộng ở Khánh Hòa. Đây cũng là cơ hội để có thể đánh giá chính xác hiệu quả của những giống mía chịu hạn đưa ra khảo nghiệm.

Bộ giống tuyển chọn của Đề tài là các giống mía có khả năng chịu hạn tốt, phát triển mạnh, khả năng lưu gốc tốt, có năng suất, chất lượng cao (đã được thử nghiệm tại Viện Nghiên cứu Mía đường) như: KK6, Khonkaen 3, KPS01-25, VN08-99, VN09-149 và giống đối chứng K84-200. Theo đó, có 3 địa phương được lựa chọn thực hiện Đề tài là: thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm và Khánh Vĩnh. Nội dung khảo nghiệm gồm: khảo nghiệm cơ bản (mỗi địa phương thực hiện 0,2 ha) và khảo nghiệm sản xuất (0,5 ha).

Sau 2 vụ mía tại Cam Lâm và Ninh Hòa cho thấy, mía sau khi trồng, dù hạn hán vẫn phát triển tốt, bộ lá xanh, sạch bệnh. Tuy nhiên, do hạn kéo dài nên làm chậm quá trình sinh trưởng của các giống, tốc độ vươn cao cũng bị ảnh hưởng. Đến thời điểm đánh giá, tất cả các giống đều sinh trưởng mạnh hơn giống đối chứng, không nhiễm hay nhiễm nhẹ sâu bệnh.

ThS Lê Thị Thường cho biết, qua khảo nghiệm tại Khánh Hòa, các giống mía chịu hạn có nhiều triển vọng gồm: KPS01-25, VN09-108, Khonkaen 3 và VN08-99. Các giống này đều chịu hạn tốt, lưu gốc tốt, không hoặc ít đổ ngã, không trổ cờ, hàm lượng đường cao, năng suất đạt từ 80-100 tấn/ha. Đến năm 2017, khi Đề tài kết thúc sẽ chọn bộ giống mía triển vọng đưa ra sản xuất đại trà.

Ông Nguyễn Tiến - Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết: “Trong cùng điều kiện khô hạn như nhau, không được tưới bổ sung nhưng mía trong thực hiện Đề tài phát triển rất tốt, lóng vươn dài, xanh tốt hơn hẳn giống đối chứng cũng như các giống canh tác tại địa phương. Thị xã đang đề nghị Viện Nghiên cứu mía đường đưa ra sản xuất đại trà các giống này trong vụ tới”.

Đề tài được triển khai từ tháng 6/2014 đến tháng 6/2017 với tổng kinh phí thực hiện gần 1 tỷ đồng, trong đó kinh phí ngân sách gần 900 triệu đồng. Mục tiêu của Đề tài nhằm chọn giống mía mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chịu hạn thích hợp vùng đất khô hạn tại Khánh Hòa, có năng suất quy đổi 10 CCS, vượt giống đối chứng tối thiểu 10%.

 

Nguồn: vista.gov.vn (Theo Tạp chí KH&CN Việt Nam)